TS. Tô Văn Trường
Sự học mở đường cho trí tuệ.
Học hàn lâm, kinh điển là có sách, có thầy, học kinh nghiệm là từ thực
tiễn. Hai sự học nầy gắn kết với nhau tạo thành trí tuệ của con người.
Gắn kết sớm và chặt chẽ thì kinh tế xã hội sẽ phát triển nhanh.
Những người khoa học nông dân
Nông dân là tầng lớp nghèo khổ nhất,
cống hiến hy sinh nhiều nhất cả trong thời chiến và thời bình nhưng cũng
là tầng lớp chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội. Nhiều nông dân
không được học hành tử tế, không bằng cấp nhưng say mê sáng tạo, bỏ cả
tiền túi ra thực hiện hoài bão của mình.
Người nông dân trở thành “Nhà tư vấn” để
Nhà nước hỏi họ “Nên trồng cây gì, nuôi con gì và bán cho ai”? thì họ
phải tự mày mò làm ra công cụ, máy móc …mà họ cần, vì không đủ tiền nhập
khẩu, hoặc có những thiết bị nhập khẩu mà họ sắm không phù hợp với điều
kiện sản xuất của ta. Trong thực tế, nhiều nông dân Việt Nam văn hóa
chỉ cấp 1 nhưng nhờ có trải nghiệm với thực tế, kiên nhẫn, sáng tạo,
thông minh đã phát kiến nhiều thành quả rất đáng trân trọng như làm
giống lúa mới, cải thiện các công cụ cho nông nghiệp, thắp đèn để thanh
long ra trái quanh năm, dùng tời quay và đường ray kéo thuyền trọng tải
nhỏ qua các con đê ở đồng bằng sông Cửu Long, làm hệ thống tưới tiết
kiệm cho cây tiêu (ông Trần Hữu Thắng –Đồng Nai), “thần đèn” di chuyển
những ngôi nhà, ngôi chùa nặng hàng chục tấn (ông Nguyễn Cẩm Lũy- Đồng
Tháp) v.v…
Tuy nhiên, có những sáng kiến của người
nông dân gây nên 2 luồng dư luận khác nhau, ủng hộ và phản đối, điển
hình gần đây là lò đốt rác của ông Bùi Khắc Kiên ở Thái Bình.
Luồng ý kiến ủng hộ
Đi tiên phong cổ vũ, động viên cho thành
quả của ông Bùi Khắc Kiên là loạt bài báo có tít rất kêu đã phê phán
mạnh mẽ các cơ quan chức năng của Thái Bình đã quan liêu, sợ trách
nhiệm, trù dập “phát minh của nông dân” đồng thời ca ngợi “phát minh tầm
cỡ thế giới của ông Kiên” như: Nông dân Thái Bình làm nhà máy điện cạnh
tranh EVN; Thảm cảnh lò đốt rác phát điện: Người Nhật thấy ngọc; Lò đốt
rác ông Kiên địa phương mất, nước ngoài …hưởng ngọc thay; Doanh nghiệp
ca ngợi muốn hợp tác làm lò đốt rác ông Kiên; Lò đốt rác ông Kiên Hải
Phòng triển khai, Thụy Điển để mắt vv…
Được sự hướng dẫn về quy trình thủ tục
của một nhà quản lý khoa học, ông Bùi Khắc Kiên đã làm đơn đăng ký cho
sáng chế của mình đã được chấp nhận là đơn hợp lệ theo quyết định số
31704/QĐ-SHTT ngày 21/6/2012 tại Cuc Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học
& Công nghệ.
Luồng ý kiến phản đối
Luồng ý kiến phản đối lò đốt rác của ông
Kiên tập trung mấy ý chính coi đây chỉ đơn giản là một chu trình rankin
bình thường biến nhiệt năng thành cơ năng và chuyển cơ năng thành điện
năng. Nếu cái máy này ra đời thế kỉ 16- 17 thì quả là một thành tựu của
khoa học. Còn bây giờ thì nó rất khó ứng dụng vì nhiên liệu là rác thu
thập về không được phân loại xử lý gây ra ô nhiễm môi trường tại nơi tập
kết là nhà ông nằm giữa khu dân cư.
