Thứ Tư, 29 tháng 6, 2022

“ÔNG KHOÁN HỘ” VÀ MỘT CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI - Bài 1 & 2


“ÔNG KHOÁN HỘ” VÀ MỘT CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI 

Phóng sự của Nguyễn Thịnh


Lời dẫn của Nguyễn Thịnh:
Ông Lê Xuân Thiết (ảnh trên), từng học ở Liên Xô cũ về ngành kinh tế, là người nghiên cứu về khoán hộ của ông Kim Ngọc- Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc thời bao cấp, và bảo vệ nó, đánh giá nó là có giá trị. Nhưng cũng như ông Kim Ngọc, ông Thiết bị "đánh" tơi tả phải về quê bán vé số dạo sống.

Ông khoán hộ Lê Xuân Thiết ở Huế vừa mất, lòng thấy thương tiếc ông, một con người tài năng chí cả mà "sinh bất phùng thời" để uổng phí tài trí và tâm huyết!

Xin chia buồn cùng gia đình ông và tỏ lòng kính trọng, tiếc thương một người tài, đức độ và can trường dũng khí (vì ông dám đem hết tâm trí phụng sự cho lẽ phải, mong cầu sự ấm no cho dân chúng bằng việc bảo vệ cho "khoán hộ").

Bi kịch, thảm họa của dân tộc và đất nước này là người tài không có đất dụng võ, không có cơ hội để phụng hiến cho cộng đồng! Nghe chuyện đời ông, càng hiểu vì sao đất nước mình nghèo.

Tôi từng ra Huế gặp ông và viết loạt bài 4 kỳ về câu chuyện bi thiết của đời ông và đăng trên báo Kinh tế nông thôn cuối tuần. Nay xin đăng lại loạt bài phóng sự dài kỳ "Ông khoán hộ và một cuộc đời chìm nổi", để tưởng nhớ Ông!

Ảnh nhỏ: Đây là bức ảnh do bạn tôi Thanh Hoang chụp cho tôi khi tôi ra Huế gặp ông Lê Xuân Thiết và ông Mai Khắc Lưu tại nhà ông Lưu vào khoảng năm 2004. Trong ảnh: người bên tay trái là ông Thiết, kế bên là ông Lưu và tôi- tác giả loạt bài viết về ông Thiết.

“ÔNG KHOÁN HỘ” VÀ MỘT CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI
 
Bài: Nguyễn Thịnh
Khoán 10 nông nghiệp có thể coi như một cuộc cách mạng trong kinh tế nông nghiệp của nước ta. Nhắc đến khoán 10, nhiều người nghĩ ngay đến ông Kim Ngọc (cựu Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc) người có công đưa “khoán hộ” thành một phong trào rộng lớn của tỉnh Vĩnh Phúc…

Nhưng, ít ai biết rằng, liên quan đến “khoán 10” còn có một nhân vật khác nữa. Một người đã định đi tiếp “con đường khoán hộ” sau khi ông Kim Ngọc bị kỷ luật, cách chức. Bằng luận án khoa học dày 72 trang, và trong 4 năm trời điều nghiên, ông muốn khẳng định lại (về mặt khoa học, kinh tế và quy luật vận động phát triển tất yếu) rằng: khoán hộ là đúng, nên phát huy, mở rộng…

Trớ trêu thay, tiếng nói chân lý đó của ông đã bị bỏ ngoài tai và vùi dập. Từ đó, số phận lận đận, thăng trầm, oan trái cứ bám lấy ông…

