Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

TẠI SAO PHẢI SỢ MẠNG XÃ HỘI !!!!


TẠI SAO PHẢI SỢ MẠNG XÃ HỘI?

Nguyen Ngoc Chu

Mạng xã hội là tiếng nói của dân. Đặt mạng xã hội thành đối thủ là đặt dân thành đối thủ. Muốn thắng mạng xã hội là muốn thắng dân. Không muốn nghe mạng xã hội là không muốn nghe dân.

Tại Hội nghị Báo chí Toàn quốc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, và Hội Nhà báo VN vào ngày 28/12/2018, trước 600 đại biểu, ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - đã nhận xét: “Sự chậm trễ của báo chí đã trao lợi thế cho mạng xã hội”, “Thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo”. Từ Hội nghị toát lên “thách thức lớn nhất đối với hoạt động báo chí hiện nay là có nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt”, mất vị trí độc quyền cũng như qua mặt về tốc độ trong việc cung cấp thông tin đến độc giả” (https://dantri.com.vn/…/ong-vo-van-thuong-su-cham-tre-cua-b…).

Từ Hội nghị trên chắt lọc ra 4 câu hỏi “Tại sao”:

Tại sao báo chí VN lại đòi “độc quyền”?
Tại sao báo chí VN lạ sợ “truyền thông xã hội vượt mặt?
Tại sao lại “ trao lợi thế cho mạng xã hội”?
Tại sao lại “thất bại, thua cuộc”?

Chúng ta sẽ đi “giải mã” 4 câu hỏi “Tại sao” nêu trên.

Điều đầu tiên, phải khẳng định rằng, từ những câu hỏi trên đã cho thấy Ban Tuyên Giáo và Bộ TT&TT đã nhìn nhận chưa đúng về mạng xã hội. Điểm này sẽ đề cập ở phần BÀI HỌC phía sau.

Điều thứ hai, phải minh oan cho các nhà báo nhà nước, rằng không phải họ có “tâm thế thất bại, thua cuộc” mà chính các quy định hoạt động báo chí của Ban Tuyên giáo, của Bộ TT&TT, đã trói buộc họ rồi vô tình biến họ thành người thua cuộc.

Để minh chứng tại sao “thua cuộc”, hãy xuất phát từ mục tiêu cốt lõi của hoạt động báo chí.

MỤC TIÊU CỐT LÕI CỦA HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ

Mục tiêu cốt lõi của hoạt động báo chí là cung cấp thông tin cho khách hàng tiêu dùng, để khách hàng tiêu dùng nhận biết sự thật mà sử dụng thông tin cho mục đích riêng của mình.

Do vậy, thông tin phải kịp thời càng nhanh càng tốt. Nhưng chưa đủ, quan trọng hơn, thông tin phải đầy đủ để khách hàng nhận biết được đầy đủ sự thật.

Nhưng muốn thông tin đầy đủ thì phải là thông tin đa chiều. Muốn phản ánh gần nhất với sự thật thì thông tin dẫu đa chiều nhưng phải là số lớn.

4 KHUYẾT TẬT DI TRUYỀN CỦA BÁO CHÍ NHÀ NƯỚC

Bốn khuyết tật mang tính di truyền của báo chí nhà nước, được viện ra dưới đây - là nguyên nhân làm nên “thất bại” mà ông Võ Văn Thưởng đã đề cập.

1. Chậm trễ. Biết thông tin trước mà không đưa được thông tin đến khách hàng trước vì chờ chỉ đạo và chờ kiểm duyệt. Do vậy nên bị chậm trễ.