Nhiều nhà khoa học quan ngại là việc đốt
rác không đúng quy cách có thể sinh ra dioxin từ sự nhiệt phân các chất
hữu cơ (nhất là các chất nhựa). Ngay cả các lò đốt rác theo quy trình
công nghệ vẫn có thể sản sinh dioxin là chất rất độc hại theo nồng độ
tính bằng phần tỉ. Nó hiện diện trong hóa chất khai quang mà trước kia
quân đội Mỹ phun tràn lan ở miền Nam Việt Nam, gây ra nhiều hậu quả cực
kỳ tệ hại và lâu dài. Vì vậy, quy định về các yêu cầu của lò đốt rác đã
được đặt ra khá chi tiết bao gồm lò cần có 2 giai đoạn đốt sơ cấp và thứ
cấp trong đó buồng đốt thứ cấp cần có nhiệt độ cao trên 1050 độ C và
thời gian lưu là hơn 2 giây để có thể phân hủy hết thành phần này. Lò
đốt rác của ông Kiên chỉ đạt được 01 yêu cầu là cho rác vào là đốt được
mà thôi, không để ý đến vấn đề lọc bụi cho khói, đồng thời có cơ cấu lọc
bụi kiểu thô sơ không để ý đến việc xử lý thành phần độc hại trong
khói. Lò khó vận hành, rất thủ công, không khử được mùi, người vận hành
luôn ở trong môi trường độc hại, khó chịu. Cái lò hơi và sử dụng nhiệt
từ đốt rác để sinh hơi nhưng không biết gì về vận hành an toàn lò hơi,
do đó rất nguy hiểm, dễ gây cháy nổ vv…Phần lò hơi và phát điện vốn vô
cùng phức tạp, đắt tiền và đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu trong nhiều
lĩnh vực, các thông số kỹ thuật được chỉ ra ở các bài báo về nhiệt độ,
điện năng sản xuất đều do ông Kiên cung cấp mà không được kiểm chứng về
mặt nguyên lý.
Phân tích đánh giá khách quan và thực tế
Bản thân người viết bài này cũng xuất
thân từ gia đình nông dân ở Thái Bình nên rất đồng cảm, chia sẻ với ông
Kiên văn hóa chỉ lớp 4 nhưng rất ham mê, sáng tạo kiên trì nghiên cứu lò
đốt rác trong khoảng 6 năm trời với nguồn kinh phí hoàn toàn do tiền
túi còm cõi của gia đình bỏ ra. Ông Kiên là người dám nghĩ, dám làm, chỉ
riêng điều đó cũng rất đáng trân trọng hơn nhiều người được đào tạo,
học hành tử tế.
Để có góc nhìn thật khách quan và khoa
học, tôi đã tìm hiểu và tham vấn nhiều người liên quan, đặc biệt là ý
kiến của tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang là thành viên trong đoàn của Bộ Khoa
học & Công nghệ đã về Thái Bình khảo sát thực tế, đánh giá về lò đốt
rác nói trên, được tổng hợp như sau:
Mô hình lò đốt rác
Mô hình sản xuất điện từ rác thải của
ông Bùi Khắc Kiên gồm 01 buồng đốt rác thải tự chế có cấu tạo hình trụ
tròn đường kính trong khoảng 50cm chiều dày khoảng 15cm. Bên trong lò
được xây bằng gạch chịu lửa, bên ngoài bọc tôn không có cách nhiệt.
Buồng đốt được thiết kế với 01 cửa nhập liệu từ phía trên, 01 cửa nhìn
và nhóm lửa ở phía dưới và 01 cửa ra xỉ ở dưới cùng. Không khí cấp cho
lò là không khí nóng được đi qua bộ sấy không khí tận dụng nhiệt thừa
khói thải thông qua 1 quạt gió để cấp gió vào từ dưới ghi.
Lò được thiết kế với một số lỗ có thể
cho phép các thanh sắt có thể dịch chuyển nhằm giúp cho rác vào không
rơi ngay xuống mặt ghi mà có thể phân bố khắp chiều dài thân lò để công
đoạn sấy được thực hiện dễ dàng. Cơ cấu tích nhiệt của lò sử dụng các
miếng gạch chịu lửa rời giúp lò có khả năng tích lũy lượng nhiệt cao với
nhiệt độ ổn định để có thể đốt các loại nhiên liệu có độ ẩm cao và khó
cháy như các loại rác sinh hoạt ẩm (rau củ quả tươi, giẻ vải ướt v.v…).
Phía trên buồng đốt có lắp đặt 01 lò hơi
được chế tạo bởi một chi nhánh của công ty cổ phần nồi hơi và thiết bị
áp lực Đông Anh có mã hiệu LHT D0,05/15 có công suất sản xuất hơi là
50kg/giờ với áp suất định mức là 15 bar sản xuất hơi bão hòa. Lò hơi có
mục đích tận dụng nhiệt thải ra từ buồng đốt rác thải để sản xuất hơi
cho mục tiêu phát điện. Khói thải sau lò hơi được đi qua bộ sấy không
khí rồi qua một bể sục đến một khay chứa rác dùng rơm ướt nhằm lọc bụi
cho khói lò trước khi thải khói ra ngoài môi trường.