Bài 1: Cuộc gặp gỡ không hẹn trước

Từ TP.HCM tôi vượt hơn 1.000km về Thừa Thiên – Huế, tìm đến làng An Ninh Hạ xã Hương Long, cách thành phố Huế chừng 30km. Người tôi tìm là ông Lê Xuân Thiết, nhân vật của bài viết này, về sau tôi mới biết người quê ông gọi ông là “ông thầy khoán hộ”. Làng An Ninh Hạ nằm bên hữu ngạn con sông Hương êm lắng. Con đường mang tên Nguyễn Hoàng, vị thuỷ tổ của triều Nguyễn, dẫn tôi vào làng. Tôi hỏi thăm nhà “ông Thiết bán vé số”. Những chị tiểu thương ở cái chợ quê đầu ngõ chỉ tôi tìm đến nhà bà Lưu (một người bà con của ông Thiết)…

Khách tri âm

Nhà bà Lưu ở 180/2 Lý Nam Đế, phường Kim Long, thành phố Huế. Đó là một ngôi nhà cổ gần 100 năm tuổi. Bà Lưu là cách gọi theo tên chồng, ông Mai Khắc Lưu, một người bác bên ngoại của ông Thiết. Sở dĩ tôi hơi dài dòng như thế là vì ông Lưu là bạn thuở nhỏ của ông Thiết, họ coi nhau như khách tri âm. Và cũng bởi ông Mai Khắc Lưu chính là cháu nội của cụ Mai Khắc Đôn, vốn là thầy dạy của vua Duy Tân. Cụ Mai Khắc Đôn (từng làm Tuần phủ Quảng Trị) còn là nhạc phụ của vua Duy Tân. Bà cô ruột của ông Lưu, và là con gái cụ Đôn, bà Mai Thị Vàng là hoàng phi của vua Duy Tân.

Khi tôi đến, hỏi thăm về ông Thiết, hai ông bà lật đật đi ra. Và tôi đã có những dòng hồi ức khá thú vị của ông Lưu về ông Thiết: “Tui với chú Thiết hồi nhỏ, hai an hem hay chơi với nhau. Chú Thiết cũng giống tui là phải nghỉ học sớm. Tui nghỉ do đau mắt, còn chú Thiết học hết lớp 3 trường làng rồi cũng nghỉ do gia đình khó khăn. Sau đó chú Thiết (lúc đó khoảng 15 -16 tuổi) đi làm liên lạc viên cho kháng chiến. Tui tham gia vào phong trào “Bình dân học vụ” truyền bá chữ quốc ngữ. Đi công tác suốt nhưng anh em vẫn hay chơi với nhau. Tối lại gặp nhau đàn ca vui lắm… Chú Thiết là người ham đọc sách, thông minh nhưng hơi cực đoan, không giống tui, tui dung hoà hơn. Chú ưua triết lý lắm. Hồi đócâu chú hay nói, mà tui xem như câu kinh nhật tụng của chú: “Đức nhỏ mà lãnh chức to/Trí cạn mà mưu sự lớn thì sớm muộn cũng gặp hoạ” (lời Khổng Tử). Đời chú Thiết tội lắm! Cả đời cống hiến như thế mà rồi… nghèo vẫn hoàn nghèo. Ở đây mỗi lần chú xuống chú chỉ vô nhà tôi, không vô nhà ai…”.

Ông Lưu cho biết: Hằng ngày từ khoảng 9 giờ sáng, ông Thiết đạp xe từ nhà ông ở khu tập thể Bệnh viện Y học dân tộc trong thành phố Huế, xuống các khu lân can bán vé số. Chiếu tối lại đạp xe về. Ngoài căn nhà trên được hưởng từ vợ ông, bà Đào, là nhân viên y tế của bệnh viện đã nghỉ hưu, ông còn một “căn nhà” gần chỗ ông Lưu, do Pgòng Lao động thong binh và xã hội cấp sau cơn lũ 1999 nhưng chỉ che chắn tạm bợ, không ở được.

