VĂN CAO – MỘT THIÊN TÀI BỊ LƯU ĐẦY
Trần Mạnh Hảo
“Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư….”
Trịnh Công Sơn
Năm 2013 này là năm kỷ niệm 90 năm ngày sinh của thiên tài văn nghệ Văn Cao – người đã tự lưu đầy mình vào vĩnh cửu bằng ba tài năng lớn: Hội họa, thi ca và âm nhạc. Văn Cao nhà cải cách tiền phong cả ba nghệ thuật: Hội họa, âm nhạc và thi ca. Bài này chỉ nói về kiếp nhạc của Văn Cao.
Không đợi khi xuân đến, tết về như dịp này, chúng tôi mới nghe lại bản nhạc bất hủ: “Mùa xuân đầu tiên” Văn Cao khởi viết cuối tháng 12-1975, hoàn thành trong dịp tết Bính Thìn năm 1976. (Xin quý bạn đọc vào công cụ tìm kiếm: www.google.com , rồi đánh tên bản nhạc để có thể nghe rất nhiều ca sĩ hàng đầu hát bài: “Mùa xuân đầu tiên” này).
Đây là bài hát có số phận đặc biệt nhất trong cuộc đời sáng tác của Văn Cao. Đây cũng là bài hát mang nhiều tâm trạng đối lập, hòa trộn nước với lửa: Vui ít, buồn nhiều, mừng ít, tủi nhiều, hoan ca ít, bi ca nhiều, tha thiết ít, nghẹn ngào nhiều, bâng khuâng ít, đau đáu nhiều, tự sự ít, ai oán nhiều, mê say ít, thở than nhiều, cứng cỏi ít, run run nhiều, da diết ít, nỉ non nhiều, cười ít, khóc nhiều, sum họp ít, cô đơn nhiều, yêu thương ít, đau thương nhiều, gặp gỡ ít, bơ vơ nhiều…
Hầu như tất cả các trạng thái
tình cảm trái ngược nhau của con người đều có trong bản nhạc kỳ lạ này:
Ai vui hát lên thì nghe vui, ai buồn hát lên thấy buồn não ruột, ai đau
khổ hát lên thấy một trời đau khổ, ai sầu thảm hát lên thấy cả một thế
giới sầu thảm đang đồng cảm cùng mình…
Nghe đi nghe lại bản nhạc
này, ta thấy xuất hiện trong tâm trí mình rất nhiều tâm trạng không thể
dùng ngôn ngữ diễn đạt. Nếu bạn đã hoặc đang đi qua bể khổ trần gian,
nghe bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” bạn sẽ cảm thương, nhờ nước mắt diễn
đạt nỗi lòng mình.
Riêng lời bài hát đã là một bài thơ hay:
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”
Rất nhiều chim én, nhiều nắng
gió, có nước mắt vui gặp gỡ của đàn con nay đã về, có cuộc đời êm
ấm…nhưng sao hình ảnh “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông”
lặp lại hai lần làm không gian của “Mùa xuân đầu tiên” xa xôi, bơ thờ
thế, xao xác thế, hoang vắng thế, hiu quạnh thế, đơn độc có phần cô đơn
thế? Chợt nhớ nỗi buồn thiếu quê hương của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu
xưa, cũng một tiếng gà trưa Văn Cao nay, một khói sóng trên sông xa Văn
Cao nay, u hoài khôn xiết: “một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông”:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói tỏa, sóng gợn, khiến buồn lòng người!)
Chợt nhớ Lưu Trọng Lư “thời
con nai vàng ngơ ngác” với câu thơ tiền chiến xưa sao rất đồng cảm với
nỗi vui não nùng Văn Cao nay: “Tiếng gà trưa xao xác não nùng”.
Bài hát như một điệu valse
bằng nước mắt; sự thướt tha, quý phái của một giai điệu bi thương; sự
sang trọng của ngậm ngùi, day dứt; sự lãng mạn của một phiêu linh, xô
dạt; sự mê đắm của một vu vơ; sự đoan trang của cái đẹp lỡ thì; sự liêu
trai của ngơ ngác, đìu hiu; sự dịu dàng của nỗi thương đau, xót nhớ….
Chừng như đã mấy chục năm
chiến tranh liên miên chưa từng có xuân về? Chừng như gần hết cả đời
người bận chuyện đấu tranh giai cấp giành giật miếng ăn chưa từng thấy
chim én báo xuân? Chừng như đã rất lâu rồi sự căm thù trùm lên xã hội
không còn ai biết thương người? Chừng như đã lâu lắm rồi ta tha hương
trên chính quê hương mình? Chừng như suốt mấy cuộc chém giết kinh hoàng
mạo danh cách mạng, không còn ai biết yêu con người? Chừng như mấy mươi
năm rồi con người đã quên mình còn nước mắt? Chừng như lâu rồi tâm hồn
người không được sưởi nắng mùa xuân?
