Đất thải nghi độc hại xả đầy đê sông Hồng (Văn Giang, Hưng Yên): “Né” trách nhiệm?
Thương hiệu và Công luận
16:33:00 13/05/2017
Theo phản ánh của người dân huyện Văn Giang (Hưng Yên), thời gian gần đây, xuất hiện một số đối tượng ngang nhiên đổ trộm hàng nghìn m3 đất màu đen, chảy nước, bốc mùi hôi thối… lên đê Sông Hồng (đoạn qua huyện Văn Giang). Hành vi này, khiến hành lang thoát lũ bị xâm phạm, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh.
Hàng nghìn m3 đất thải đổ đầy đê sông Hồng (địa bàn huyện Văn Giang, Hưng Yên)
nhưng không bị ngăn chặn, xử lý?
Đáng nói, dù đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, nhưng đến nay sự việc vẫn không hề được ngăn chặn, xử lý, khiến người dân vô cùng bức xúc.
“Trốn” trách nhiệm, “né” báo chí?
Tiếp nhận ý kiến phản ánh, nhóm phóng viên đã kỳ công mật phục, theo dõi và phát hiện: Vào khoảng thời gian từ 9h tối đến gần sáng ngày hôm sau, trên đoạn đê này thường xuyên xuất hiện hàng loạt xe ô tô trọng tải lớn đi thành đoàn từ 3 - 5 chiếc, chứa đầy bùn đất màu đen, bốc mùi hôi thối nối đuôi nhau chạy thẳng ra vị trí đê trên để đổ trộm.
.
.
Hàng loạt xe ô tô trọng tải lớn chở đầy bùn đất màu đen, bốc mùi hôi thối
nối đuôi nhau đổ trộm đất thải
Trong quá trình vận chuyển, các loại đất cát, bùn thải chảy nước, bốc mùi hôi thối vương vãi khắp cung đường ra bãi tập kết. Tại vị trí đổ thải, một chiếc máy quốc đã túc trực sẵn để san ủi. Đất thải khi vận chuyển tới đây lập tức được san ủi nhanh chóng, nhằm xóa dấu vết.
Đáng nói, khu vực các đối tượng đổ trộn đất thải này, cách trụ sở Công an huyện Văn Giang không xa, nhưng không hề nhận được sự kiểm tra, ngăn chặn, xử lý của cơ quan này.
.
Cán bộ Công an huyện Văn Giang từ chối cho phóng viên đặt lịch làm việc
Để làm rõ sự việc, phóng viên tìm đến trụ sở Công an huyện Văn Giang, nhưng không nhận được sự hợp tác từ phía cơ quan này. Tại đây, một cán bộ Công an huyện Văn Giang cho biết: “Những chỗ đổ chất thải kia, đã được sự nhất trí từ các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên và đã có văn bản chỉ đạo từ các cơ quan này”.
Tại Phòng Tham mưu - Công an huyện Văn Giang, một cán bộ của cơ quan này đã từ chối làm việc, cung cấp thông tin cho phóng viên với lý do “không chấp nhận phóng viên tới làm việc khi không có thẻ nhà báo?", "không chấp nhận Giấy giới thiệu?"... và từ chối cho phóng viên đặt lịch làm việc với lãnh đạo đơn vị” (?!).
.
Hoạt động đổ trộm đất thải còn diễn ra công khai giữa ban ngày
Tìm hiểu được biết, tuyến đê tả sông Hồng đoạn qua địa bàn tỉnh Hưng Yên, được đầu tư xây dựng, củng cố nâng cấp đê tả sông Hồng (tỉnh Hưng Yên) đoạn từ Km 76+894 đến Km 124+824, có tổng vốn đầu tư là 1.500 tỷ đồng, những đống đất này được đổ lên trên mái đê, đoạn đang bị sụt lún nghiêm trọng tại vị trí từ K81+700- K82+050 đê tả sông Hồng ,thuộc địa phận huyện Văn Giang.