Về cơ cấu phát điện, hơi sinh ra từ lò
hơi được dẫn tới 01 tua bin tự chế mô phỏng theo một số thiết bị quay
hiện có với 1 tầng cánh không có điều chỉnh tốc độ. Tua bin sau đó được
nối với máy phát 3kW của Trung Quốc thông qua bộ đai truyền. Điện sinh
ra từ máy phát được đưa tới các bóng điện sợi đốt 100W để có thể phát
sinh ánh sáng nhằm chứng minh khả năng sinh ra điện từ hệ thống.
Phương pháp thực hiện mô hình
Phương pháp thực hiện mô hình của ông
Kiên chủ yếu là phương pháp thử – sai – sửa- thử lại cho đến khi thành
công. Trong quá trình thực hiện mô hình, các ý tưởng dẫn đến việc chỉnh
sửa, sửa đổi chủ yếu đến từ việc tham khảo các thiết bị tương tự ở các
nơi mà không có thiết kế tổng thể, hợp lý.
Việc đốt rác và sử dụng nhiệt thừa phát
điện theo mô hình của ông Bùi Khắc Kiên là hoàn toàn có thể thực hiện
được về mặt nguyên lý. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn về kiến thức chuyên
môn và nguồn lực thực hiện, mô hình do tác giả dựng lên có những vấn đề
tồn tại như : Việc phát điện chỉ là mang tính trình diễn có thể làm sáng
các bóng đèn sợi đốt. Chất lượng điện ra không đảm bảo về mặt tần số để
có thể sử dụng cho các việc khác. Mô hình được lắp đặt tại nhà nằm
trong khu dân cư thiếu tính an toàn cháy nổ, an toàn lao động và có thể
gây ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Việc phát điện cần được tính toán
trước về mặt công suất để hệ thống mang tính kinh tế khả thi. Nếu công
suất lò đốt rác quá nhỏ, việc phát điện không thực hiện được vì không có
thiết bị thích hợp và không có tính kinh tế khi triển khai.
Tua bin hơi nước
Tua bin hơi nước là thiết bị sử dụng
năng lượng của hơi nước ở áp suất và nhiệt độ cao đi qua một hệ thống
cánh quay để biến đổi thành cơ năng làm quay trục nối với máy phát để
phát điện. Nhìn chung, Tua bin là thiết bị thuộc loại cơ khí chính xác
cao mà Việt Nam chưa chế tạo được. Để phát điện, nhìn chung các tua bin
hơi nước được thiết kế chế tạo với số vòng quay là 3000 vòng/phút rồi
nối với máy phát để có thể phát ra được dòng điện có tần số 50 Hz. Với
tốc độ quay lớn như vậy, tua bin hơi nước cần được chế tạo với độ cân
bằng tốt và độ chính xác thiết bị hết sức cao. Tua bin cũng là thiết bị
đắt tiền. Hệ thống điều khiển tốc độ quay của tua bin là một hệ thống
phức tạp. Các Tuabin cỡ nhỏ cũng có nhưng khó mua.
Tua bin tự chế của ông Kiên là sự mô
phỏng các thiết bị quay kiểu guồng nước, không có tính toán thiết kế mà
chỉ là thử – sai – sửa. Tua bin không có bình ngưng đi kèm, không điều
khiển được tốc độ quay trục, tốc độ quay thấp.
Lò hơi và hệ thống hơi.
Lò hơi và đường ống dẫn hơi được chế tạo
và lắp đặt bởi công ty cổ phần nồi hơi và thiết bị áp lực Đông Anh. Đây
là một cơ sở chế tạo có năng lực và được phép chế tạo các thiết bị áp
lực nên lò hơi và hệ thống ống dẫn hơi là đảm bảo về mặt an toàn thiết
bị. Tuy nhiên, hệ thống lò hơi được bảo quản bằng bông cách nhiệt có bọc
vải bên ngoài và nằm ngoài trời nên với ảnh hưởng của thời tiết có mưa,
bông cách nhiệt bị ướt gây nên tổn thất nhiệt lớn. Một số đoạn ống trần
có khả năng gây bỏng khi tiếp xúc.
Hệ thống giàn dáo được lắp đặt thủ công
bằng tre, ván gỗ không chắc chắn dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xử lý
sự cố nếu cần. Thiết bị được thiết kế với áp suất làm việc là 15 bar
nhưng ông Kiên luôn nói đến việc vận hành lò ở áp suất lên tới 70 cân
(tương đương với khoảng 70 bar). Khi vận hành rất nguy hiểm và có thể
gây mất an toàn khi sự cố nổ lò xảy ra. Việc tận dụng nhiệt thừa từ rác
thải để sinh hơi cũng cần để ý đến tính ăn mòn cao của môi trường khói
thải có nhiều chất gây ăn mòn như khói thải từ rác.