Và chừng như lâu lắm rồi Văn
Cao quên không còn nhớ mình từng là nhạc sĩ lãng mạn đã có cả chục ca
khúc vào hàng kiệt tác? Chừng như cây đàn piano cũ kỹ do Hội nhạc sĩ
Việt Nam cho Văn Cao thuê mỗi tháng 07 đồng, (thuê căn gác chật hẹp cũ
kỹ 108 Yết Kiêu 15 đồng) đã bị thời gian phủ bụi đầy rêu mốc? Chừng như
đôi tai Văn Cao đã bị súng đạn thời cuộc, sự hò hét xướng ca hò vè phục
vụ chính trị một thời làm ù đặc, khi tất cả các kiệt tác âm nhạc của ông
đều bị chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa (Miền Bắc) cấm hát, trừ bài
quốc ca (kể cả thơ Văn Cao cũng bị cấm)?
Và chừng như toàn bộ vết
thương cuộc đời Văn Cao, vết thương cuộc đời dân tộc, bỗng mượn ngón tay
ông mà nhỏ xuống cây đàn piano những giọt nước mắt giai điệu, khiến
những vết thương chợt mở miệng ca hát: “Mùa xuân đầu tiên”
Chừng như nỗi niềm ngày 30 tháng tư năm 1975: “Có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn” (lời ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt)
đã hiện ra nơi bài hát: “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao? Trong bài hát
ấy, kỳ lạ thay, tôi nghe có một nửa nước vui thắng trận trào nước mắt và
một nửa nước buồn thua trận cũng trào nước mắt, chợt ôm chầm lấy nhau
mà quằn quại, mà dằn vặt giằng xé nhau, cười khóc mếu máo bầm dập nhau,
nên vui ấy sao buồn hiu hắt thế, lênh đênh phiêu bạt thế, nức nở nghẹn
ngào thế?
Có lẽ, chính vì những điều trên mà kiệt tác “Mùa xuân đầu tiên”
của Văn Cao sau khi được báo “Sài Gòn giải phóng” in trước tết Bính
Thìn: 01- 01 – 1976, được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mấy lần liền
bị cấm suốt 24 năm (1976-2000). Sinh thời, Văn Cao không được nghe, được
nhìn thấy đứa con tinh thần lớn lao này của mình được trình diễn. Sau
khi ông mất (1995) 05 năm, “Mùa xuân đầu tiên” mới ra khỏi nhà tù kiểm
duyệt của chế độ.
Xin quý bạn đọc hãy nghe nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao kể sơ qua về sự ra đời của bài hát này:
“Sau khi bài TIẾN VỀ HÀ
NỘI ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp
nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa… Nhưng rồi
những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có
sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng…”
Tôi còn lưu giữ được một số
tác phẩm của ông sáng tác sau này nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá
như ông không bị rơi vào cái nạn “Nhân văn” và bị “vô hiệu hoá” mất 30
năm thì tôi chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được thêm nhiều tác phẩm cho
nền âm nhạc Việt Nam.
Những ngày tháng sau đó, căn
gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng.
Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu
tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một thời không dám bước chân đến căn
gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”.
Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN vào đúng dịp tết Bính Thìn.”
(trích bài “Văn Cao với ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Thao in trên “Tạp chí Sông Hương” số 179-180)
Văn Thao tiết lộ tiếp rằng,
bài hát bị cấm ở Việt Nam nhưng bên nước Liên Xô người ta lại dịch sang
tiếng Nga, phát trên Đài phát thanh Matxcova :
“Nhưng cũng thật bất ngờ
(không hiểu bằng con đường nào), trong cái năm 1976 ấy MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN
đã được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100
Rúp. Văn Cao phải viết giấy uỷ quyền qua sứ quán để con gái ông đang học
bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao
lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”
Qua tiết lộ trên của anh Văn
Thao, con trưởng nhạc sĩ thì nhà ông Văn Cao trên căn gác nhỏ 108 Yết
Kiêu suốt một thời luôn luôn có công an ngầm canh gác, ai đến đều “bị vỗ
vai” hỏi tên tuổi, xem đến nhà tên phản động “Nhân Văn” làm gì? Người
viết bài này sau năm 1975 có lần đến thăm nhạc sĩ Văn Cao để cho ông
mượn cuốn tiểu thuyết vĩ đại: “Giờ thứ 25” của văn hào Romania
Constantin Virgil Gheorghiu (1916-1992) mang ra từ Sài Gòn như đã hứa,
cũng đã từng bị công an mật “vỗ vai” hỏi đi đâu? Bèn bảo: Đi phỏng vấn
tác giả “Quốc ca” viết bài in báo cũng bị cấm à? Người “vỗ vai” hất đầu
cộc lộc: “Vào đi”.