Nhân vật xuất hiện

Trong khi tôi đang trò chuyện cùng ông Lưu, thì bà Lưu, với sự sốt sắng của mình đã “đi tìm chú Thiết dùm kẻo chú phải đợi lâu”. Tôi đề nghị chở bà đi bằng xe máy nhưng bà từ chối và đạp xe đi. Một lúc sau đã nghe tiếng bà Lưu hồ hởi: “Tôi tìm được chú Thiết đây rồi! Ông nói tui có giỏi không”, mọi người cùng cười xoà. Ông Thiết dựng chiếc xe đạp cũ, bước vào.

Đó là một người đàn ông luống tuổi dáng cao gầy, khuôn mặt khắc khổ và nụ cười buồn cố hữu. Đôi mắt khá linh lợi nhưng không giấu nổi nét ưu sầu. Từ khuôn mặt và con người ông toát lên sự hiền hậu và bình dị nhưng tiềm ẩn nét khảng khái và cá tính của một hàn sĩ. Ông rất hay cười nhưng nụ cười có cái gì đó khiến người khác phải se long. Trái với những dự đoán của ông Lưu “dạo này chú ít nói lắm”, ông nói rất hăng say, sắc sảo và đầy hiểu biết.

Tôi chào ông và ông chìa tay ra bắt tay tôi. Một cái bắt tay của một người chân thực: chặt và mạnh, không giấu diếm. Đưa ra lời đề nghị và lý do của công việc xong, tôi gởi ông món quà nhỏ do Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Uyển tặng ông nhờ báo KTNTCT chuyển và ít quà của toà soạn. Ông cám ơn và nhờ tôi chuyển lới cám ơn tới giáo sư Uyển và toà soạn…

Lý lịch trích ngang

Buổi sáng ở Huế thật yên lắng. Bên ấm trà nóng, ông Thiết bắt đâu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời thăng trầm đầy tai ương của mình. Ông sinh năm 1937, tại làng An Ninh Hạ, xã Hương Long, thành phố Huế. Cha ông là Lê Xuân Thắng, mẹ ông mất khi ông 7-8 tuổi. Gia đình ông ba đời làm nông (từ ông nội đến ông) và khá đông con. Ông là con thứ 2 trong 9 anh em và có một bà mẹ kế. Thuở nhỏ học hết lớp 3 thì nghỉ, năm 13 tuổi tham gia làm liên lạc. Đến năm 1950 – 1954, khi hoà bình lập lại bởi hiệp định Giơ- ne –vơ thì ông bị lộ phải ra Bắc. Nói về nguyên nhân bị lộ khiến ông phải rời quê ra Bắc, ông thổ lộ: “Hồi đó, khi hoà bình lập lại, nhân dân hết sức vui mừng, tổ chức lễ đón rước, lễ treo cờ… Tôi là người đứng ra kéo cờ tổ quốc trong một buổi lễ đầu tiên của ngày đón nhận hoà bình. Thế là bị lộ vì bọn lính ở đồn (nơi khi xưa tôi hay đi qua và bị khám xét) nhìn thấy. Lúc đó anh Tống Phước Bình là xã đội trưởng bảo tôi: “Thôi, em bị lộ rồi, ở lại cũng không hoạt động được, hơn nữa em còn trẻ nên ra Bắc tập kết rồi học văn hoá thêm”. Tôi nghe anh, đi tập kết, lúc đó tôi khoảng 15 -16 tuổi”.

