Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

TƯỞNG NHỚ TS. HOÀNG VĂN LÂU - 9 NĂM NGÀY ÔNG ĐI XA (8.8.2005 - 8.8.2014)


Hoàng Văn Lâu (1940 - 2005)

Cửu niên ở chốn cửu tuyền: 
Tưởng nhớ học giả Hoàng Văn Lâu

Nguyễn Tuấn Cường

1. Số 8 có thể là một con số đẹp, nhưng ngày 8/8/2005 lại là một ngày hung: giới sử học Việt Nam đau buồn tiễn biệt Giáo sư Trần Quốc Vượng (1934-2005) về cõi vĩnh hằng, còn giới Hán Nôm bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột sau một vụ tai nạn giao thông của một cây đại thụ trong ngành Hán Nôm: Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu.

Mới đó mà đã 9 năm!

Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu sinh năm 1940 tại Đông Hưng, Thái Bình. Năm 1965, ông tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Trung văn, Đại học Sư phạm Ngoại ngữ (nay là Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), và được giữ lại trường làm công tác giảng dạy. Năm 1980, ông chuyển công tác về Viện Nghiên cứu Hán Nôm khi ấy vừa được thành lập (tháng 9/1979) trên cơ sở Ban Hán Nôm (1970) thuộc Uỷ Ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Từ năm 1985, ông là Ủy viên Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong suốt thời kì 1988-2001 ông giữ chức Trưởng phòng Tạp chí, đóng góp rất nhiều công sức để xây dựng tờ Tạp chí Hán Nôm trở nên vững mạnh.

2. Được đào tạo chuyên sâu về tiếng Trung Quốc hiện đại, lại có vốn Hán học dày dặn, nên trong quá trình công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu đã phát huy được cả hai sở trường này. Thiết tưởng có thể khái quát những cống hiến khoa học của ông trong 3 lĩnh vực then chốt: văn bản học Hán Nôm, sử học và sử liệu học Hán Nôm, và phiên dịch kim cổ Hán văn.

Văn bản học

Tôi từng may mắn được thụ giáo Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu môn Văn bản học Hán Nôm trong chương trình đại học Hán Nôm hồi năm 2002, cho nên với tôi, ông vừa là học giả tiền bối, vừa là thầy học. Từ hai năm cuối đại học, tôi rất hứng thú với khoa văn bản học, nên thường tranh thủ thời gian nghỉ giải lao để hỏi thầy thêm về lĩnh vực này, bởi trong quá trình tự mày mò sách vở, tôi đã đọc được nhiều bài viết của thầy và người khác về lĩnh vực thú vị ấy. Thầy dường như cũng có phần cảm mến tôi (hẳn một phần cũng do tình đồng hương), nên hay nhắn tôi qua nhà thầy chơi, để có nhiều thời gian nói chuyện. Thầy là người thâm trầm và sâu sắc, nói chậm rãi, tác phong khoan thai và chừng mực. Ở thầy không có dáng vẻ của một người dễ bị cuốn vào thói tục. Có lẽ do tôi tiếp xúc với thầy khi thầy đã ngoại lục tuần chăng?

Thầy nói rằng, trong khoa văn bản học, ngoài việc cặm cụi, tỉ mỉ, chặt chẽ, và đúng phương pháp ra, đôi khi còn phải có cái duyên nữa thì mới tìm ra cách giải quyết một vấn đề văn bản học nào đó. Thư tịch cổ Việt Nam có rất nhiều trường hợp ghi thiếu hoặc nhầm lẫn thông tin về tác giả, tác phẩm, niên đại, mà đôi khi chỉ bằng chứng cứ nội tại của văn bản Hán Nôm nào đó thì không thể làm rõ được. Nhưng rồi trong quá trình đọc rộng ra nhiều văn bản khác, đôi khi nhà nghiên cứu sẽ bắt gặp một vài thông tin hiếm hoi khiến ta liên hệ đến vấn đề văn bản học của văn bản trước. Thầy nói đó là cái duyên, nhưng tôi nghĩ cái duyên đó chỉ đến với người dụng công đọc rộng, đọc sâu, có nghĩa là nhà nghiên cứu phải tự tạo cái duyên đó cho mình.