Người ta đã cầm giữ Văn Cao
như một tù nhân lương tâm bị giam lỏng, một thứ nhà tù tại chỗ, nhà tù
nhân dân kiểu xã hội chủ nghĩa. Rằng Văn Cao bị vô hiệu hóa suốt 30 năm
vì tội Nhân Văn – Giai Phẩm. Rằng suốt 30 năm ấy, nhạc sĩ Văn Cao sống
rất nghèo khổ, “bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu”.
Chúng ta lại được nghe người
con trai thứ của nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nghiêm Bằng kể sơ qua về sự ra
đời của “Mùa xuân đầu tiên”:
“Đó là một đêm vào giữa
tháng 12-1975. Chúng tôi đang sống với cha mẹ trong ngôi nhà số 108 Yết
Kiêu. Mùa đông Hà Nội rét tê tái. Cha tôi đã từ lâu rồi không đàn. Vậy
mà trong đêm ấy, tôi nghe có tiếng chân nhè nhẹ lần từng bước từ phòng
trong ra gần chiếc đàn piano – đối diện với chiếc đivăng tôi đang ngủ.
Một giai điệu khe khẽ vang
lên, nó được đàn bởi một bàn tay phải. Cũng phải nói thêm là cha tôi đã
đàn trên chiếc đàn vốn được Hội Nhạc sĩ VN cho thuê lại với giá 7 đồng
rưỡi một tháng (lương tôi hồi đó là 63 đồng, còn tiền thuê nhà là 15
đồng); từ ngày kỷ niệm 30 năm Tiến quân ca (1974), chiếc đàn mới được tặng hẳn cho cha tôi thì cha lại rất ít có dịp dùng đến.
Bài hát đã được báo Sài
Gòn Giải Phóng số năm mới 1-1-1976 in trang trọng ở bìa 4 và thu thanh
ngay sau đó, được phát trên sóng Đài Tiếng nói VN, nếu tôi không nhầm
thì do ca sĩ Trần Khánh và đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói VN trình bày. Bài
hát được phát khoảng mươi lần trong chừng một tháng (hồi ấy ca khúc được
truyền bá chủ yếu qua sóng phát thanh), rồi không hiểu sao lặng lẽ chìm
đi, như thể bị quên lãng.
Như mọi lần, trong suốt
mấy chục năm, cha không tỏ ra bực bội gì, chỉ hơi buồn thôi. Cha tôi nói
chắc chắn bài hát sẽ có ngày được hát lại và mọi người sẽ yêu nó. Và
như mọi lần, cha tôi lại đúng. Chỉ có điều lúc đó cha tôi không còn nữa.
Khi bài hát lần đầu tiên được phát trên sóng truyền hình Việt Nam năm
2000, cha tôi đã mất được năm năm.”
Nhà thơ NGHIÊM BẰNG THU HÀ ghi
Nhà văn Vũ Thư Hiên, trong
tác phẩm “Đêm giữa ban ngày”, kể lại lời Văn Cao nói với ông về Tố Hữu
hay Trường Chính chủ trương đánh “Nhân Văn”, kể lại chuyện ông lãnh tụ
Trường Chinh cho gọi Nguyễn Tuân và Văn Cao lên cảnh cáo sau vụ “Nhân
Văn – Giai Phẩm”.
Xuân Diệu đấu tố Văn Cao là trùm phản động, là đầu sỏ chống cộng.
Với tất cả tội trạng tày trời
do Xuân Diệu đấu tố Văn Cao công khai trên báo chí, tội của Văn Cao có
khi còn to hơn tội của bà nhà văn Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang (cùng
bị án 15 năm tù giam, 05 năm quản thúc vì hai người này bị cho là đầu sỏ
gây ra vụ án chống đảng “Nhân văn – giai phẩm”). Sở dĩ Văn Cao thoát tù
mọt gông vì ông chính là tác giả Quốc ca.
Ngay sau vụ “Nhân Văn”, nhà nước cộng sản tính lấy một bài hát “Cách mạng tiến quân” của Đỗ Nhuận làm bài quốc ca, thay bài “Tiến quân ca”
của Văn Cao nhưng việc không thành. Mấy năm sau, năm 1981 nhà nước mở
cuộc thi quốc ca trong suốt hai năm, quyết thay bài hát của tên phản
động đang bất đắc dĩ dùng làm quốc ca; nhưng mấy trăm bài dự thi thay
đổi quốc ca, không bài nào được chọn (vì quá tẻ nhạt) để thay thế bài ca
lịch sử của Văn Cao.