Ra Bắc, Lê Xuân Thiết được xếp vào các lớp học bổ túc văn hoá dành cho con em cán miền Nam tập kết. Trải qua nhiều trường ở đây, Thiết tỏ ra là một học trò thông minh, linh lợi. Đang học lớp 10, ông được kết nạp Đảng do ông Hoàng Quýt (nguyên trưởng phòng Tài mậu, Phòng Kế hoạch, Bộ Thương Mại) một người đồng hương, đồng môn lớn tuổi mà ông xem như cha chú, kết nạp ông. Sau đó ông Thiết được cử qua Liên Xô (cũ) học Trường Kinh tế Quốc dân Ki- ép (thuộc nước Cộng hoà Ucraina). Học tới năm thứ 3, ông bị bệnh phổi nặng do không chịu được khí hậu lạnh phải về nước. Sau đó, ông theo học Đại học Kinh tế Kế hoạch tại Hà Nội. Năm ông 30 tuổi, với tấm bằng loại ưu, ông được điều về công tác ở Sở Kinh tế Kế hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc. Chính tại đây, sau khi ông Kim Ngọc bị cách chức Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc vì phong trào khoán hộ, ông Thiết lại một lần nữa “dại dột” “dẫm vào vết chân” của ông Kim Ngọc khi dám bỏ ra 4 năm điều tra, nghiên cứu về phong trào đó để viết nên bản “luận án khoán hộ”. Trong bản luận án khoa học dày 72 trang này, ông khẳng định: việc làm khoán hộ là đúng, là hợp khoa học, hợp quy luật, nên phát huy… Thế nhưng, ông đã “vác gậy chống Trời”! Hậu quả là những hệ luỵ tai ương đã vùi dập lên đời ông, từ đấy. Mãi về sau ông nghiệm ra rằng: “Trời cao đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (truyện Kiều –Nguyễn Du). Và ông nói với tôi “Cháu có tin vào số phận không?”.

Nghe ra có vẻ đầy duy tâm, an phận! Nhưng liệu có cách “an ủi” nào hơn với người chịu nhiều cay đắng như thế.


“ÔNG KHOÁN HỘ” VÀ MỘT CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI

Bài 2: Hệ lụy tai ương

Tác giả: Nguyễn Thịnh

Khoán hộ đã giúp cho những người nông dân ở Vĩnh Phúc thoát khỏi cảnh đói triền miên trở thành những người có của ăn của để. Nhưng kỳ lạ thay, người góp công lớn trong việc phổ biến và tìm cách “hợp thức hóa” lại bị kỷ luật (ông Kim Ngọc)!? Sau đó dù đã biết chuyện của ông Kim Ngọc, nhưng ông Thiết, với tâm huyết, tầm nhìn của một nhà kinh tế học đã “liều lĩnh” đi điều tra 4 năm trời (từ 1969-1972), rồi viết ra bản luận án khoa học mang tên “khoán hộ”, tái khẳng định sự đúng đắn và cần thiết của việc giao đất cho nông dân tự sản xuất, tức “khoán hộ”. Trớ trêu thay, tâm huyết của ông chẳng những không được trọng dụng, ngược lại còn bị vùi dập, khiến đời ông rơi vào cảnh tai ương , oan trái đằng đẵng.

Chuyện “khoán hộ” và khai trừ đảng

Trong buổi sáng ngày 8/9/2004, tại căn nhà của ông Lưu, ông Thiết đã bộc bạch cho chúng tôi nguyên nhân vì đâu ông không sợ những tai ương có thể đem đến cho ông sau đó. Ông nói,sở dĩ ông làm thế là bởi ông nhìn thấy người dân đói khổ do cách làm ăn bao cấp đem lại. Nếu như giao đất để cho họ tự do, mọi chuỵên sẽ khác. Ông thấy ông Kim Ngọc làm vậy là đúng, dù Đảng có kỷ luật ông, nhưng với cái nhìn, cái tâm và bản thân cũng là đảng viên, ông phải nói ra, phải bênh vực cho nhân dân, cho chân lý. Nhưng ông bênh vực đấu tranh bằng lý luận khoa học, chứ không hề manh động. Ông hy vọng rằng với nhu cầu thực tế thiết yếu như thế, với cách nhìn khoa học, những người lãnh đạo sẽ hiểu và chấp nhận chăng? Tiếc thay, không phải như vậy!

Nhiều người sau này hỏi ông “ Sao ông không đợi sau này(có dịp) thuận lợi hãy đưa ra có hơn không?”. Ông nói:”Tôi làm khoa học, chứ không phải là kẻ cơ hội. Khi thấy cái gì đúng và cần thiết… mình phải nói ngay. Chứ còn chờ cơ hội thuận tiện mới nói ra thì chỉ là kẻ cơ hội. Tôi làm thế là trái với lương tâm của tôi”.
 
Người phương tây có câu:”số phận – đó là cá tính”, nghĩa là con người ta có cá tính thế nào thì có số phận như thế. Tuy chưa hẳn hoàn toàn chính xác và đầy đủ, nhưng trong trường hợp này có lẽ phần nào đúng với ông Thiết: cá tính ông thẳng và thực qúa, nên…

Trở lại với bản “khoán hộ” ông viết, chúng ta hãy nghe ông hồi tưởng về lịch sử hoàn cảnh của nó: “Hồi đó, những năm 69-70, thời bao cấp cao điểm nhất, phong trào ba khoán của hợp tác xã (tức khoán lao động, khoán sản lượng, khoán diện tích) gây ra sự trì trệ. Hình thức khoán này là: Mỗi hợp tác xã xây một cái sân rất rộng, các hộ được hợp tác xã khoán, mỗi vụ cắt lúa về sân hợp tác xã, đập rồi đổ lúa vào kho. Sau khi thống kê, hợp tác xã sẽ chia ra cho từng hộ. Có bao nhiêu ngày công thì lĩnh bấy nhiêu thôi. Vì thế có tình trạng nhiều người làm rất chểnh mảng, bởi vì “cha chung không ai khóc”. Nhiều lĩnh vực khác cũng gặp tình trạng tương tự. Ví dụ như ngành thương nghiệp, việc buôn bán cũng trì trệ. Nhiều nơi, không hề có quán xá, cửa hàng. Với quan điểm: cải tạo công thương nghiệp, tức là biến tất cả trở thành sản xuất, không có lưu thông. Từ đó nảy sinh ra chuyện hàng hoá không có nên giữa công nghiệp, thương nghiệp… với nông nghiệp không có sự trao đổi qua lại, chỉ chuyên làm ruộng thôi. Mà làm cũng không năng suất, không có sản lượng thu hoạch. Cấy thì có nhưng lại để cỏ mọc, nên làm gì có thu hoạch. Đến khi thu hoạch thì bị nhiều người xà xẻo, làm ăn gian dối. Nhiều hợp tác viên giấu lúa vào rơm đem về vì số lúa họ được cấp không đủ ăn nên đói. Hồi đó, đói lắm, đói dắt deo hàng thập niên… Do cuộc sống nghèo khó đó nên nhiều nơi họ tự “bung ra”, họ cho nông dân tự lo sản xuất. Mỗi vụ ngoài số lúa phải nộp cho hợp tác xã ra, còn lại thì dân hưởng. Nhiều người dân hưởng ứng lắm và phong trào này được nhân rộng lên trong nhiều huyện của tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau đó, ông Kim Ngọc vốn là một người nhạy cảm ( thấy được hiệu qủa của nó) ông đã lên thỉnh lại trung ương, xin cấp trên cho phép thí điểm khoán tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc và trung ương đã đồng ý. Sau một vụ năm 1968-1969, ông thành công: khoán hộ nâng cao năng suất gấp 3-4 lần, đời sống của của người dân ở huyện đó được nâng cao. Mà Lập Thạch chỉ là một huyện miền núi…”.

Sau này, khi hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ sát nhập thành Vĩnh Phú, ông Kim Ngọc trở thành Bí thư tỉnh uỷ. Vừa lên nắm chức, ông Ngọc đã phát động phong trào khoán hộ ra toàn tỉnh Vĩnh Phú. Tin đó được lan truyền tới Trung ương. Ngay lập tức, ông Trường Chinh đã đáp trực thăng về Vĩnh Phú, tập hợp cán bộ của tỉnh lại họp. Sau một tuần làm “công tác tư tưởng”, ông Kim Ngọc bị mất chức, ông Hoàng Quý là Phó Bí thư lên thay.