Với cái duyên “tự tạo” của mình, Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu đã góp công làm rõ nhiều nghi án văn bản học trong nghiên cứu Hán Nôm. Ông tìm ra Lí Văn Phức mới là tác giả đích thực của phần Phụ châm trong sách Gia huấn ca thường được gán cho tác giả là Nguyễn Trãi. Ông chứng minh Trương Quốc Dụng mới là tác giả của hai phần Cổ tích Nhân phẩm trong cuốn Mẫn Hiên thuyết loại vẫn được coi là tác phẩm của Cao Bá Quát. Ông làm rõ tác giả tập thơ đi sứ Mai dịch tâu dư là Ngô Thì Vị (chứ không phải Ngô Thì Đạo hay Ngô Thì Sĩ), viết vào năm 1820 (chứ không phiếm chỉ “khoảng 1820-1821”). Qua tư liệu văn bia, ông tìm ra bản quán của Tăng thống Khuông Việt (Ngô Chân Lưu) là ở thôn Đoài, xã Do Hạ, huyện Kim Hoa, phủ Bắc Hà (địa danh thế kỉ 17-18) mà ở thời Đinh-Tiền Lê có tên là hương Cát Lợi. Ông nghiên cứu một cách chi tiết văn bản Ngục trung nhật kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và chỉ ra những sơ sót và khuyết thiếu trong các bản dịch đã công bố trong quan hệ đối chiếu với bản gốc. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu vấn đề văn bản học của các tác phẩm và tác giả: Hoàng các di văn, Hàn các tùng đàm, Yên thiều thi văn tập, Việt sử cương mục tiết yếu, sự nghiệp trước tác của Đặng Xuân Bảng, Đào Công Chính…

Nhìn lại những nghiên cứu của Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu về lĩnh vực văn bản học, ta thấy ông tập trung vào nhóm văn bản văn học và sử học, và ở cả hai lĩnh vực ấy ông đều có những đóng góp mang tính mẫu mực trong nghiên cứu văn bản học.

Sử học và sử liệu học

Trong lĩnh vực sử học và sử liệu học, Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu đóng cả hai vai trò: nhà nghiên cứu, và dịch giả. Là người nắm vững Hán học, có khả năng tự xử lí văn bản gốc bằng chữ Hán Nôm, nên các công trình nghiên cứu cổ sử của ông thường có một đặc điểm chung là khởi đi từ văn bản gốc, dựa vào các nguồn tài liệu gốc (primary source), chứ không phải tài liệu đã dịch, điều này khiến cho ông vừa tránh được lối bàn suông theo cảm tính, thoát li văn bản, thoát li tư liệu, lại vừa tránh được một số sai lầm trong dịch thuật vẫn còn xuất hiện đâu đó trong các công trình dịch thuật cổ sử.

Ngày nay giới sử học Việt Nam, nhất là cổ sử, thường đọc và trích dẫn Đại Việt sử kí toàn thư, nhưng không phải ai cũng chú ý tới dịch giả. Bản “tân dịch” được tổ chức từ đầu thập niên 1980, dựa theo bản chữ Hán khắc năm Chính Hoà 18 (1697) đời Lê Hi Tông. Nói là “tân dịch” vì trước đó đã có bản dịch của Cao Huy Giu (in đầu thập niên 1970) và bản dịch của Mạc Bảo Thần (in trước năm 1945), nhưng các bản dịch cũ đó đều dịch từ hệ thống văn bản Quốc tử giám thời Nguyễn, có niên đại muộn hơn khá nhiều. Việc tìm lại được bản Chính Hoà đời Lê là một niềm vui lớn đối với giới sử học Việt Nam, cho nên công việc dịch thuật cũng cần phải “chọn mặt gửi vàng”. Có ba nhà Hán học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm được tin tưởng giao nhiệm vụ này: Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, và Ngô Thế Long. Công sức của nhóm dịch giả đã cho ra đời 3 tập sách dịch, trong đó Ngô Đức Thọ dịch tập 1, Hoàng Văn Lâu dịch tập 2, Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch tập 3, phần dịch của Hoàng Văn Lâu chiếm khoảng một nửa độ dài toàn văn bản. Dù đã có các bản dịch trước đó, nhưng dịch giả không để bị lệ thuộc vào bản dịch cũ, mà dịch lại dựa trên văn bản gốc mới tìm được, trên cơ sở tham khảo bản dịch cũ, cộng với việc tra cứu tư liệu tham chiếu để hiểu văn bản và làm chú thích. Chính vì lẽ đó, kể từ lần in trọn bộ năm 1993 tới nay, bản “tân dịch” đã được tái bản nhiều lần, được giới sử học yên tâm sử dụng một cách rộng rãi.