Nếu không có bài quốc ca che
chắn, có lẽ Văn Cao có thể đã chết trong tù Cộng sản? Một Văn Cao mềm
mỏng, nồng nàn, say đắm, lãng mạn tận cùng (với các ca khúc bất diệt:
“Buồn tàn thu”, “Suối mơ”, “Bến xuân”, “Trương Chi”, “Thiên Thai”…)
trong một Văn Cao tỉnh bơ, quyết liệt, lạnh băng, thần kinh thép, thậm
chí dữ dằn, sắt máu: “Thề ăn gan uống máu quân thù” … “ đường ta đi xây
xác quân thù”…đến cùng tận khi một mình một xe đạp, đến tiệm hút thuốc
phiện ở Hải Phòng, dương khẩu súng lục số 7165 của tổ chức (do Nguyễn
Đình Thi trao) nhắm thẳng vào đầu Đỗ Đức Phin (bị Việt Minh cho là tay
sai của Nhật) tuyên án từng lời đanh thép: – Tao bắn mày vì mày là Việt
gian tay sai giặc Nhật! Đoạn, Văn Cao bóp cò súng cái đoàng, đầu Đỗ Đức
Phin nức toác, tóe máu; rồi ông thủng thẳng nhét súng vào thắt lưng,
đủng đỉnh đạp xe đi như đang dạo mát…
Sau này, cả cuộc đời còn lại,
Văn Cao vô cùng ân hận vì đã bắn chết một con người là Đỗ Đức Phin. Đến
nỗi, sự sám hối quằn quại khôn xiết này đã khiến ông không còn dám gõ
lên piano những giai điệu lãng mạn tuyệt đẹp thuở ban đầu kiểu “Suối
mơ”, “Bến xuân”… nữa; vì ông có cảm giác tay mình còn nhuốm máu đồng
loại. Thế mà, có những kẻ vô lương tâm, can dự vào việc giết chết hàng
chục triệu đồng bào vô tội của mình mà vẫn vênh mặt tự hào, chẳng một
chút ăn năn sám hối!
Nghe nói Văn Cao còn bắn sẩy
(bắn hụt) hai mật thám Nhật tại Hà Nội là Cung Đình Vạn và Võ Văn Cẩm
(không biết có phải vì ông căm thù quân Nhật từng giết bố vợ mình là cụ
Nghiêm Xuân Huyến – một chủ báo, chủ xuất bản lớn Hà Nội từng bị Nhật
thủ tiêu trong tù?). Một con người như thế không dễ gì thỏa hiệp, đầu
hàng, thà chết cho điều mình tin yêu hơn là phải sống như một chiếc bóng
trong suốt hơn ba mươi năm bị giam lỏng trong án tù thả rông: “Nhân văn
– Giai phẩm”…
Có lần, Văn Cao kể cho người
viết bài này (trong một bàn rượu đơn sơ “cuốc lủi”, lạc rang, đậu phụ
mắn tôm, với bạn tâm giao: Nhà văn Mạc Phi, nhà văn Sơn Tùng…) rằng:
“Sau vụ Nhân Văn, anh em “chống đảng” chúng tôi, ngoài mấy người bị án
tù 15 năm, tất cả đều bị đi cải tạo lao động trên Tây Bắc. Trong chặng
đường đi đày trên tàu hỏa, dù tôi đang đau dạ dày nặng sắp chết vẫn bị
điệu đi, mấy lần tôi đã toan nhảy xuống đường tự tử khi tàu chạy, nhưng
hình bóng đàn con lóe lên trong đầu như ánh chớp, hình bóng bà Băng (bà Nghiêm Thúy Băng – phu nhân nhạc sĩ) còng lưng nuôi đàn con bơ vơ mất bố, tôi liền bỏ ý định tự sát để tiếp tục sống hèn mà trở về nuôi con…”…
Có lẽ men “cuốc lủi” làm Văn
Cao cảm động, tay ông run run, kể tiếp: “Thảm nhất là khi ở nơi cải tạo
lao động, đến bữa ăn, cứ thấy mình ngồi bàn nào là anh em (cùng bị đi
đày lao động) lại tìm sang bàn khác ngồi, không ai chịu ngồi cùng bàn ăn
với kẻ đầu sỏ Nhân Văn, đến nỗi chị nuôi trại đi đày phải xẻ một suất
cơm ôi cá thối cho tôi ngồi một mình một bóng mà ăn cho khỏi chết đói
chứ nào có ngon lành gì …”…
Ngày 30 tháng tư 1975, ngày
kết thúc 30 năm chiến tranh, theo mấy người con và mấy người bạn thân
của nhạc sĩ kể lại, Văn Cao im lặng không nói gì, không reo mừng hò hét
vỗ tay vỗ chân rầm rập trong hàng nghìn ca khúc khẩu hiệu điếc tai như
phần lớn đồng nghiệp đã hét. Có lẽ, ông nghĩ rằng, nhờ chiến thắng này
mà có thể thân phận “tù tại ngoại” của ông cũng sẽ được giải phóng,
thoát án giam lỏng nhân văn chăng?
