Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Luân Lê: NHÂN DÂN MỚI LÀ TẤT CẢ


Luân Lê
15-12-2017

NHÂN DÂN MỚI LÀ TẤT CẢ

Đây là lời ông Tổng bí thư đảng nói chuyện với Hội cựu chiến binh, những người đã đứng trong hàng ngũ chiến đấu dưới sự dẫn dắt của Đảng cộng sản trong những năm chiến tranh, nên Ông ấy mới nói câu “mất đảng, mất chế độ là mất tất cả”. Bởi những người này đang có sổ hưu và hưởng chế độ quân nhân, cựu binh hậu chiến, tức được nhà nước đãi ngộ.

Còn nếu Ông ấy nói với người dân tại một quảng trường thì hẳn câu nói ấy, mang tính cảnh báo cho những người cùng lợi ích, thì chắc hẳn nó không thể nào phù hợp và cũng thật là chuyện hài hước. Vì nhân dân và tổ quốc thì luôn còn, đảng phái hay chế độ thì chỉ là một nhóm người nắm quyền điều hành trong một giai đoạn.


Trước đây vị vua nào cũng nhân danh thiên tử để trị vì đất nước và gây dựng vương triều bằng mọi giá, dù đó có là sinh mệnh của hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu dân chúng. Và họ vẫn bắt thần dân hô vang “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” mỗi khi vua, chúa xuất cung hay sau khi tiếp nhận xong thánh chỉ từ “con trời”. Nhưng rồi cuối cùng thì chế độ ấy cũng suy vong và sụp đổ như một lẽ tất yếu. Và nhân dân, tổ quốc vẫn tiếp tục hành trình của mình trên lãnh thổ và chủ quyền đó. Nhân dân lại thiết lập nên nhà nước khác phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ hơn. Đó là quy luật của sự vận động đi lên, không ai phủ định được tất yếu đó, chính những học trò của Marx và Lenin phải hiểu rõ điều này nhất trong những luận điểm triết học chính trị và xã hội của các vị này.

Chỉ có những người có quyền và lợi ích liên quan đến chế độ mới lo sợ “mất tất cả”. Nhưng rõ ràng rằng, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thì mọi sự tan rã của thể chế đều đưa quyền lực trở về với chủ nhân thực sự của nó, và chủ nhân ấy sẽ lại tiếp tục trao cho những (nhóm) người đại diện phù hợp nhất mà họ tin tưởng trong tiến trình tiếp theo.

Tuy vậy, việc thay đổi chế độ chỉ là chuyển giao quyền lực, không nhất thiết và không thể có câu chuyện như cải cách ruộng đất hay nhân văn giai phẩm đã từng trong lịch sử. Mà ở đó thực sự lợi ích quốc gia được đặt lên hàng đầu và việc hoà hợp, hoà giải dân tộc là điều kiện bắt buộc phải thực hiện tiên quyết để đất nước có thể xây dựng được những giá trị nền tảng cơ bản để quốc gia có thể phát triển cho kịp với nhân loại. Trong cùng tổ quốc, không ai là chiến thắng nếu có bất kỳ biến cố hay chia rẽ nào xảy đến.

Người trong cùng một quốc gia, dù ở vị trí chính trị nào cũng đừng tự phân định giai cấp và lợi ích tầng lớp ra như thế. Đó chính là tư duy đã hết thời và không được phép tồn tại, nhất là người đứng trong hàng ngũ quyền lực, nắm quyền điều hành nhà nước và xã hội.

Nếu yêu nước thì chỉ có tổ quốc và nhân dân. Sẽ không ai là mất tất cả nếu thay đổi, mà là chúng ta sẽ trả giá thế nào nếu không chịu thay đổi mới là điều đáng và phải đặt ra hơn tất thảy mọi điều lúc này.


6 nhận xét :

  1. Có phải ai đó đã nói "Thà mất nước còn hơn mất đảng!" không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xưa Quang Trung, Lê Lợi có đảng chưa nhỉ?

      Xóa
  2. Khác nào nói mất vua là mất nước

    Trả lờiXóa
  3. Câu nói này của ông rất đúng với CA Quân đội,và những ai đang ăn lương nhà nước,còn dân thì là phúc đấy.

    Trả lờiXóa
  4. Nhà nước, đảng phái ..chỉ xuất hiện trong hoàn cảnh lịch sử nhất định và cũng tan rã , mất đi trong hoàn cảnh lịch sử không còn phù hợp. Chỉ có Dân tộc mãi mãi trường tồn - đó là chân lý!. Không có cơ sở kinh tế, chính trị, XH nào để hô khẩu hiệu , như : Đảng CSVN và CHXHCN Việt Nam muôn năm!. ĐCSVN sau hơn 42 năm ( 1975 -2017) thống trị quyền nhà nước VN, đã trở nên kiêu ngạo hơn cả các triều đại phong kiến xưa kia. ô. Nguyễn Văn An cựu chủ tịch QH đã nói rất trúng về chế độ VN ngày nay là chế độ phong kiến kiểu mới, Bộ chính trị ĐCSVN là " ông Vua tập thể". Có thể mất Vua , mất đảng cầm quyền nhưng Tổ quốc, Dân tộc Việt Nam vẫn bất khuất tồn tại và phát triển - đó là chân lý!

    Trả lờiXóa