Tương tự, một bộ địa chí đồ sộ thời Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, cũng được Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu dịch lại, bởi dường như ông chưa hài lòng với bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải và Tu Trai Nguyễn Tạo (Sài Gòn, 1960), cũng như bản dịch nhiều tập của Phạm Trọng Điềm đã công bố cuối thập niên 1960 – đầu thập niên 1970 tại Hà Nội. Việc dịch lại dựa trên các bản dịch cũ không có nghĩa là dịch giả không đủ khả năng dịch tác phẩm mới, mà ở đây, nó chỉ chứng tỏ tính cầu toàn trong học thuật và dịch thuật của dịch giả.  

Bộ Lịch triều tạp kỉ do Ngô Cao Lãng biên soạn, Xiển Trai bổ sung, chép sử Việt giai đoạn nửa cuối thế kỉ 17 đến cuối thế kỉ 18. Bộ sử này vốn gồm 6 quyển, nhưng bị thất lạc 2 quyển cuối. 4 quyển đầu đã được dịch giả Hoa Bằng dịch và công bố thành 2 tập năm 1975. Hoàng Văn Lâu đã tìm ra quyển 6 và dịch bổ sung, in chung với phần dịch của Hoa Bằng trong khi tái bản cuốn sách năm 1995. Việc tìm ra quyển 6 đã mở ra hi vọng sẽ tìm được quyển 5, để hoàn thiện diện mạo bộ “tư sử” quý giá này.

Năm 1996, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ với đề tài Khảo sát bộ “Việt sử cương mục tiết yếu” của Đặng Xuân Bảng tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, nội dung nghiên cứu và dịch thuật của luận án này đến năm 2000 đã được in lần lượt thành hai cuốn sách, cung cấp cho giới sử học Việt Nam một tài liệu có giá trị trong nền sử học truyền thống. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên bộ Việt sử cương mục tiết yếu của sử gia Đặng Xuân Bảng được dịch và giới thiệu với bạn đọc.

Về công trình dịch chú cổ sử của ông, còn phải kể đến các bản dịch Trùng san Lam Sơn thực lụcĐại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục đều được in trong cuốn sách Tổng tập Đào Công Chính (NXB Thông tấn, 2006).

Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu còn đặt dấu ấn của mình qua các bài nghiên cứu về sử học truyền thống: quan điểm sử học của Đặng Xuân Bảng; về lối viết truyệntoàn thư trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư; về sự kiện chiến thắng Kỉ Dậu 1789; về quá trình truyền thừa của tư tưởng sử học qua các đời sử gia 3 triều Lê – Tây Sơn – Nguyễn thông qua 3 bộ tổng luận Việt sử: Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung năm 1514 đời Lê, Đại Việt sử kí tiệp lục tổng tự của Quốc sử quán đời Tây Sơn, và Việt sử tổng luận của Viện Tập hiền triều Nguyễn…  

Phiên dịch kim cổ Hán văn

Là người am tường cả tri thức Hán học truyền thống lẫn tiếng Trung Quốc hiện đại, Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu đã góp nhiều công sức cho ngành dịch thuật, kể cả cổ văn và kim văn. Về cổ văn, ngoài việc dịch các bộ cổ sử đã trình bày bên trên, ông còn đặt dấu ấn trong việc giới thiệu, phiên dịch, chú thích hệ thống văn bia thời Lí, văn bia thời Trần, văn bia ở Văn miếu Hà Nội, dịch chung cuốn Hải Nam tạp trứ của Thái Đình Lan. Ông cũng tham gia dịch một số tác phẩm văn học cổ Việt Nam, được in chung vào bộ Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (4 tập, 1997), như Mẫn Hiên thuyết loại của Cao Bá Quát và Trương Quốc Dụng, Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh… Ngoài ra, ông còn là người hiệu đính cho nhiều bản dịch cổ văn của các dịch giả khác. Về phiên dịch kim văn (tiếng Trung Quốc hiện đại), ông là người tuyển dịch các truyện truyền kì đời Đường và đời Tống để giới thiệu thể loại văn học truyền kì Trung Quốc vào Việt Nam trong thời hiện đại. Ông cũng dịch cuốn Chu Dịch và mĩ học của hai tác giả Lưu Kỉ Cương và Phạm Minh Hoa (2002).