Dồn nén khát vọng tự do mấy
chục năm, dồn nén khát vọng hòa bình mấy chục năm, dồn nén khát vọng mùa
xuân mấy chục năm, dồn nén khát vọng thoát khỏi “nhà giam tư nhân” mấy
chục năm, dồn nén khổ đau buồn hận mấy chục năm, dồn nén oan ức bị chà
đạp mấy chục năm, chợt một sáng cuối đông, đầu xuân năm 1976, vỡ òa cảm
xúc, vỡ òa nước mắt nhỏ giọt yêu thương, nhỏ giọt mật đắng nghẹn ngào
lên từng phím đàn thành giai điệu Văn Cao “Mùa xuân đầu tiên” chăng?
Thành ra, “Mùa xuân đầu tiên” chính là lời reo vui của đắng cay, niềm rưng rưng kiếp nạn giải thoát, nỗi hoan ca ngục tù gặp nắng gió mênh mông…?
Xin xem thêm tài liệu tổng
kết vụ án “Nhân Văn – Giai Phẩm” của đại tá công an A25 Thái Kế Toại đã
in công khai trên rất nhiều trang mạng, để thấy thân phận của Văn Cao
suốt ba mươi năm dưới chế độ “ưu việt gấp triệu lần tư bản” thê thảm là
dường nào.
Qua lời tự thú của vị đại tá
công an phụ trách theo dõi văn hóa văn nghệ trên, ta thấy số phận kẻ
trọng tội “Nhân Văn – Giai Phẩm” bị lưu đày trong chính căn phòng mình,
trên chính quê hương mình của Văn Cao và các bạn hữu “Nhân Văn – Giai
Phẩm” của ông hầu như đã bị tước quyền công dân, tước hết quyền sáng tạo
nghệ thuật, bị “giam tại nhà”, bị đấu tố, bị làm nhục, bị cải tạo lao
động hà khắc; không khác mấy so với những kẻ thua trận Việt Nam cộng hòa
bị tù tội trong danh phận học tập cải tạo sau năm 1975…
Không thấu hiểu hoàn cảnh
sống bị chà đạp, bị lăng nhục, vùi dập, bị đói khổ, bị mất hết tự do nơi
Văn Cao suốt ba mươi năm, chúng ta sẽ không cảm nhận được hết nỗi vui
của người tù vừa tìm thấy một khe hở gió nắng, được vụt lóe với khói
trên sông, với tiếng gà trưa hiu quạnh trong nỗi đau nghẹn ngào “Mùa
xuân đầu tiên” này…
Chính nỗi đau buồn kia đã đẩy
Văn Cao tới chân tường của cô đơn, lưu đày ông vào ly rượu và khói
thuốc. Chứng nghiện rượu đã giúp Văn Cao phần nào quên đi thực tại thê
thảm, giúp ông có nghị lực để sống qua thời thương khó. Nhiều đêm, không
ngủ được, thức khuya để tìm ảo giác trong men rượu, thấy bóng mình in
trên tường, Văn Cao chợt rùng mình hoảng sợ, ngỡ là công an mật nửa đêm
xuyên tường đến hỏi cung ông, suýt nữa làm ông co cẳng ù té chạy…
Suốt một đời Văn Cao không
chạy thoát khỏi bóng mình, không thoát khỏi kiếp lưu đầy thiên bẩm của
một nghệ sĩ lớn mà thời đại dường như không đủ chỗ cho mình tỏa bóng.
Đành thu bóng lại như con mèo nghệ thuật nằm cuộn tròn trong đống tro
tàn cải tạo tại gia mà ăn năn hối cải về tội chống đảng của mình.
Đâu rồi chàng trai Văn Cao
yêu đời, yêu người, tự do tự tại, thanh bình, phiêu lãng miền thiên
giới, thần tiên sống lẫn con người, lãng mạn tới tận cùng chân trời góc
bể trong những ca khúc tiền chiến tuyệt tác? Xin cùng nghe lại bản nhạc
đầu tay tuyệt diệu của trang thiếu niên 16 tuổi, và xem lại lời của ca
từ “Buồn tàn thu”:
Buồn Tàn Thu
Ai lướt đi ngoài sương
gió, Không dừng chân đến em bẽ bàng, Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngay bước
chân chàng, Từ từ xa đường vắng. Đêm mùa thu chết, nghe mùa đang rớt rơi
theo lá vàng. Em ngồi đan áo lòng buồn vương vấn, em thương nhớ chàng.
