Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

MỘT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VỀ CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 1979


MỘT LUẬN ÁN TIẾN SĨ VỀ CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI 1979

Phạm Xuân Nguyên

Đó là luận án mang tên : "Haunted Borderland. The Politics on the Border War against China in post-Cold War Vietnam" ("Vùng biên ám ảnh. Những chính sách về cuộc Chiến tranh Biên giới chống Trung Quốc ở nước Việt Nam thời hậu chiến tranh lạnh"). Tác giả luận án là Juhyung Shim (Hàn Quốc). Luận án được bảo vệ tại Khoa Nhân học Văn hóa (Department of Cultural Anthropology), Đại học Duke (Mỹ) năm 2014. Toàn văn luận án có thể tìm thấy trên mạng.

Dưới đây là bản tóm tắt luận án tôi tạm dịch.

*
"Luận án này nói về lịch sử và ký ức cuộc Chiến tranh Biên giới (CTBG) với Trung Quốc (TQ) ở nước Việt Nam hiện đại. Do tính chất đặc biệt của nó là cuộc chiến tranh giữa hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng ở châu Á thời chiến tranh lạnh nên CTBG là chủ đề nhạy cảm ở Việt Nam. Trong khi Đảng và Nhà nước coi quá khứ này của đất nước là vấn đề nhạy cảm chính trị thì lịch sử và ký ức về cuộc chiến lại thấm sâu vào xã hội VN. Di sản của cuộc chiến có thể thấy trong những tình cảm chống TQ mà trong bối cảnh tân tự do toàn cầu hiện nay có vẻ như đang sống lại cùng với chủ nghĩa quốc gia thời hậu chiến tranh lạnh. CTBG chống TQ biểu hiện một bước ngoặt quan trọng của chủ nghĩa quốc gia ở VN. Đồng thời sự đổ vỡ chấn thương của tình anh em xã hội chủ nghĩa đã gây nên sự lo lắng về các quan hệ đối nội và đối ngoại. Sự tranh chấp lãnh thổ gần đây trên biển Đông giữa VN và TQ đã gợi lại lịch sử và ký ức cuộc chiến năm 1979. Tình cảm chống TQ đang tăng lên ở VN hiện nay cũng tính đến chiến tranh như một tương lai gần.

Dùng cách tiếp cận nhân học đến lịch sử và ký ức về cuộc chiến, luận án này nêu lên năm câu hỏi chính: 1) khung cảnh lịch sử về quá khứ VN đã dịch chuyển như thế nào thông qua các đường lối về CTBG; 2) khung cảnh ký ức về CTBG như một kinh nghiệm quốc gia và địa phương đã được cấu thành như thế nào; 3) CTBG đã góp phần hình thành chính sách về các dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng biên như thế nào; 4) tại sao khung cảnh biên giới ở VN thường xuyên tác động đến các chính sách của nhà nước-quốc gia trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa; và 5) tại sao các thị trường vùng biên và các hoạt động thương mại lại trở thành lĩnh vực cạnh tranh thường xuyên của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa tự do mới toàn cầu thời hậu chiến tranh lạnh.

Để giải đáp các câu hỏi này tôi đã đi điền dã nhân học tại Lạng Sơn, một tỉnh biên giới phía bắc, và Hà Nội, thành phố thủ đô của VN từ 2005 đến 2012, và lại có chuyến đi ngắn năm 2014. Một năm điền dã tích cực từ 2008 đến 2009 ở tỉnh Lạng Sơn đã giúp tôi tìm hiểu lịch sử địa phương và ký ức của người dân địa phương về CTBG trong bối cảnh xã hội hiện đại. Những quan sát nghiên cứu trong chuyến đi dài ngày ở khu vực vùng biên nhạy cảm đã cho phép tôi có cái nhìn toàn diện về ký ức CTBG chống TQ đóng vai trò thế nào trong cuộc sống thường ngày và đời sống của các cư dân biên giới. Ở Hà Nội, qua việc nghiên cứu các tài liệu lưu trữ và thảo luận với các nhà nghiên cứu VN, tôi đã có khả năng mở rộng sự hiểu biết của mình về lịch sử dân tộc VN và quá khứ xã hội chủ nghĩa. Vì VN là một trong những nước phát triển nhanh nhất về Internet nên tôi cũng theo dõi được sát các cuộc tranh luận trên mạng và sự trao đổi thông tin trên Internet như một hình thức mới của sự trao đổi xã hội ở VN.

Để kết luận, tôi cho rằng ký ức và kinh nghiệm đã xác lập VN như một nhà nước-quốc gia kiểu đặc biệt của chủ nghĩa quốc gia thời hậu chiến tranh lạnh, nơi vẫn nhớ lại ký ức về CTBG trong kỷ nguyên hậu chiến tranh lạnh. Vì đường biên quốc gia được cấu trúc lại do di sản chiến tranh và giao lưu thương mại vùng biên nên những thách thức biên giới đã làm mất thăng bằng các quan hệ hai bên trong một trật tự thế giới theo chủ nghĩa tự do mới. Đường biên của nhà nước-quốc gia trở thành đường biên của chủ nghĩa tự do mới trong thế giới hiện đại. Khu vực vùng biên của VN sẽ vẫn gợi lại những nỗi khủng khiếp của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa quốc tế, thông qua những hình ảnh tưởng tượng về tình anh em xã hội chủ nghĩa hoặc thực tế của chủ nghĩa đa phương tân tự do thời hiện đại."

(Ngân Xuyên dịch từ tiếng Anh)
* Ngân Xuyên là bút danh của Dịch giả Phạm Xuân Nguyên.

4 nhận xét :

  1. Những người cầm quyền càng muốn quên đi thì dân càng nhớ. Phải vượt qua nỗi sợ hãi để nhớ thì nhớ lâu lắm Tôi cam đoan rằng trong lòng dân Việt Nam nhiều thế hệ ghi xương khắc tủy sự kiện này. Riêng cá nhân tôi nhận ra: Nặng giai cấp, ý thức hệ, nhẹ dân tộc đều sai lầm và thất bại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao Việt Nam không ai làm Tiến sĩ về đề tài này nhỉ? Để (Department of Cultural Anthropology), Đại học Duke (Mỹ) hướng dẫn thì đúng làm sao được đây? Thật phí của giời!

      Xóa
  2. Tác giả không nên dùng ảnh "diễn" này cho bài viết. Tôi từng là xạ thủ B41 này. Tay phải cầm báng cò súng hơi thấp, không thể bóp cò. Súng đang ở chế độ "nghỉ" (2 thước ngắm đang cụp xuống, nếu bắn sẽ không biết đạn bay đi đâu)

    Trả lờiXóa
  3. Đọc qua tóm tắt thấy nội dung luận án cũng phèng phèng. Việt Nam và TQ đều chưa cho làm luận án về vấn đề này, mà có làm thì cũng chỉ phèng phèng, không có gì là sâu sắc. Hãy xem tất cả những luận án về chiến tranh Việt Nam đều chỉ là phèng phèng so với tập biên khảo báo chí "Bên thắng cuộc". VN làm gì có khoa học chính trị, khoa học lịch sử thật sự mà đòi làm luận án ra hồn.

    Trả lờiXóa