Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

BÁT CÔ TÔ HAY LÀ BÁT Ô TÔ?


BÁT CÔ TÔ HAY LÀ BÁT Ô TÔ?
 
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
 
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.
 
楓橋夜泊
 
月落烏啼霜滿天,
江楓漁火對愁眠。
姑蘇城外寒山寺,
夜半鐘聲到客船
 
Phong Kiều dạ bạc
 
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hoả đối sầu miên.
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
 
Dịch nghĩa:
 
Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời.
Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ buồn.
Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,
Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.
 
Tản Đà dịch:
 
Đêm đỗ thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

*Gần đây, có người nói bản dịch này là của Giải nguyên Nguyễn Hàm Ninh. 
 
Đây là bài thơ của Trương Kế đời Đường, TQ. Tương truyền, ông làm bài này khi đến bến Phong Kiều và ngủ lại ở đó. Khi làm xong 2 câu đầu thì mãi ko viết được nữa. Lúc ấy sư cụ chùa Hàn Sơn cũng tức cảnh sinh tình làm thơ về trăng nhưng làm được 2 câu thì tắc, không kết được. Bấy giờ sư cụ khơi trầm thắp nhang xin Phật, thì kết ngay được một bài tứ tuyệt rất hay. Sư cụ mừng quá, sai chú tiểu lên đánh chuông tạ ơn Phật. Chùa không có gõ chuông lúc nửa đêm, nhưng đêm ấy tiếng chuông ngân nga giữa đêm khuya khiến mọi người đều lạ.

Kíp khi ấy, tiếng chuông vọng đến bến Phong Kiều. Đang lơ mơ ngủ buồn, Trương Kế giật mình cầm bút viết nốt hai câu cuối, thành một bài tứ tuyệt rất hay.
 
Thời Đường có 2300 nhà thơ, với 48 nghìn bài. Đời sau chọn 300 bài hay nhất để in thành tập Đường thi tam bách thủ (300 bài thơ đời Đường), thì có bài này. Tuyển tập “Thiên gia thi”(Thơ nghìn nhà) cũng có bài này.
 
* Từ khi bài thơ ra đời, nó được lan truyền khắp nơi, có mặt trong các cuộc ngâm vịnh, được phổ nhạc, vẽ tranh. 
 
Các lò gốm Trung Hoa sản xuất ra loại bát đơm canh to để vẽ cho đủ cảnh bến Phong Kiều, chùa Hàn Sơn và chép cả bài hoặc hai câu cuối vào thành bát. Người ta gọi đó là BÁT CÔ TÔ (Bát vẽ cảnh Cô Tô).
 
Kíp khi xe ô tô người Pháp đưa vào Việt Nam đầu thế kỷ 20, cũng là khi Hán học suy tàn. Người ta thấy cái bát đơm canh này giống cái đèn ô tô nên gọi cái bát đó là bát tô, bát Ô tô. Từ đó quen dần, không ai còn biết đến tên bát Cô Tô nữa. 
 
* Đầu thế kỷ 20, nhà cách mạng Khang Hữu Vi ghé thăm Chùa Hàn Sơn, nhã hứng bạt đá viết bài thơ của Trương Kế rồi thuê thợ khắc. 
 
Từ đó đến nay, dân địa phương đua nhau in rập văn bia bài thơ (thác bản) để bán cho du khách. Tôi chưa đến Chùa Hàn Sơn nhưng cũng được tặng một bản. 
 
* Trong lối hát Ả đào, có một tiết mục là 36 giọng, được ả đào gọi là Món Nộm dùng để hát cho vui tai lúc giải lao giữa chầu hát, cũng có ngâm cả bài chữ Hán lẫn lời dịch. Tao nhã lắm! Có dịp tôi sẽ hát hầu quý vị.
 
Boong….
B o o n g….. B o o n g….
 
Ảnh: Bát Cô Tô hiện đang đấu giá trên trang FB Triệu Thanh Sơn.
 




 
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét