Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

CUỐN BÚT KÝ TÂM HUYẾT CỦA MỘT NHÀ KHOA HỌC TÂM HUYẾT


HÂN HOAN CHÀO ĐÓN CUỐN SÁCH
“GIẤC MƠ VIỆT NAM TÔI” của GS Nguyễn Đăng Hưng


Nguyễn Xuân Diện

Đó là cuốn sách mới nhất của Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đăng Hưng vừa ra mắt bạn đọc. Ông định ra cuốn sách này đã lâu, nhưng đến nay mới hội đủ điều kiện để trình làng trong sự mong đợi của bạn bè, học trò của ông. 
 
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học danh tiếng. Tại Bỉ, ông được Nhà vua hai lần phong danh hiệu Đại thần (bậc bề tôi danh vọng) của Vương quốc (vào các năm 1999, 2006), và là một trong 12 người nước ngoài làm đổi thay nước Bỉ. Trong cuộc đời làm khoa học của mình, ông đã xuất bản trên 20 đầu sách, giáo trình khoa học và công bố trên 200 công trình nghiên cứu và báo cáo khoa học trên các tạp chí quốc tế danh tiếng. Nhưng cuốn sách này, ông chăm chút cho nó rất nhiều và hồi hộp chờ đợi nó được ra đời nhất. Vì cuốn sách nói lên tâm huyết của đời ông, một trí thức Việt kiều lúc nào cũng hướng về Đất Việt thân yêu.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, ngoài vai trò là một nhà khoa học chuyên sâu, có danh tiếng trên thế giới, ông còn là một nhà kiến tạo tài ba và đầy tâm huyết để thiết kế các chương trình đào tạo đội ngũ khoa học cho Việt Nam, thông qua hợp tác Bỉ - Việt. Ông là người tiên phong trong việc kết nối; cũng là người bền bỉ trong vận hành các dự án, nhẫn nại vượt qua bao khó khăn và trở ngại vì sự khác biệt về bộ máy giữa hai chính phủ Việt – Bỉ để hoàn thành những dự án vì sự phát triển của giáo dục và khoa học nước nhà. Gần 400 thạc sĩ và hàng chục tiến sĩ người Việt Nam đã được hưởng lợi và có văn bằng từ các chương trình do Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng kiến tạo.

Với cuốn sách này, Nguyễn Đăng Hưng đã làm hiện rõ quá trình lao tâm khổ tứ của ông và các cộng sự khi thực hiện tâm huyết của ông. Rất rành mạch, trong sáng và quyết liệt; con đường ông đi đầy chông gai mà một người hồn nhiên và khảng khái như ông không thể hình dung ra. Niềm vinh quang của ông trong những năm dài thì ai ai cũng biết; giống như vành nguyệt quế và ánh sáng của sự tôn vinh thì ai cũng thấy. Nhưng nỗi khổ của ông thì chỉ những người bạn bè thân cận và chỉ ai đọc cuốn sách này mới hiểu được.

Giấc mơ Việt Nam tôi” mà ông vừa cho xuất bản mới chỉ là “Tập 1: Đi xa về gần”. Hồi bản thảo hoàn thành, ông gửi cho tôi đọc và dành cho tôi vinh dự viết một bài để in vào sách. Tôi thật sự không dám nhận nên đã cảm ơn ông rồi từ chối. Vì về tuổi tác, ông ngang tuổi với thầy u tôi, về danh vọng thì tôi không bao giờ nghĩ để sánh với ông; và về những đóng góp cho đất nước, tôi chưa có hạt cát nào góp phần.

Nguyễn Đăng Hưng rất quý tôi. Từ hồi blog Nguyễn Xuân Diện vẫn còn hoạt động, ông đã dõi theo và luôn luôn đọc các bài mới rồi góp lời bình luận. Hai chúng tôi trao đổi với nhau rất thường xuyên. Rồi ông gửi cho tôi “Bút Ký Khoa học” của ông, tôi đã đăng được đến gần 50 kỳ trên NguyenXuanDienblog. Bút ký ấy, chính là một phần cuốn sách “Giấc mơ Việt Nam tôi” hôm nay.

Là một nhà khoa học về kỹ thuật và công nghệ, nhưng Nguyễn Đăng Hưng lại là một người vô cùng nghệ sĩ. Ông khảng khái và bộc trực, mạnh mẽ và ấm áp, nhân hậu. Mỗi lần ra Hà Nội, ông đều kéo tôi đến khi thì ăn cơm, khi thì café cùng ông, tham gia cùng ông trong các buổi gặp gỡ. Còn tôi khi vào Sài Gòn, nếu công việc không gấp cũng thường ở nhà ông, và ông luôn dành cho tôi một phòng ở tầng hai. Nguyễn Đăng Hưng sáng tác thơ, sáng tác nhạc và tự trình diễn với cây đàn ghi ta. Ông cũng đã làm nhiều CD cho riêng mình.

Hồi năm 2010, người ta định công chiếu bộ phim phản quốc “Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long”, ông xem trailer và biết các thông tin xung quanh và đã lên tiếng rất mạnh mẽ. Ông tôn thờ Văn hoá Việt, luôn đau đáu với Cương Vực – Biển Đảo Việt Nam; và đặc biệt nhất là Tiếng Việt. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là người Việt Nam đầu tiên bằng nỗ lực và tâm nguyện của mình đã đặt được viên đá vinh danh Linh mục Alexandre de Rhodes, tại phần mộ của Ngài ở thành phố Isfahan, Ba Tư (Iran) vào sáng ngày 5.11.2018, đúng ngày giỗ thứ 358 năm của ngài.


Nhân dịp cuốn sách “Giấc mơ Việt Nam tôi” ra mắt, xin kính chúc Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng luôn mạnh khoẻ, dồi dào sức sáng tạo và thêm nhiều công hiến cho khoa học – văn hoá – giáo dục của nước nhà!

“Ai mở cuốn sách này sẽ bắt gặp một Con Người”. Chúng ta cùng mở cuốn sách của ông để thấy chan hoà ánh sáng của trí tuệ và nhiều cung bậc của một bản đàn mà ông đang mời gọi chúng ta…

Hà Nội, 5-7-2021
Nguyễn Xuân Diện


1 nhận xét :

  1. Thật vui vì cuốn sách của một nhà khoa học, nhà văn hóa lớn của dân tộc trong thời hiện đại đã ra đời. Rất mong có được cuốn sách này của ông. Tôi muốn mua thì làm thế nào TS Nguyễn Xuân Diện?

    Trả lờiXóa