Từ đó, phong trào khoán hộ không còn ai dám nói đến nữa, trừ ông Thiết. Thời gian này, ông Thiết đang công tác tại Ban Kế hoạch tỉnh Vĩnh Phú. Sau khi nghiên cứu tình hình về tình trạng khoán hộ, xong, ông Thiết đưa ra bản luận án khoán hộ, đề nghị: cho khoán hộ được trở lại hoạt động trong nhân dân. Trước khi viết ra bản luận án khoán hộ dày 72 trang này, ông Thiết đã dày công nghiên cứu sách vở lý luận, từ sách triết của Mác – Lê nin đến các loại sách kinh tế khác, cộng thêm một thời gian dài lặn lội tìm hiểu thực tế. Mất 4 năm chuẩn bị (từ năm 1969 -1972) ông thấy rằng: Vấn đề kinh tế là quyết định. Trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước, việc chuyển qua khoán hộ là đúng, cần thiết, nên làm ngay. Bản luận cứ khoán hộ được đưa ra dựa trên hai lập luận:

- Một là giải phóng sức lao động của nhân dân, tức giải phóng lực lượng sản xuất. Lao động phải được đem ra thị trường mua bán. Với khoán hộ, lao động sẽ trở thành lao động tự do.

- Hai là, giải phóng tư liệu sản xuất (ở đây là đất đai) trở về tay của người nông dân. Chỉ có con người cá nhân (tư hữu) mới chăm sóc tốt của cải, đất đai của mình. Tựu trung lại, khoán hộ đưa ra những luận điểm: “Cần giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho hộ nông dân. Ai giỏi nghề nào thì làm nghề nay. Nông dân được quyền bán cái mình làm ra ở đâu đắt nhất và mau cái mình cần ở đâu rẻ nhất. Bỏ ngăn sông cấm chợ”.

Sau khi bản khoán hộ ra đời, lập tức ông Thiết bị quy cho tội “phản Đảng”, “quan điểm sai lầm”, “đi ngược lại đường lối chính sách” và kỷ luật ông, khai trừ ông ra khỏi Đảng.

“Trước khi họ kỷ luật tôi, tôi nói với họ: đây là con đường khoa học, tôi phục vụ chính trị qua con đường khoa học, theo thực tế khách quan, mình không thể phủ nhận hay chống lại được. Bây giờ có khoán hộ, thì đời sống người dân khá hơn, diện tích canh tác được mở rộng… Đó là hợp với chủ trương đường lối của Đảng. Tại sao lại không cho họ làm?! Thực ra trong thâm tâm của những người lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Phú (lúc này ông Hoàng Quý làm Bí thư- NV) cũng thông cảm, cũng hiểu biết nhưng họ bị áp lực bên trên đè nặng, khiến họ không dám. Một vài người chỉ cần có biểu hiện, xu hướng ủng hộ tôi, là bị quy chụp ngay lập tức! Trong cuộc họp đấu tranh, khai trừ Đảng, một vài người mới hé một tí bảo vệ tôi là bị quy chụp nên không ai dám”, ông Thiết tâm sự.