2. Vùng tối đặc. Dù có biết, nhưng có vùng thông tin không được đưa, do là vùng cấm.

3. Không phản ánh hết sự thật. Một sự kiện hay đối tượng, có nhiều thông tin, có nhiều góc nhìn. Nhưng báo chí nhà nước chỉ đưa theo định hướng một chiều. Vì đưa thông tin một chiều nhìn nên không bao quát được sự kiện, không phản ánh hết đối tượng. Từ đó dẫn đến không bao quát được sự thật. Mô tả đối tượng không thể chỉ một chiều nhìn, mà là đa chiều nhìn. Đối tượng không hiện lên từ một góc nhìn mà hiện ra từ nhiều góc nhìn. Ý của một nhóm người, không phải là ý của tất cả.

Không phản ánh hết sự thật là khiếm khuyết trầm trọng nhất của báo chí nhà nước, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến không chiếm được sự tin cậy của người tiêu dùng.

4. Phạm vi rất hạn chế. Hoạt động báo chí nhà nước phục vụ cho chính sách của nhà nước. Nhà nước là một tập con của xã hội. Thông tin về nhà nước chỉ là một phần của xã hội. Nên báo chí nhà nước luôn bị hạn chế phạm vi thông tin. Không bao giờ so sánh được với lượng thông tin của toàn xã hội.

HỆ QUẢ QUY LUẬT

1.Bốn khuyết tật trên là di truyền, là thuộc tính của báo chí nhà nước.

2. Lãnh đạo báo chí nhà nước dù có giỏi bao nhiêu cũng chỉ có thể cải thiện tốt hơn, chứ không thể xóa bỏ hoàn toàn 4 khuyết tật trên.

3. Muốn xóa bỏ hoàn toàn các khuyết tật trên thì báo chí không phải của nhà nước mà là báo chí của nhân dân.

BÀI HỌC

1. Mạng xã hội là tiếng nói của dân. Đặt mạng xã hội thành đối thủ là đặt dân thành đối thủ. Muốn thắng mạng xã hội là muốn thắng dân. Không muốn nghe mạng xã hội là không muốn nghe dân.

2. Bởi thế, không thể cấm đoán mạng xã hội, không đặt mạng xã hội thành đối thủ, càng không toan tính thắng mạng xã hội.

3. Ngược lại, phải thúc đẩy sự phát triển mạng xã hội, phải hòa vào mạng xã hội, để mạng xã hội trở thành phương tiện giao tiếp thông tin hai chiều giữa chính quyền với xã hội. Đó mới là một chính quyền khôn ngoan, thuận theo tiến bộ.

4. Đừng sợ mạng xã hội, mà phải sử dụng mạng xã hội. Ví như ông Donald Trump có cả hàng chục triệu người theo dõi trên Twitter. Ví như ông Hun Sen có đến 11 triệu người theo dõi trên Facebook. Lúc đó mới biết phép màu của mạng xã hội.

5. Một chính quyền không muốn nghe dân, đặt dân thành đối thủ, và muốn thắng dân, thì không bao giờ có một kết cục tốt đẹp.

4 nhận xét :

  1. Nhà Nước CHXHCNVN là nhà nước Tứ Dân.
    Đó là: Của dân, do dân, vì dân và Sợ Dân (lật thuyền).
    Do vậy, sợ xã hội dân sự

    Trả lờiXóa
  2. Tôi rất biết ơn Google, Facebook, Blogpot Youtube là những tờ báo mạng của dân Việt nam. Nó miễn phí hoàn toàn, nhưng thông tin nhanh chóng đa chiều giúp mọi người cập nhật thông tin đầy đủ nhanh chóng. Từ khi có Internets tôi chẳng bao giờ đọc báo quốc doanh,

    Trả lờiXóa
  3. Chính quyền của dân là phải biết lắng nghe dân , vui cái vui của dân , lo cái lo của dân . Chỉ có những kẻ dựa vào giặc để làm giầu mới sợ dân .

    Trả lờiXóa
  4. Cái gì đảng cũng tự hào nói "Của dân-Do dân-Vì dân" nhưng thực tế trên mạng xã hôi hầu như hoàn toàn ngược lại vậy nên dân tình cần có lối ra theo suy nghĩ riêng của họ.

    Trả lờiXóa