Đọc các bản dịch của Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu, dù là dịch văn hay dịch sử, dù là cổ văn hay kim văn, độc giả luôn có cảm giác an tâm, tin tưởng vào chất lượng dịch thuật, bởi dịch giả tôn trọng nguyên bản đúng theo tư tưởng của một nhà văn bản học lành nghề. Giọng dịch cổ văn của ông toát lên vốn Hán học chắc nịch, cũng như vốn tiếng Việt phong phú. Độc giả dễ có cảm giác dịch văn ra văn, dịch sử ra sử, không lẫn lộn về phong cách.

3. Là học trò, và cũng là đồng hương, tôi có nhiều dịp ghé thăm và trò chuyện với thầy Hoàng Văn Lâu. Trong nhiều kỉ niệm với thầy, thì tôi luôn nhớ tới kỉ niệm cùng thầy đi mua sách cũ hồi đầu năm 2003 – mới đó đã hơn 11 năm rồi!

Hồi là sinh viên Hán Nôm (1999-2003), tôi thường dạo mua sách cũ ở nhiều con phố Hà Nội. Khoảng giữa năm thứ tư đại học, tôi vô tình tạt qua một hiệu sách cũ nhỏ bé, nằm trong một con ngõ nhỏ ít người qua lại ở đầu làng Phùng Khoang (Thanh Xuân, Hà Nội), cách nhà thầy chỉ chừng hơn 1 km. Tôi chú ý đến bộ sách dịch Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của triều Nguyễn, bản dịch do nhà xuất bản Thuận Hoá in năm 1993, gồm có 15 tập, hiệu sách có 2 bộ. Chủ hiệu đưa ra một cái giá khá cao ở thời điểm năm 2003, nhất là đối với một sinh viên như tôi. Thêm nữa, tôi chưa biết hết giá trị của bộ sách này, nên gần một tuần sau đó, khi có dịp qua nhà thầy, tôi bèn đem chuyện ra hỏi. Thầy bảo nên mua ngay mỗi người một bộ, vì là sách quý hiếm, nhưng giá thế cũng hơi cao, cần phải cân nhắc xem thế nào, vì cả hai thầy trò đều không phải dư dả gì… Cũng may hiệu sách khá hẻo lánh, nên qua gần một tuần mà hai bộ sách vẫn chưa có ai mua. Chủ hiệu hẳn là rất muốn bán sách, lại thấy hai “bác cháu” nhà kia dường như không mấy mặn mà mua thì phải, nên chỉ đưa ra một cái giá mà cả hai bên đều chấp nhận được, lại còn vui vẻ “khuyến mãi” thêm chút đỉnh bởi bán được cả hai bộ một lúc. Thế là hai “bác cháu” mỗi người được sở hữu một bộ sách quý. “Bác” nhường “cháu” bộ đẹp hơn, nhưng “cháu” nhất định không chịu. Đó là ngày 9/1/2003, cũng là buổi lên lớp cuối cùng của lớp đại học Hán Nôm của tôi.

4. Học giả Hoàng Văn Lâu ra đi đột ngột ở tuổi 65, khi sức viết còn đương độ sung mãn. Chắc hẳn trong tư gia của ông vẫn còn nhiều bản thảo dang dở, chờ được chỉnh lí và công bố. Công việc có ý nghĩa này cần nhờ vào sự hợp tác giữa gia đình dịch giả và cơ quan công tác.