Trong nhiều cuộc họp đấu tranh khai trừ Đảng đối với ông Thiết như thế, đều diễn ra sự căng thẳng. Bởi vì ông Thiết trước sau vẫn cho rằng mình không phản Đảng. Còn những người ở vai trò “chủ toạ” thì khăng khăng ông Thiết “làm trái chủ trương, chính sách”. Nhưng ông Thiết lập luận: “Khi tôi thấy cuộc sống của xã hội quá đau khổ, trẻ con bụng ỏng đít teo, không có áo mặc… Bởi kinh tế không phát triển, rồi chiến tranh khiến trai tráng phải lên đường, nông thôn chỉ còn lại người già, trẻ em và phụ nữ. Cuộc sống càng thêm khó khăn. Người Tàu nói: “Người An Nam nằm trên thuốc mà chết”. Tôi cũng nghĩ rằng: Ờ, người An Nam cũng nằm trên của mà chết đói!? Đất nước mình đâu phải như các nước hàn đới sáu tháng làm, sáu tháng ăn mà mình sống trên mảnh đất phì nhiêu, cây cối quanh năm tốt tươi. Sao phải sống trong cảnh nghèo đói?! Tôi nghĩ rằng: Điều quan trọng đối với con người là lòng nhiệt tình, sức lao động của mình, và lao động với lợi ích thiết thân chứ không phải lao động cho ai cả. Khi mà quyền lợi thiết thân đã kích thích rồi, họ sẽ làm bất kể thời gian, bất kể khi nào… Tôi nói với họ rằng: Tôi không cần phải hô hào, không cần ép buộc, tôi chỉ giao ruộng cho họ thì tự họ làm từ sáng tinh mơ đến tối mịt, không phải kẻng, không phải đốc thuê chi cả.”

Đối với tội “phản Đảng” mà những người có trách nhiệm quy kết cho ông, ông biện bác: “Tôi cũng là một Đảng viên. Khi tôi thấy Đảng sai thì tôi phải nói. Nếu tôi là người muốn phản Đảng, chống Đảng thì khi thấy Đảng sai, tôi im đi, tôi để mặc, chứ tôi nói ra làm chi? Ở đây tôi không thể “ngậm miệng ăn tiền” nên tôi phải nói. Sao lại kết tội tôi phản Đảng?”.

Nhà khoa học đi quét rác

Trước những lập luận sắc sảo, chặt chẽ của ông, họ đã không thể buộc tội cho ông được. Nhưng, cuối cùng, dưới nhiều áp lực, nhiều hình thức khác nhau, cấp trên của ông cũng tiến hành kỷ luật ông, khai trừ ông ra khỏi Đảng. “Lúc đó, tôi nghĩ mình đã làm căng quá rồi, nếu tiếp tục “cương” nữa thì không khéo… nên tôi đành mềm mỏng xuống, “nhu” lại, chấp nhận kỷ luật. Tôi nghĩ, trước sau gì chân lý cũng sáng tỏ”. Và ông chấp nhận từ bỏ vai trò của một nhà khoa học kinh tế xuống làm chân quét dọn vệ sinh! Ông làm rất cần mẫn và không hề than vãn. Xung quanh ông họ vẫn cho người theo dõi động tĩnh và những phản ứng của ông xem ông có “làm tình báo hay không”.Tình hình khá căng thẳng đến nỗi có người ái ngại khuyên ông nên cẩn thận, kẻo bị mưu hại. Ông cười bảo: Tôi chỉ làm khoa học, có gì đâu mà sợ!. “Nhưng lúc đó, nghĩ cũng sợ, sợ phải ở tù mà không được xét xử gì cả. Ngày đêm tôi cầu nguyện dù có bị gì cũng được, miễn đừng bị tù”. Mãi sau này ông thú nhận với tôi như thế. Ong tâm sự rằng: “Cũng may lúc đó tôi chỉ có một thân một mình. Có mất mát gì cũng không sợ vì chỉ một mình mình chịu, chứ nếu đã có gia đình vợ con, chắc cũng không dám mô. Vì mình ở tù thì vợ con ai lo?...”.

Trong hoàn cảnh như thế, cũng không ít người ngấm ngầm ủng hộ, bày tỏ thiện cảm với ông. “Có bữa tôi đang lúi húi đi làm vệ sinh (nhặt rác, nhổ cỏ…) thì có một anh tên Bích đi ngang qua. Nhìn thấy tôi, anh ta ngâm: “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng…”, tôi nghĩ: a ra thằng cha này nó ủng hộ mình à?!”

Còn tiếp
NGUYỄN THỊNH


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét