AI ĐÃ XÂY LĂNG ĐÁ THÁNH MẪU LIỄU HẠNH
NĂM 1936-1938 Ở VỤ BẢN, NAM ĐỊNH?
NĂM 1936-1938 Ở VỤ BẢN, NAM ĐỊNH?
NỘI DUNG Ý NGHĨA BÀI THƠ NÔM CỦA ĐÀO CHI TRÊN BIA SÙNG TU LĂNG THÁNH MẪU
Nhân có người gửi tài liệu về một bài thơ chữ Nôm, có ở bia Sùng tu lăng thánh Mẫu và cho rằng đây là lịch sử của Đức Thánh Mẫu Phủ Dày vì bài thơ chính là giáng bút của Mẫu Liễu.
Đặc biệt có câu thơ sau để nói lên mẫu ở Tiên Hương:
“Đường về Nam Định không xa
Tiên Hương Vụ Bản quê nhà mẹ đây”
Khi có hỏi ông/bà Đào Chi là ai, làm bài thờ này nhân dịp nào thì vị đó hoàn toàn không biết, và chỉ biết rằng thờ trên Facebook và đang được chia sẻ thông tin rộng rãi
VẬY THƠ GIÁNG BÚT LÀ GÌ, ĐÀO CHI LÀ AI, NỘI DUNG TRÊN VĂN BIA ĐÃ NÓI GÌ?
Trước hết nói về hiện tượng giáng bút là sản phẩm của các thiện đàn phát triển vào cuối TK19 đâu TK 20.
Nội dung thơ văn giáng bút cũng chính là nội dung, mục đích hoạt động của các Thiện đàn. Thiện đàn là nơi truyền dạy những lời vàng ý ngọc khuyên đời cứu dân thông qua lời thờ được cho là của các bậc tiên thánh. Đó là một chương trình tuyên truyền rộng khắp trong suốt thời gian nửa cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX tập trung vào hai vấn đề: Kêu gọi lòng YÊU NƯỚC và Chấn hưng văn hoá dân tộc.
Thông qua việc “mượn danh” là thơ của Tiên Thánh đề truyền bá tư tưởng nhanh chóng tới lại có thể tránh khỏi những kiểm duyệt hay của chính quyền thực dân vì “bản quyền” thuộc về các vị tiên thánh. Hiện nay tại thư viện Hán Nôm vẫn còn lưu trữ một số lượng lớn thơ văn giáng bút bằng chữ Nôm được viết vào đầu thế kỷ 20.
Tại Lăng Công Chúa Liễu Hạnh ở Thôn Tiên Hương, Xã Kim Thái, Huyện Vụ Bản còn có bia đá được viết năm 1938 của đệ tử Đào Chi, người Huế một bài thơ chữ Nôm. Bia có tên ‘Thánh Mẫu giáng tứ bi văn. Nội dung bia là một bài thơ chữ Nôm, mở đầu bằng lối thơ nói phần sau là thơ lục bát. Nội dung của cả bài thơ thuộc thể loại yêu nước thương nòi.
Đại ý bài thơ, lời của Mẫu cảm thấy mãn nguyện khi các con tu sửa xây đắp lăng mộ cho Mẫu ở Tiên Hương và khen cho đàn con ở Phổ Hóa (Huế) có tình đã xây lăng mộ cho mẹ, mong cho tình nghĩa mẹ con lâu dài.
Toàn văn bài thơ chữ Nôm khắc trên bia đá như sau:
Phần chữ Hán đã dịch nghĩa:
Bia ghi việc tôn tạo lăng Thánh mẫu
Lời văn do Thánh mẫu giáng bút cho khắc.
Muôn vật từ xưa tạo hóa xây
Trẻ già đều hưởng phúc vui vầy
Trời cho thông sáng lòng ta được
Liễu biếc đào hồng cảnh đẹp thay.