Người ơi còn biết em nhớ mong, Tình xưa còn đó xa xôi lòng. Nhờ bóng
chim uyên, nhờ gió đưa duyên Chim với gió bay về, chàng quên hết lời
thề. Áo đan hết rồi, cố quên dáng người, Chàng ngày nào tìm đến? Còn nhớ
đêm xưa kề má say sưa Nhưng năm tháng qua dần, mùa thu chết bao lần.
Thôi tình em đấy, như mùa thu chết rơi theo lá vàng.
“Buồn tàn thu” một nỗi buồn
đẹp, trong veo dù tình em tưởng “chết rơi theo lá vàng”. Cái buồn của
tình yêu “em thương nhớ chàng” Văn Cao kết hợp hồn nhạc ngũ cung với
chất khải huyền Thánh ca Thiên Chúa giáo rất cổ thi; như người chinh phụ
nhớ chinh phu “Chinh phụ ngâm” Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm, như thần
thiếp nhớ quân vương “Cung oán ngâm khúc” Nguyễn Gia Thiều, Kiều nhớ
Thúc Sinh trong mùa thu chết “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”
Nguyễn Du thuở lục bát “người lên ngựa, kẻ chia bào” của “bụi hồng dặm
cuốn chinh an”…
Cái buồn của con người gặp
cái buồn của trời đất, rất “mang mang thiên cổ sầu” Văn Cao. Chàng thiếu
niên 16 tuổi đã ký thác đời mình trong vàng thu lá chết, lấy lá vàng
mùa thu làm chiếc diều của của nghệ thuật muôn đời siêu thoát. Chàng tự
lưu đày mình vào mùa thu một cách tự nguyện. Chàng chết đuối theo vàng
thu chìm nghỉm để bất tử trong giai điệu du dương, sang trọng, như danh
họa Nga gốc Do Thái Levitan phó linh hồn cho mùa thu Nga vĩnh cửu sơn
dầu…
Ngay từ 16 tuổi, bằng sự lãng mạn tận cùng qua “Buồn tàn thu”,
Văn Cao đã sung sướng được đắm chìm vào vương quốc Cái – Đẹp. Chàng
dùng nỗi buồn làm rượu, làm lương thực hằng sống nuôi dưỡng những giai
điệu du dương lãng mạn đẹp nhất của nền tân nhạc Việt Nam thuở ban đầu
trong năm kiệt tác vô song: “Buồn tàn thu”, “Suối mơ”, “ Bến xuân” (lời Phạm Duy) “Trương Chi” và “Thiên Thai”…
Dường như năm bản nhạc lãng
mạn trên là năm bản thánh ca của tâm hồn con người, đưa ta thoát mọi
phàm tục để được thánh hóa, được thăng hoa tới muôn vàn mê đắm, thoát
khỏi hận thù mà bất tử với thương yêu ? Bản tình ca của nỗi buồn, của
Cái – Đẹp ban sơ được hát lên cùng thiên giới thiêng liêng niềm hoài
niệm trần thế; nơi suối nguồn róc rách mê ly chảy ra từ năm dòng kẻ nhạc
Văn Cao, theo giai điệu thiên thần réo rắt thanh tao kia mà rót vào hồn
ta hơi thở đất trời, rót vào tai ta chất men say của niềm ham sống, của
tin yêu và hoài vọng. Âm nhạc Văn Cao nâng cánh con người bay lên cõi
đẹp, cõi mê, cõi thần tiên, cõi hằng sống là vì thế chăng?
Chừng như Văn Cao đã ngầm ký gửi thân phận mình vào hai ca khúc lãng mạn một cách siêu nhiên có phần kỳ bí, huyền nhiệm: “Thiên thai” và “Trương Chi”,
vừa mang phong cách cao sang, nền nã, cổ điển của nghệ thuật Apollon –
thần ánh sáng và thi ca, vừa mang phong cách ma mị, xuất thần, cuồng si
của nghệ thuật Dionysos – thần rượu nho (theo quan niệm về bi kịch Hy
Lạp của Nietzsche)?
Văn Cao, ngay từ độ đôi mươi,
đã tự đày ải mình lên miền thiên giới trong đại kiệt tác “Thiên Thai”.
Cuộc nhập “Thiên Thai” ấy không chỉ có hai chàng Lưu Nguyễn mà thực ra
đã có ba chàng: Người tham gia khí muộn vụ thiên hành lên cõi tiên ấy
chính là Văn Cao:
Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kià đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền
Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên
Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn
Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên
Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần
Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm
Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về
Tiên nữ ơi!
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn khi trở về
Tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao ?
Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên
Văn Cao và hai chàng Lưu
Nguyễn đã nhập “Thiên Thai” nghệ thuật. Nơi đó, Cái Đẹp chính là tiên
nữ, khởi nguồn mọi xúc cảm hồn người. Nghệ thuật, nói cho cùng KHÔNG VỊ
BẤT CỨ ĐIỀU GÌ, vì nó là cái chân thiện mỹ đã được thánh hóa, được đóng
dấu thiên giới cao sang. Tột cùng của nghệ thuật là sự thoát tục, sự
thăng hoa con người lên những thế giới khác, tâm hồn khác, rung động
khác, mê ly khác, ảo diệu khác… do con đò của tưởng tượng chở ta sang bờ
bên kia của sự thật, bờ bên kia của thế giới.
Những giai điệu thần tiên mê
ly hết mực Văn Cao đã đưa hồn ta du nhập cùng ba chàng lãng tử Lưu –
Nguyễn – Văn vào cõi trời. Thiên Thai ấy, tiên nữ ấy, nghê thường ấy hóa
ra không ở đâu xa, lại ở chính nơi hồn ta khi được âm nhạc thiên tài
Văn Cao đánh thức…
Văn Cao hóa thân vào bi kịch
nghệ thuật Trương Chi, hay chính hồn chàng Trương Chi đã ám lấy cuộc đời
Văn Cao trong một ca khúc hay đến rợn người, hay đến ngờ có ma trong
giai điệu du dương chìm lắng, thê lương, rờn rợn liêu trai, khuya khoắt
ngồi nghe một mình có thể nổi da gà:
Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ
Vương vất heo may hoa yến mong chờ
Ôi, tiếng cầm ca thu tới bao giờ.
Lòng chiều bơ vơ lúc thu vừa sang,
Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan
Một cánh chim rơi trong khúc nhạc vàng
Đây đó từng song the hé đợi đàn.
Tây hiên Mỵ Nương khi nghe tiếng ngân
Hò khoan mơ bóng con đò trôi
Giai nhân cười nép trăng sáng lả lơi, lả lơi bên trời
Anh Trương Chi
Tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung,
Anh thương nhớ.
Oán trách cuộc từ ly não nùng.
Đò trăng cắm giữa sông vắng.
Gió đưa câu ca về đâu?
Nhìn xuống đáy nước sông sâu.
Thuyền anh đã chìm đâu!
Từng khúc nhạc xa vời
Trong đêm khuya dìu dặt tiếng tơ rơi.
Sương thu vừa buông xuống
Bóng cây ven bờ xa mờ xóa dòng sông
Ai qua bến giang đầu tha thiết,
Nghe sông than mối tình Trương Chi
Dâng úa trăng khi về khuya,
Bao tiếng ca ru mùa thu.
Ngoài song mưa rơi trên bao cung đàn
Còn nghe như ai nức nở và than,
Trầm vút tiếng gió mưa
Cùng với tiếng nước róc rách ai có buồn chăng?
Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn
Về phương xa ai nức nở và than,
Cùng với tiếng gió vương,
Nhìn thấy ngấn nước lấp lánh in bóng đò xưa.
Đò ơi! Đêm nay dòng sông Thương dâng cao
Mà ai hát dưới trăng ngà
Ngồi đây ta gõ ván thuyền,
Ta ca trái đất còn riêng ta.
Đàn đêm thâu
Trách ai khinh nghèo quên nhau,
Đôi lứa bên giang đầu.
Người ra đi với cuộc phân ly,
Đâu bóng thuyền Trương Chi?
Bi kịch Trương Chi chính là
bi kịch của nghệ thuật, bi kịch cuộc đời, hơn nữa là bi kịch của thiên
tài và thời đại, bi kịch của Văn Cao và chế độ…Hình như Văn Cao đã đổi
vai cho chàng ca sĩ thiên tài Trương Chi trong câu chuyện cổ diễm tình,
được kể lại bằng hồn Văn Cao với giai điệu bi ca, khốc ca, hú ca, Mỵ
Nương ca?
Hồn Trương Chi u uẩn, u u
trong gió sương vương vấn trên sông, đêm đêm đã lấy đi hết nước mắt nàng
Mỵ nương ân hận nghìn đời. Nay hồn ấy, tình đơn phương yêu đến chết ấy
lại nhập vào hồn Văn Cao với giai điệu sầu thương, nức nở, lấy đi bao
giọt khóc của người nghe nhạc hôm nay.
Thương thay chàng Trương Chi
Văn Cao đã dâng hiến cả tâm hồn và thân xác mình cho tình yêu con người,
cho tình yêu thời đại, yêu đến nỗi cuồng điên kiểu Xuân Diệu: “Hỡi xuân
hồng ta muốn cắn vào ngươi” nhưng đã bị thời đại đáp lại bằng “cú đớp
chính trị” Nhân Văn Giai Phẩm tàn mạt cả một đời .