Lò đốt rác thải
Lò đốt rác thải đã có sự để ý đến việc
lọc khói, tận dụng nhiệt thừa khói thải để sấy không khí cấp cho quá
trình cháy trong lò. Hệ thống tích nhiệt có thể giúp cho lò đốt được
những loại rác khó cháy. Tuy nhiên, do chỉ có 01 quạt gió cấp không khí
vào lò nên áp suất trong lò là áp suất dương dẫn đến sự phì lửa ra ngoài
khi đốt gây nguy hiểm. Khói thải cũng dễ dàng bị xì ra ngoài gây ô
nhiễm môi trường xung quanh. Cần có phương án lắp đặt quạt hút khói ở
đầu ra lò nhằm tránh khuyết điểm này.
Khói thải của lò mặc dù được lọc bụi khá
tốt ở cường độ đốt gián đoạn không liên tục nhưng chưa có cơ chế để
loại bỏ các khí thải độc hại sinh ra trong quá trình cháy. Cấu tạo của
lò cũng sẽ dẫn tới nhiều khó khăn trong vận hành trong trường hợp lò
hoạt động liên tục. Khi đó người vận hành sẽ gặp khó khăn hơn trong việc
lấy nước bẩn của quá trình lọc bụi ra và lấy ra khay rác vốn được đưa
vào lò với mục đích lọc bụi.
Thay cho lời kết
Những người khoa học nông dân như ông
Bùi Khắc Kiên rất đáng quý trọng vì năng nổ, dám nghĩ, dám làm với mục
đích góp phần vào sự nghiệp phát triển những cơ cấu ứng dụng trong đời
sống kinh tế, xã hội cho đất nước. Đặc biệt là nông dân Nam bộ thì càng
có ý chí tự lực, tự cường trên “con đường Thiên lý” về phương Nam mưu
sinh.
Về lò đốt rác để phát điện đâu phải là
chuyện mới, mọi thông số tính toán và thiết kế của ông Kiên thì chỉ toàn
là … áng chừng. Những khiếm khuyết tồn tại trong lò đốt rác của ông
Kiên là điều dễ hiểu cho nên rất cần các nhà khoa học chuyên ngành và
nhà quản lý có trách nhiệm hợp tác, phối hợp khắc phục những khiếm
khuyết, giúp đỡ, kết hợp luận cứ khoa học và thực tiễn, tiến hành thử
nghiệm để nếu thành công có thể đưa sáng chế đi đúng hướng, tạo ra những
sản phẩm có ích cho xã hội.
T.V. T
Ở cái nước mình, tri thức hàn lâm cứ đi đường hàn lâm, thực tế cứ đi đường của thực tế.
Trả lờiXóaVì sao vậy? Vì lối học hàn lâm chỉ để đổi lấy bằng cấp, và từ bằng cấp đổi lấy địa vị, danh hiệu,... Cho nên cái gọi là hàn lâm thực chất là một mớ giáo điều, hoặc là gốc thì khoa học đấy nhưng do "nhà khoa học" của ta chỉ sao chép, được viết thành luận văn, in thành sách dày cộp nhưng tác giả của nó thực ra không hiểu, không thể áp dụng vào thực tế. Cho nên nói là hàn lâm chứ thực ra chưa phải hàn lâm.
Còn người lao động thì, do nhu cầu cuộc sống đặt ra, mà phải mò mẫm để tự giải quyết. Kết quả là có những sáng tạo rất đáng nể nhưng không thường hoàn hảo. Và điều đáng chú ý nhất là giớii khoa học "hàn lâm" dựa vào vài thiếu sót đó để chê bai, dè bỉu rồi phủ định luôn. (Họ không đủ tầm để nhận ra hay sợ lung lay cái ghế "khoa học" của họ? Có lẽ cả hai)
Bài viết này khách quan nhiều luận cứ khoa học thuyết phục
Trả lờiXóaChẳng biết, các vị cựu giáo sư, giáo sư, tiến sỹ, trong ban lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN (lãnh đạo và GS Tiến sỹ ngành Hóa: Đặng Vũ Minh), đã làm được gì, trong thực tế ? Có thì công bố hiệu quả kinh tế ch công luận biết!
Trả lờiXóaNếu đã không làm được gì, thì xin xóa bỏ nó đi!
Hay là, sống theo điều 4 hiến pháp, lại phải chờ "lực lượng lãnh đạo nhà nước và XÃ HỘI" đồng ý ?
Cái gì cũng phải XIN PHÉP "lực lượng lãnh đạo nhà nước và XÃ HỘI", chán mớ đời!