Tôi là học trò của thầy, nhưng trước hết là độc giả của thầy. Trong lúc cảm nhớ tới thầy, tôi mạo muội viết mấy dòng này, hẳn còn nhiều điều sơ sót, hoặc những câu chữ chưa đúng, chưa trúng, mong được người đã “cửu niên ở chốn cửu tuyền” lượng thứ cho!

Hà Nội, mùa Ngâu năm Giáp Ngọ, 8/8/2014
Chín năm ngày Thầy mất.
Nguyễn Tuấn Cường


TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Viện Nghiên cứu Hán Nôm: 30 năm xây dựng và phát triển 1970-2000, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, 2000, mục “Hoàng Văn Lâu”, tr. 215-218.
2. “Tưởng nhớ Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu”, Tạp chí Hán Nôm, số 5/2005, tr. 82-83.
3. Các công trình khoa học của Tiến sĩ Hoàng Văn Lâu.

Thư mục công trình nghiên cứu và dịch thuật 
của TS Hoàng Văn Lâu (1940-2005) 
(chưa đầy đủ)

A. SÁCH NGHIÊN CỨU
1.  Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, 3 tập (đồng soạn giả), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992.
2.  Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san, 4 tập (đồng soạn giả), Đài Loan, 1992.
3.  Văn khắc thời Lí (đồng soạn giả), Viện Viễn Đông Bác Cổ và Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 1999.
4.  Nhà sử học Đặng Xuân Bảng và bộ Việt sử cương mục tiết yếu, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.
5.  Văn khắc thời Trần (đồng soạn giả), Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Đại học Trung Chính (Đài Loan), Đài Bắc, 2002.

B. SÁCH DỊCH KIM CỔ VĂN
6.   Đại Việt sử kí toàn thư, tập II (dịch, chú giải), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tái bản 1993 (sau đó lại tái bản nhiều lần nữa).
7.   Đại Việt sử kí toàn thư, tập III (Hoàng Văn Lâu và Ngô Thế Long dịch, chú giải), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, đã tái bản nhiều lần.
8.   Truyện truyền kì đời Đường (tuyển chọn, dịch, chú giải), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
9.   Lịch triều tạp kỉ (đồng dịch giả), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.
10.    Tuyển tập truyện truyền kì đời Đường Tống (tuyển chọn, dịch, chú giải), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996.
11.    Bia Văn miếu Hà Nội (đồng dịch giả), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.
12.    Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu (Hoàng Văn Lâu dịch, chú giải), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000.
13.    Lưu Cương Kỉ, Phạm Minh Hoa, Chu Dịch và mĩ học (Hoàng Văn Lâu dịch), NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2002.
14.    Cao Bá Quát, Trương Quốc Dụng, Mẫn Hiên thuyết loại (Hoàng Văn Lâu dịch và giới thiệu), NXB Hà Nội, Hà Nội, 2004.
15.    Tổng tập Đào Công Chính (đồng dịch giả), NXB Thông tấn, Hà Nội, 2006.
16.    Thái Đình Lan, Hải Nam tạp trứ (Hoàng Văn Lâu đồng dịch giả), in trong: Trần Ích Nguyên, Thái Đình Lan và tác phẩm Hải Nam tạp trứ, NXB Lao Động, Hà Nội, 2009.
17.    Văn bia thời Lí (đồng dịch giả), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011.
18.    Đại Nam nhất thống chí, 2 tập (dịch giả), NXB Lao động, Hà Nội, 2012.
19.    Vũ Trinh, Lan Trì kiến văn lục (dịch giả), NXB Hồng Bàng, Hà Nội, 2013.
C. BÀI TẠP CHÍ
1.     “Ai viết Gia huấn ca?”, Nghiên cứu Hán Nôm, số 2/1984, tr. 112-120.
2.     “Nhân chú thích ở một bài thơ cổ”, Nghiên cứu Hán Nôm, số 1/1985, tr. 50-57.
3.     “Góp một cách hiểu bài thơ cổ”, Nghiên cứu Hán Nôm, số 2/1985, tr. 53-59.
4.     “Về bài thơ Chu Công phụ Thành Vương đồ của Nguyễn Trãi”, Nghiên cứu Hán Nôm, số 2/1986, tr. 72-79.
5.     “Về đôi kiểu ngắt câu và hiểu ý câu trong văn bản cổ”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1986, tr. 38-42 (bút hiệu Quang Hưng).
6.     “Nhìn lại 4 số Nghiên cứu Hán Nôm vừa qua”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1986, tr. 92-96.
7.     “Hoàng các di văn: Một bộ sưu tập các văn kiện đời Lê có giá trị”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1987, tr. 65-68.
8.     “Về bộ sưu tập văn chương Hàn các tùng đàm”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1988, tr. 40-42+62.
9.     “Thư Quang Trung gửi Thang Hồng Nghiệp”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1988, tr. 75-76.
10.  “Thư của Quang Trung gửi Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1988, tr. 77.
11.  “Về chiến thắng Kỉ Dậu (1789)”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1988, tr. 69-71.
12.  “Về cuộc vận động ngoại giao sau chiến thắng xuân Kỉ Dậu 1789”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1988, tr. 71-75.
13.  “Về văn bản và tác giả Mẫn Hiên thuyết loại”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1989, tr. 34-37.
14.  “Bài văn sách thi Đình của Trạng nguyên Nguyễn Trực”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1989,  tr. 51-55 (bút hiệu Hoàng Hưng).
15.  “Ai viết hai phần Cổ tíchNhân phẩm trong Mẫn Hiên thuyết loại?”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1989, tr. 6-8.
16.  “Vài nét về cuốn sách Nôm Tam thiên tự lịch đại văn quốc âm”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1989, tr. 47-50 (bút hiệu Hoàng Hưng).
17.  “Truyện kí Cao Bá Quát”, Tác phẩm văn học, số 4/1989.
18.  “Về văn bản tập Ngục trung nhật kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1990, tr. 10-18.
19.  “Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1990, tr. 73-79 (bút hiệu Hoàng Hưng).
20.  “Tuyển dịch một số truyện truyền kì ưu tú đời Đường-Tống”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1990, tr. 90-109 (bút hiệu Hoàng Hưng)
21.  “Di sản Hán Nôm tại huyện Kiến Thụy, Hải Phòng”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1992, tr. 77-79.
22.  “Về văn bản bộ Việt sử cương mục tiết yếu”, Tạp chí Hán Nôm, số 4/1994, tr. 32-36.
23.  “Việt sử cương mục tiết yếu: Vài nét về tác giả, tác phẩm”, Tạp chí Hán Nôm, số 3/1995, tr. 21-25.
24.  “Bước đầu kiểm kê lại những tác phẩm của Đặng Xuân Bảng trong kho sách Hán Nôm”, Tạp chí Hán Nôm, số 4/1995, tr. 31-34.
25.  “Đi tìm địa chỉ Ngô Chân Lưu”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1996, tr. 52-54.
26.   “Nhà sử học Đặng Xuân Bảng và phương pháp viết sử tiết yếu”, Nghiên cứu lịch sử, số 2/1997.
27.   “Bài kí khắc trên bia của thôn nhà dựng vào năm Nhâm Tí”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1998, tr. 81-83.
28.  “Cũng là một kiểu so sánh văn học”, Tạp chí Hán Nôm, số 3/1998, tr. 59-63.
29.   “Về một nhân vật lịch sử triều Lí: Lưu Khánh Đàm”, Nghiên cứu lịch sử, số 2/1998.
30.  “Về niên đại và tác giả của tập thơ đi sứ Mai dịch tâu dư”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/1999, tr. 55-57.
31.  “Lối viết Truyện trong bộ sử biên niên Đại Việt sử kí toàn thư”, Tạp chí Hán Nôm, số 3/1999, tr. 50-55.
32.  “Về tác phẩm Yên thiều thi văn tập của Nguyễn Tư Giản”, Tạp chí Hán Nôm, số 3/2000, tr. 38-40.
33.  “Bài minh văn chùa Thiên Phúc đời Lí”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/2001, tr. 80-83.
34.  “Đại Việt sử kí tiệp lục tổng tự: Một bài tổng luận lịch sử đáng chú ý của Quốc sử quán thời Tây Sơn”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/2001, tr. 24-29.
35.  “Ấn tượng buổi ban đầu”, Tạp chí Hán Nôm, số 4/2001, tr. 19-22.
36.  “Bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Phúc đời Lí”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/2002, tr. 67-74.
37.  “Lê Khắc Cẩn: Một tâm hồn thơ, một tấm lòng yêu nước”, Tạp chí Hán Nôm, số 2/2004, tr. 37-41.
D. BÀI IN TRONG KỈ YẾU HỘI THẢO, LUẬN VĂN TẬP  
38.  “Thử tìm hiểu nguyên nhân ảnh hưởng tới hiệu quả diễn đạt khi dịch nghĩa các bài thơ Hán cổ”, Dịch từ Hán sang Việt: Một khoa học, một nghệ thuật, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1982, tr. 238-247.
39.  “Về bài từ ở thế kỉ X”, Một số vấn đề văn bản học Hán Nôm, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1983, tr. 191-211.
40.  “Về mộ chí Thái phó Lưu Khánh Đàm”, Thông báo Hán Nôm học 1996, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 165-171.
41.  “Nhà sử học Ngô Sĩ Liên với lối viết toàn thư”, Phan Đại Doãn chủ biên, Ngô Sĩ Liên và Đại Việt sử kí toàn thư, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 196-211.
42.  “Vài nét về bộ Việt sử tổng luận của Viện Tập hiền triều Nguyễn”, Thông báo Hán Nôm học 1997, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 331-338.
43.  “Về bài thơ khắc trên chuông xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên”, Thông báo Hán Nôm học 1998, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999, tr. 256-259.
44.  “Chùa Hoa Nghiêm và bài văn bia của Thám hoa Giang Văn Minh”, Thông báo Hán Nôm học 2000, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, 2001, tr. 228-231.
45.  “Quốc sử tổng luận: Một bộ tổng luận lịch sử đáng lưu ý”, Thông báo Hán Nôm học 2001, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, 2002, tr. 303-308.
46.  “Đào tạo những chuyên gia giỏi để khai thác di sản Hán Nôm”, Những vấn đề Hán Nôm học, tập I, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2002, tr. 150-158.
47.  “Vài nét về bộ Đại Nam dư địa chí ước biên của nhà sử học Cao Xuân Dục”, Thông báo Hán Nôm học 2002, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, 2003, tr. 313-317.
48.  “Ba bộ Việt sử tổng luận trong nền sử học truyền thống Việt Nam”, Nhìn lại Hán Nôm học thế kỉ XX, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003, tr. 208-226.
49.  “Đào Công Chính với Bắc sứ thi tập”, Thông báo Hán Nôm học 2004, Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Hà Nội, 2005, tr. 314-318.
50.  “Đào Công Chính: Một tác gia quan trọng nửa cuối thế kỉ 17”, Tổng tập Đào Công Chính, NXB Thông tấn, Hà Nội, 2006, tr. 1-10.