Nàng Mỵ Nương cuộc đời, nàng
Mỵ Nương thời đại không chấp nhận tình yêu đơn phương tận hiến ấy, yêu
và ca hát như con ve tới chết cho nàng, vì nàng, một tình yêu phi điều
kiện, phi chính trị. Cũng như Trương Chi, Văn Cao đã bị nàng Mỵ Nương –
Thời đại phụ tình, hớp hết hồn chàng, rút hết gan ruột chàng trong các
ca khúc kháng chiến bất hủ: “Trường ca Sông Lô”, trong “Tiến quân ca”,
trong “Làng tôi”, trong “Tiến vế Hà Nội”, trong “Ngày mùa”… ăn ốc đổ vỏ,
rồi nhốt chàng vào mật thất cô đơn như một huyệt mộ của tự do trá hình
có tên là căn gác chật hẹp 108 Yết Kiêu, Hà Nội, thuê 15 đồng một tháng
(ở tù tại gia mà phải thuê a ?)…
Trương Chi đã yêu, đã chết
cho mối tình lý tưởng đơn phương, thân xác tan vào sông nước và hồn hóa
thành đá quý làm chén ngọc cho Mỵ Nương gieo nước mắt thương tình thành
sông. Văn Cao không ném thân xác mình vào cát bụi để được chết vì yêu
như Trương Chi; nhưng linh hồn ông, âm nhạc ông đã đang và mãi mãi sẽ
được người đời yêu thương đón nhận. Hồn Văn Cao còn hát mãi tiếng tuyệt
vời Trương Chi trên dòng sông âm nhạc, nơi sẽ có hàng nghìn Mỵ Nương
xinh đẹp mong ước chàng sống lại để hậu thế được yêu chàng như lời thơ
R. Tagore vẽ hộ tình yêu mai sau dành cho chàng Trương Chi – Văn Cao:
“Nàng ơi / tất nhiên là
nàng sẽ ra đời / trong một thế kỷ nào đó / xin nàng tha thứ cho / nếu
quả vì tôi kiêu hãnh / vẽ dáng nàng đang đọc thơ tôi / khi trăng rọi im
lìm qua khe chữ / tôi biết đêm nay / dưới trăng mờ / nàng thắp đèn chờ /
dù nàng biết chẳng bao giờ nhà thơ ( nhạc sĩ – chua thêm TMH) đến nữa …” (bản dịch từ tiếng Anh của Cao Huy Đỉnh)
Tiền bối Văn Cao ơi!
Âm nhạc sang trọng bậc nhất
nước Việt của ông còn sống mãi. Những bài hát rất hay, rất quý phái cao
sang đầy chất thánh ca của ông vẫn hằng tụng ca con người, tụng ca Cái
Đẹp, như một cứu cánh góp phần cứu chuộc dân tộc ta, đất nước ta đang có
cơ bị diệt vong bởi chính sự băng hoại của những tà thuyết phi nhân.
Xin được gọi ông bằng tên gọi thường nhật trìu mến nhất mà thế hệ đi sau
ông vẫn hằng được gọi thầm tên ông: ANH VĂN; như ngày xưa thi thoảng
được hầu rượu ông nơi quán rượu gần rạp xiếc. Vâng, anh Văn suốt một đời
sống chết cũng chỉ vì hai chữ Nhân Văn thiêng liêng, cao cả này mà thôi ...
Sài Gòn ngày 23-01-2013
TRẦN MẠNH HẢO
Văn Cao , Hữu Loan , Hoàng Cầm , Nguyễn hữu Đang ... Bao nhiêu trí thức , nghệ sĩ tài danh hàng đầu bị đầy ải mấy chục năm trời , hết cả thời trai trẻ . Vì đâu nên nỗi , vẫn là theo tinh thần " trí phú địa hào đào tận gốc trốc yận rễ "
Trả lờiXóaCảm ơn ông Hảo; bài bình luận sâu và tinh tế! Lần đầu khi nghe bài hát này tôi cũng có cảm giác tương tự nhưng không thể cắt nghĩa được sự pha trộn của những cảm xúc ngược chiều trong bài! Tôi cũng cũng có suy nghĩ rằng Văn cao lãng mạn quá chăng khi viết: Từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người...."?
Trả lờiXóaNước ta và nước lạ lãng phí tày đình ! Những Newton, Edison, Einstein,..., của chúng ta đã đang và tiếp tục bị bóp chết từ trong trứng. Những Nguyên Hòng, Chế Lan Viên, Văn Cao,...,là những hoang phí và nhục nhã khổng lồ...Cảm ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo...
Trả lờiXóaChữ tài liền với chữ tai một vần . Câu thơ của Nguyễn Du sao ai oán thế . Một xã hội văn minh , tốt đẹp phải biết tôn vinh những giá trị đích thực . Hoa quý không được tôn vinh thì cỏ dại sẽ lan tràn , lấn lướt .
Trả lờiXóa