Nhiều tình tiết… “bất thường”?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Hữu, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Hưng yên cho biết: “Hiện nay, Chi cục chưa chấp thuận cho bất kỳ một doanh nghiệp, cá nhân nào được phép đổ đất, cát hay vật liệu xây dựng trên đoạn đê tả sông Hồng nói trên. Chúng tôi mới nhận được quyết định về chủ trương của Bộ cho phép thi công gia cố đoạn đê bị sạt lở, chưa cho phép đơn vị nhà thầu nào thi công”.
.
Phương tiện san lấp sau khi các đối tượng đổ trộm đất thải
Trước đó, ngày 09/05/2017, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã ban hành Công văn số 309/SNN-ĐĐ, do ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở ký, gửi UBND huyện Văn Giang, Công an tỉnh và Sở GTVT tỉnh Hưng Yên về việc đề nghị cho phép phương tiện tham gia xử lý khẩn cấp nứt đê tả Hồng đoạn từ km81+000 đến km82+500, huyện Văn Giang.
Công văn nêu rõ: “Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Văn Giang, Công an tỉnh, Sở GTVT cho phép các phương tiện vận chuyển vật tư, thiết bị có tổng trọng tải không quá 25 tấn lưu thông phục vụ thi công công trình xử lý khẩn cấp đoạn đê tả Hồng đoạn từ km81+000 đến km82+500, huyện Văn Giang, để việc thi công hoàn thành xong trước ngày 30/06/2017 nhằm đảm bảo an toàn đê điều trước mùa mưa bão”.
.
Công văn "lạ" của Sở NN&PTNT Hưng Yên?
Lý giải về Văn bản này, ông Nguyễn Xuân Hữu cho biết: “Đây là "đi tắt đón đầu" để sau khi Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận, sẽ cho thi công phần đê bị sụt lún này, đảm bảo an toàn đê trước mùa mưa lũ”.
Khi phóng viên cung cấp tư liệu chứng minh hàng nghìn m3 đất thải đã được đổ đầy mặt đê, thì ông Hữu có phần giật mình, cho biết bây giờ mới nắm được sự việc. Tiếp đó, ông Hữu mới nhấc điện thoại gọi cho cán bộ cấp dưới để nắm thêm thông tin và cùng phóng viên ra hiện trường để kiểm tra, lập biên bản sự việc.
Điều khó hiểu là, thời gian từ khi được cung cấp tư liệu đến lúc có mặt tại hiện trường chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, nhưng Hạt Quản lý đê đã lập tức tìm ra được đối tượng đổ đất thải. Trước đó, ông Nguyễn Xuân Hữu không hay biết?
Hành vi đổ trộm đất thải đã diễn ra suốt một thời gian, nhưng vì sao cơ quan chức năng huyện Văn Giang không hề hay biết? Điểm đổ đất thải, cách trụ sở Công an huyện không xa, nhưng lại không bị phát hiện, xử lý? Vì sao Công an huyện Văn Giang “né” trách nhiệm “trốn” làm việc với cơ quan báo chí?...
Không biết hay có sự bao che? Xin được nhắc lại rằng: Hành vi đổ trộm đất thải đã diễn ra trong thời gian dài, phương tiện vận chuyển đất thải là ô tô trọng tải lớn, chứ không phải "cây kim" mà có thể giấu được...!
Đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm đối hành vi đổ trộm đất thải nêu trên. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân buông lỏng quản lý, tiếp tay cho các đối tượng ngang nhiên vi phạm.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Nhóm PVĐT
Ơ hay ! Nơi này sống thì nơi kia phải chết . Chất thải kia không đổ đây thì đổ đâu ? Ai biết nơi nào đổ chỉ cho biết với ! Cả nước dần dần hết chỗ đổ rác thải . Đất đai ở đâu cũng đắt hơn vàng . Một cục đất chọi chim còn khó kiếm nói chi một bãi đổ chất thải !
Trả lờiXóa