(Ghi chú: Danh mục trên chưa đầy đủ, và có thể sai sót, mong nhận được các ý kiến góp ý, bổ sung. Người soạn: Nguyễn Tuấn Cường, tháng 8/2014).

1 nhận xét :

  1. Anh Lâu về noi chín suối ,
    Nơi ấy có bầy tiên nữ mua hát,
    Noi ấy có các bậc hiền triết,
    Nơi ấy có cây xanh bóng mát.

    Anh Lâu vội về vói tổ tiên ,
    Vội bỏ lại vợ hiền, con thảo, trò ngoan.
    Anh Lâu từ giã cõi trần hoàn,
    Đầy bụi bặm truân chuyên.

    Anh Lâu tiếc chi cõi trần,
    Nợ đời anh đã trả,
    Đèn sách cùng chữ nghĩa,
    Anh bỏ lại nhân gian.

    Thôi,
    . Chúc Anh an nghỉ,
    Kẻ phương xa chẳng quen biết,
    Đọc vài hàng tiểu sử,
    Biết anh qua trang Tễu.
    Gởi Anh chút lòng thành
    Theo làn khói que nhang,
    Vĩnh biệt Anh vào Quá Khứ !

    Kính Cẩn,
    Nghiêng Mình ,
    Thân Chào,
    Vĩnh Biệt !

    Trả lờiXóa