Phần chữ Nôm:
Khen người mài sắt có công
Nên kim chẳng quản những công dùi mài
Có duyên mà cũng có tài
Năm trăm năm lẻ lâu dài là đây
Đội ơn trời đất cao dày
Lập đền sửa mộ xưa nay mấy người
Phen này mẹ cũng lòng vui
Vui non vui nước vui trời bao la
Đường về Nam Định không xa
Tiên Hương Vụ Bản quê nhà mẹ đây
Đời xưa cho đến đời nay
Lê triều kim thượng gần rày sáu trăm
Đố ai tính được mấy lăm
Sáu ngàn có lẻ tuần trăng vẫn tròn
Xuân kinh Phổ Hóa đàn con
Đàn con Phổ Hóa là con hữu tình
Hữu tình mẹ cũng thương tình
Đắp xây lăng mộ chứng minh có trời
Tiên Hương linh tích muôn đời
Trường xuân phúc quả thảnh thơi lâu dài
Có duyên ờ cũng có tài
Thực là tình mẹ lâu dài nghĩa con
Khá khen một tấm lòng son.
Ngày tốt tháng ba năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Đại (1938).
Nam nữ đệ tử hội Xuân Kinh, Phổ Hóa, Đào Chi - Kính tập
NỘI DUNG VÀ HÀM Ý CỦA BÀI THƠ SÙNG TU LĂNG THÁNH MẪU:
Nếu nói một các thực tế tuy có hơi thô thiển, việc mượn danh mẫu (thông qua mỹ từ giáng bút) khen việc xây mộ cho mẹ là một hình thức tự khen khéo léo để biểu dương của việc công đức của những người ở Huế. Mà cụ thể công việc đã lam là sửa lăng Thánh Mẫu tại Tiên Hương, vì thế cố gắng ghi rõ vị trí của Lăng thông qua việc nêu địa danh.
Theo dã sử , mẫu lấy chồng về Tiên Hương, Tiên Hương là quê chồng, nơi hóa tại nơi đây nên đây cũng là quê của mẫu ở. Mẫu gửi thân tại quê chồng, lăng mộ tại Tiên Hương.
Nên có thờ rằng “ Đường về Nam Định không xa /Tiên Hương Vụ Bản quê nhà mẹ đây.” Khẳng định đến địa danh tại nơi đây có lăng mộ Mẫu, các con ở Phổ Hóa kinh thành Huế đã về đây lo việc xây mộ cho mẹ. Chủ thể được nhắc tới trong là lăng mộ đã được xây.
NGƯỜI SOẠN BIA Ở LĂNG MẪU LIỄU HẠNH DƯỚI HÌNH THỨC “LỜI CỦA MẪU GIÁNG BÚT ” LÀ AI?
Rất may mắn, cái tên Đào chi Phổ Hóa ở kinh thành Huế đã được nhà nghiên cứu Bùi Văn Tam khảo cứu trong cuốn sách “VĂN HÓA THỜ NỮ THẦN- MẪU Ở VIỆT NAM VÀ CHÂU Á” trong bài viết “Một số đặc điểm của Đạo Mẫu Liễu Hạnh ở Nam Định” từ trang 342 có phần khảo cứu về đạo Mẫu ở các miền khác như sau:
“Điều đáng lưu ý, Đạo Mầu Liễu Hạnh không chỉ là tín ngưỡng của một vùng, chỉ bó gọn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, mà đã lan nhanh ra cả nước vào đầu thế kỷ XX.
Vào đầu thế kỷ XX, có một vị quan người Hà Tĩnh là Phan Tử Phong và vợ là bà Nguyễn Thị Đào. Hai vợ chồng đã nhiều lần dự hội Phủ Dầy và hội đền Sòng, có lòng ngưỡng mộ Mầu Liễu. Phan Từ Phong được thăng chức Hồng Lô Tự Khanh, được làm quan trong triều.
Năm 1925, ông bà rước chân hương Mẫu Liễu ờ Phủ Dầy vào Huế, lập miếu thờ ờ chùa Bảo Quốc, lập một chi đệ tử của Đạo Mẫu Liễu Hạnh gọi là Đào Chi. Khi lập miếu thờ, Đào chi có mời cụ Đẻ Đồng (thân phụ cùa Đồng quan Trần Vũ Thực và ông Đồng Thực vào Huế làm lễ tại vị.
Năm 1930, Đào Chi ở Huế cử một đoàn đệ tử cả nam và nữ ra làm lễ ờ Phủ Dầy (Hiện còn lưu giữ 2 bài thơ giáng bút của Mẫu về hành trình đi và về của Đoàn cùng nhiều bức ảnh trước Phủ Dầy Tiên Hương và Mộ đất của Mẫu). Khi về Huế, Đào Chi quyết định xây đền Phổ Hóa để thờ Mẩu ở Huế, đồng thời quyên góp tiền để xin xây lăng Mẫu.
Năm 1934, Đào Chi gửi đơn xin Tổng đốc Nam Định cho xây lăng, nhưng không được chấp nhận.
Năm 1935, có sự can thiệp của quan Án Sát Thanh Hóa họ Tôn Thất, đơn mới được chấp nhận.
Năm 1936, lăng Mẫu được khởi công xây dựng do Tham tá Hồ Trọng Lẫm làm đốc công, có sự giúp đỡ tích cực của Đồng Quan Trần Vũ Thực, lúc đó cũng đang khởi công mở rộng Nguyệt Du Cung. Lăng Mẫu được hoàn thành năm 1938. Trong lăng Mẫu có hơn 60 câu đối thì có hơn 50 câu đối do đệ tử Đào Chi cung tiến.
Trong lầu thờ ở góc lăng Mẫu có khắc bài Giáng bút của Mầu chứng minh việc làm ân nghĩa của Đào Chi Phổ Hóa, đệ tử của Mẫu ở Huế, bác bỏ lời đồn đại lăng do vua Bảo Đại làm:
“Xuân Kinh Phổ Hóa đàn con
Đàn con Phổ Hóa là con hữu tình
Hữu tình mẹ cũng thương tình
Đắp xây lăng mộ chứng minh có trời”
Năm 1939, Đào Chi cũng khánh thành đền Phổ Hóa thờ Mẩu Liễu Hạnh (số 185 đường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế, ngoài cổng đền khắc: “PHỔ HÓA CUNG - VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU” rước Mẫu Liễu từ chùa Bảo Quốc về thờ.
Những năm sau, một số đệ tử ở Quảng Trị và Quảng Bình đã xin chân hương đền Phổ Hóa về lập đền thờ Mẫu tại quê mình. Ở Huế có điện Hòn Chén do vua Đồng Khánh mở rộng thờ các vị thánh. Mẫu Liễu Hạnh cũng có ban thờ ờ đây.
Do đó có thể thấy việc trùng tu lăng Mẫu và đền cây đa bóng có sự công đức lớn của người có tên là Đào Chi là một nhóm đệ tử ở Huế. Đào Chi thực tế là những người do hai vợ chồng ông quan người Hà Tĩnh có lòng mộ đạo đã lập ra để đi công đức các đền Phủ Mẫu. Đào Chi là người văn hay chữ tốt và chi nhiều ngân phiếu cho việc trùng tu, bằng chứng là Trong lăng Mẫu có hơn 60 câu đối thì có hơn 50 câu đối do đệ tử Đào Chi cung tiến.
Trong văn bia tại lăng Mẫu ở Phủ Tiên Hương, Đào Chi chỉ nhắc tới địa danh Tiên Hương là quê chồng nơi có lăng Mẫu ngự, nhưng khi về Huế mở Phô Hóa Cung Đào Chi đã khắc ghi : “PHỔ HÓA CUNG - VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU” (sách đã dẫn) để nêu rõ ràng Thánh Mẫu là gốc tích rõ ràng. Vân Hương Thánh Mẫu (Thánh Mẫu giáng sinh tại Vân Cát- hóaTiên Hương, gọi chung đôi nơi là Vân Hương, cũng có sách nói Vân Hương là Làng Vân) Phổ Hóa Cung chỉ là nơi thờ vọng Vân Hương thánh Mẫu.
Tuy nhiên theo chúng tôi (nhóm nghiên cứu lịch sử Phủ Dày thì Đào chi là là một nhóm người mộ đạo Mẫu ở kinh đô Huế lấy tên là Đào chi (chi họ Đào/ hoặc Đào chính là tên bà vợ quan Hồng Lô Tự Khanh? ) chứ không hoàn là một cá nhân duy nhất. Bằng chứng là trong văn bia có câu “Xuân Kinh, Phổ Hóa, Đào chi Nam nữ phụng lập. Cho dù cá nhân hay tập thể cũng xác định được người công đức cho việc sửa lăng năm 1938 là ở Huế
Ý NGHĨA CỦA VĂN BIA “THÁNH MẪU GIÁNG TỨ BI VĂN”
Như đã phân tích ở trên đệ tử Đào Chi đã soạn bia công đức dưới dạng thờ giáng bút, vừa là một hình thức khen khéo léo, vừa để người đọc dễ cảm nhận vì đây là “lời Mẫu giáng”. Vì thế xét một các khách quan có thể lấy được các thông tin lịch sử qua văn bia chữ Nôm như sau:
Người công đức sửa lăng Liễu Hạnh: người hoặc nhóm người ở Huế có tên là Đào Chi và việc đắp lăng xây mộ cho Mẫu xuất phát từ tình mẹ con (hàm ý những người là con của Mẫu) Năm sửa chữa xong lăng và lập bia: Bảo Đại Mậu Dần niên 1938.
Như vậy là bia làm năm 1938 ghi nhận sự hoàn thành của đệ tử Đào Chi Phổ Hóa. Thánh Mẫu. Qua đây cũng có thể thấy việc sửa sang lăng mộ không phải do con cháu Mẫu xây sửa.
Tại khảo cứu về 6 điều lạ “Lục Kỳ” phần Vân Cát nữ thần lục phần Lời án có đoạn:
“Nay đến Tiên Hương phỏng vấn phụ lão thì được biết, rằng họ Đào Lang ở Giáp Nhị không còn một ai; đến làng Sóc ở Nghệ An cũng chẳng có thông tin gì khác.”
Với văn bia chữ Nôm “SÙNG TU THÁNH MẪU LĂNG BI KÝ” cũng đã xóa bỏ toàn toàn giả thuyết : Vua Bảo Đại cầu tự ở Phủ Dày và trả ơn bằng việc cho sửa lăng.
Thế nhưng Giáo sư Ngô Đức Thịnh viết trong Đạo Mẫu (NXB Khoa học Xã hội - 2007) như sau:
“Theo sách cũ ghi lại, năm 1937, người trẩy hội Phủ Dầy được biết tin vua Bảo Đại lấy vợ lâu không có con, bà hoàng hậu (theo đạo Thiên chúa) đến cầu khẩn ở đền Sòng, đã được Mẫu ban cho hoàng tử Bảo Long. Thánh Mẫu báo mộng cho biết mộ của Mầu ở ngôi miếu xứ Cây Đa, Phủ Dầy.
Năm 1938, để trả ơn Mẫu, vua Bảo Đại đã cho “Hội Xuân Kinh” triều đình Huế hưng công xây dựng khu lăng Mẫu toàn bằng đá xanh và đá hồng ”(trang 144).
Do đó thông tin của GS Ngô Đức Thịnh đưa ra là chưa chính xác. Được biết hoàng tử cả của vua Bảo Đại là Hoàng tử Bảo Long sinh năm 1936 không có chuyện năm 1937 cầu tự đến năm 1938 trả ơn.
Lại nói về: “PHỔ HÓA CUNG - VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU” của vị quan Hà Tĩnh cùng một số người đệ tử trong một hội có tên Đào Chi xây tại Huế , theo thông tin từ tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 2 (2018) của tác giả Nguyễn Hữu Phúc cho biết đến năm 1939 thì chuyển ra vị trí hiện nay tại 179 Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, Thành phố Huế. tích này hiện nay có tên là Đền Phổ Hoá.
HN 1/9/2023,
Hoài cổ kính bút!
Nguồn:
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét