Lại bàn về bài học từ Hiến pháp 1946
Bùi Ngọc Sơn
22/09/2011
11:23
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sửa đổi hiến pháp, nhiều học giả
và một số nhà hoạt động chính trị đề nghị kế thừa những giá trị của Hiến pháp
năm 1946 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bài viết này bàn về cơ sở của
những giá trị đó và gợi mở một số điều cho tương lai sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam.
1.Điều gì làm nên giá trị của Hiến pháp 1946?
Những
giá trị nội dung của bản Hiến pháp 1946 có thể được tóm lược ở mấy điểm sau
đây: nguyên tắc chủ quyền lập hiến thuộc về nhân dân; phân công quyền lực mạch
lạc giữa ba cơ quan Nghị viện nhân dân, Chính phủ, và Tòa án; những hình thức
kiểm soát quyền lực như chế độ bất tín nhiệm Nội các, chế độ phủ quyết tương
đối các luật của ngành lập pháp; chế độ tư pháp độc lập; các dân quyền cơ bản.
Tại
sao bản Hiến pháp 1946 lại có thể đạt được những giá trị như vậy? Một số ý kiến
có thể cho rằng điều này bắt nguồn từ chỗ bản hiến pháp được soạn thảo bởi
những con người ưu tú của dân tộc vào thời điểm đó dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh-
Chủ tịch Ủy ban Dự Thảo Hiến pháp. Điều này có phần đúng, nhưng có những lý do
có tính chất bản chất hơn.
Một
bản hiến pháp thành văn, nếu thực sự chính đáng, không gì hơn là sự biểu đạt
thành ngôn ngữ của luật cơ bản một trật tự, một trạng thái và những mong muốn
thực tế của một cộng đồng chính trị. Hơn một trăm năm trước đây, GS Christopher
Tiedeman (1857-1903), một nhà hiến pháp học kinh điển của nước Mỹ, đã cho rằng:
“các hiến pháp chỉ hiệu quả khi các nguyên tắc của nó cắm rễ trong đặc tính của
quốc gia, và do đó, là một sự phản ánh trung thành của ý chí quốc gia.”[1]
Tiedeman gợi lại rằng lịch sử nhân loại không thiếu những trường hợp hiến pháp
được áp đặt một cách tùy tiện lên người dân và do vậy không hiệu quả do không
phản ánh những mong muốn thực sự của người dân. Để minh chứng, nhà hiến pháp
học này đưa ra trường hợp Locke soạn thảo hiến pháp cho người Carolinas
mà những nguyên tắc của nó không phù hợp với người bản địa và trường hợp
Napoleon Bonaparte soạn thảo hiến pháp cho những vùng chiếm đóng[2].
Trên cơ sở nguyên tắc chung đó, chúng tôi cho rằng
điều thực sự tạo nên giá trị của Hiến pháp 1946 chính là ở chỗ bản hiến pháp
này phản ánh một cách trung thành trạng thái chính trị và những nhận thức, mong
muốn của người dân Việt Nam vào thời điểm đó về những giá trị hiến pháp dân
chủ, mà điều này đến lượt nó là kết quả của cả một quá trình vận động hiến pháp
lâu dài gần 40 năm của các khuynh hướng khác nhau trước khi bản hiến pháp được
ban hành vào ngày 09 tháng 11 năm 1946. Dưới đây, chúng tôi sẽ giải thích cụ thể
luận điểm này.
Từ những năm đầu của thế kỷ 20 cho đến trước khi bản
Hiến pháp 1946 ra đời, Việt Nam chứng kiến những cuộc thảo luận về hiến pháp và
tương lai của hiến pháp ở quốc gia có lẽ đa dạng và sôi nổi chưa được lập lại
có cho đến lúc này. Thông qua những cuộc thảo luận này, những giá trị của chủ
nghĩa hợp hiến (constitutionalism) hiện đại được du nhập vào Việt Nam, khơi dậy
những nhận thức, mong muốn trong nhân dân và thúc đẩy những vận động thực tế về
các giá trị hiến pháp dân chủ.
Nửa đầu thế kỷ 20, khi Việt Nam còn là một nước thuộc
địa-nửa phong kiến, chủ nghĩa hợp hiến hiện đại đã được du nhập mạnh mẽ
vào Việt Nam bắt nguồn từ những sự ảnh hưởng khác nhau. Trước tiên đó là sự ảnh
hưởng từ những cuộc cải cách hiến pháp ở những quốc gia đồng văn như Nhật Bản
và Trung Quốc. Cuộc cách mạng Minh Trị (1868-1898 ) trong vòng 30 năm đã chuyển
Nhật Bản từ một tập hợp của các vương quốc phong hiến phi tập trung thành một
nhà nước tư bản hiện đại. Xét về mặt chính trị và pháp lý, nó đã thiết lập một
chính quyền hợp hiến có nhiều điểm tiếp cận với những nguyên tắc căn bản của
chủ nghĩa hợp hiến phương Tây hiện đại. Vào thời điểm diễn ra cách mạng Minh
trị, những người yêu nước Việt Nam còn đang phải vật lộn với những cuộc khởi
nghĩa sớm thất bại như phong trào Cần Vương nên chỉ có những ý tưởng lờ mờ về
duy tân Nhật Bản. Phải đến khi Nhật chiến thắng trong chiến tranh Nga- Nhật
(1904-1905), người Việt yêu nước mới bừng tỉnh về sức mạng của hiện đại hóa
trong việc gìn giữ độc lập. Điều này dẫn đến sự quan tâm của người Việt yêu
nước đối với duy tân Nhật Bản nói chung và Hiến pháp Minh Trị nói riêng.
Cùng với duy tân Minh Trị, cách mạng Trung Quốc cũng
đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người Việt yêu nước tìm đến những
giá trị hiện đại, gồm cả các giá trị hiến pháp. Họ đặc biệt hứng thú với Cuộc
cách mạng 100 ngày dưới sự lãnh đạo của Khang Hữu Vi, Cách mạng Tân Hợi của Tôn
Trung Sơn, và cải cách hiến pháp dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Lương Khải Siêu.
Cánh mạng Nhật Bản và Trung Quốc thúc đẩy người Việt
yêu nước hồi đầu thế kỷ trước tìm đến Tân thư, những sách chứa đựng những kiến
thức mới, gồm cả các kiến thức về hiến pháp, chính trị, luật pháp, được du nhập
vào Nhật Bản, tràn sang Trung Quốc, rồi từ kênh này vào Việt Nam qua những
cảnh Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, nơi có đông đảo Hoa kiều và có cả những đoàn
thể cách mạng Trung Quốc.[3] Thông qua làn sóng Tân thư, những tác phẩm quan trọng
của chủ nghĩa hợp hiến phương Tây như Tinh thần pháp luật của
Montesquieu và Khế ước xã hội của Rousseau đã được người Việt yêu nước đón
nhận nồng nhiệt, với nhan đề được dịch lúc đó là Vạn pháp tinh lý và Xã ước.
Cũng thông qua Tân thư, người Việt yêu nước ý thức được sự thực hành của chính
quyền hợp hiến ở các quốc gia Âu Mỹ và sự đang mở rộng của nó ở các quốc gia
Phương Đông.
Hơn nữa, vào đầu thế kỷ XX, việc giao lưu văn hoá
được phát triển, mở ra điều kiện cho nhiều nhà trí thức Việt Nam đi nước
ngoài, từ những nước phương Đông sớm có chính quyền hợp hiến như Nhật
Bản hoặc đang tranh đấu cho chính quyền hợp hiến như Trung Quốc đến những
nước là quê hương của chính quyền hợp hiến như Pháp, Mỹ. Phan Bội Châu đã đi
Hồng Công rồi sang Nhật Bản, mở ra phong trào Đông Du. Phan Châu Trinh cũng sang
Hồng Công rồi từ đó cùng Phan Bội Châu sang Nhật Bản, và sau sang Pháp 14 năm.
Hồ Chí Minh cũng có nhiều năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, tận mục sở thị
thực tiễn của các chính quyền hợp hiến ở Pháp, Mỹ. Nhiều trí thức đến nước
Pháp du học: Nguyễn An Ninh tốt nghiệp cử nhân luật học Đại học
Sorbonne, Paris, 1920; Phan Văn Trường đỗ tiến sĩ luật học tại Pháp; Luật
sư Phan Anh cũng đã chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ luật học ở Pháp năm
1938 do Thế chiến thứ nhất bùng nổ nên phải về nước. Một số người khác
cũng đến Pháp trong một số hoạt động khác: Nguyễn Văn Vĩnh sang Pháp dự hội
nghị đấu xảo Marseille năm 1906; Phạm Quỳnh cũng đã sang Pháp dự triển
lãm năm 1922.
Trên những cơ sở đó, chủ nghĩa hợp hiến đã được
tiếp thu ở Việt Nam bởi nhiều phong trào, nhiều tổ chức. Có thể phân loại
những nhân vật và tổ chức đóng góp vào các cuộc thảo luận về hiến pháp và
truyền bá chủ nghĩa hợp hiến vào Việt Nam nửa đầu thế kỷ trước thành 7 nhóm
sau: (1) Những nhà nho yêu nước hay là những trí thức truyền thống như Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cùng các tổ chức, phong trào do họ lãnh
đạo hoặc ảnh hưởng trực tiếp như Đông Du (1904 - 1909), Duy Tân (1906 - 1908), Đông
Kinh Nghĩa Thục (1907); (2) Những trí thức Tây học có khuynh hướng dân tộc
như Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường và các tờ báo dưới sự ảnh hưởng của họ như
La cloche fêlée [1923-1926] và L’Annam [1926-1928], Phan Anh và nhóm Thanh
Nghị; (3) Những người thân Pháp như Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí
[1913-1919], Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí [1917-1933], Bùi Quang Chiêu và
Đảng lập hiến ở Nam Kỳ; (4) Những người cộng sản như Hồ Chí Minh và Đảng Cộng
Sản; (5) Những nhà văn như Nguyễn Tường Tam và nhóm Tự lực Văn Đoàn; (6) Những
người có nguồn gốc hoàng triều như Cường Để, Bảo Đại; (7) Những nhà hoạt động
tôn giáo như Huỳnh Phú Sổ và Phật giáo Hòa Hảo[4].
Thông qua sự vận động đa dạng của các cá nhân, các tổ
chức nói trên, những nội dung cơ bản của chủ nghĩa hợp hiến được du nhập
vào Việt Nam.
Những bài viết, các cuộc thảo luận và các cuộc vận động của họ đã khơi dậy nhận
thức và mong muốn của người Việt về những giá trị căn bản của một trật tự hợp
hiến hiện đại như: hiến pháp thành văn, chủ quyền nhân dân, dân quyền, phân chia
quyền lực, và tư pháp độc lập. Đặc biệt, có thể kể ra đây sự ảnh hưởng của
những tư tưởng hiến pháp trong “Tân Việt Nam” (1907) của Phan Bôi Châu; “Dân
trị và Quân trị chủ nghĩa” (1925) của Phan Châu Trinh; Diễn văn đọc trước Viện
dân biểu Trung Kỳ ngày 1/10/1928 của Huỳnh Thúc Kháng; thơ văn của Đông Kinh
Nghĩa thục (tiêu biểu là “Văn minh Tân học sách”); “Bản án Chế độ Thực dân
Pháp”(1925-1926), “Việt Nam Yêu Cầu Ca”(1922), và “Tuyên ngôn Độc lập” (1945)
của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh; Các bài viết của Phan Anh trên Tạp chí Thanh
Nghị từ 1942-1945, tiêu biểu có thể kể đến như “lập hiến”, “vấn đề đại diện chính
trị”, “chính thể tổng thống”, “dân quốc và Hiến pháp Trung Hoa”.
Mặc dù chủ trương hiến pháp của các cá nhân, tổ chức
và các phong trào nói trên rất khác nhau (Phan Bội Châu lúc đầu ủng hộ quân chủ
lập hiến, sau chuyển sang cộng hòa lập hiến; Phan Châu Trinh trước sau vẫn là
“thủ xướng cộng hòa”; Hồ Chí Minh chủ trương chế độ dân chủ nhân dân, Phan Anh
lại có khuynh hướng về chế độ Tổng thống…), nhưng điểm gặp nhau giữa họ là Việt
Nam cần phải thoát khỏi lối cai trị độc đoán kiểu thực dân- nửa phong kiến và
xác lập một chính quyền hợp hiến hiện đại. Về mặt hiệu quả, không phải tất cả
các kế hoạch hiến pháp của họ đều được hiện thực hóa, nhưng họ đều thành công ở
điểm: đóng góp vào việc đánh thức mấy mươi triệu đồng bào đang trong vòng nô lệ
những ý niệm và mong muốn về một chính quyền hợp hiến mà thế giới và các quốc
gia “đồng văn đồng chủng” đã phát triển và đang thực hành, và do vậy thúc đẩy
những nỗ lực của đồng bào tranh đấu cho một trật tự chính trị-pháp lý như thế.
Hệ quả là, vào thời điểm trước khi Hiến pháp 1946 ra
đời, người Việt về cơ bản đã nhận thức và mong muốn sâu sắc về những nguyên tắc
căn bản của một chính quyền hợp hiến hiện đại để thoát khỏi gông cùm của
chế độ cai trị độc đoán thuộc địa- nửa phong kiến. Trong tâm thức của người
Việt bấy giờ ngự trị một cách phổ biến những ý niệm và mong muốn thực tế về
“hiến pháp”, “dân chủ”, “dân quyền”, và “cộng hòa.” Do vậy, sự ra đời của Hiến
pháp 1946 có thể coi là một sự định chế hóa những nhận thức và nguyện vọng phổ biến
đó của quốc dân.
Tóm lại, có thể rút ra rằng bối cảnh chính trị tự do
cho phép những xu hướng chung, nhận thức chung, và nguyện vọng chung của quốc
dân về các giá trị của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại được phán ánh trong các cuộc
thảo luận chính thức về soạn thảo hiến pháp của Ủy ban dự thảo hiến pháp và
Quốc hội lập hiến. Điều đáng ghi nhận đối với những nhà thảo hiến 1946 là ở
chỗ: họ đã biểu đạt những nhận thức chung và nguyện vọng chung của xã hội được
hình thành trong gần 40 năm dưới dạng một văn bản đơn hành với ngôn ngữ pháp lý
đặc trưng của luật hiến pháp.
2. Ý nghĩa đối với Sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay
Cuộc cải cách hiến pháp sắp tới là một cuộc đối thoại
giữa Nhà nước và Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cuộc đối thoại sẽ đi đến
đâu tùy thuộc một phần lớn vào việc mức độ xác lập những nhận thức chung và
nguyện vọng chung trong Nhân dân về những giá trị hiến pháp.
Điều này lại tùy thuộc một phần không nhỏ vào vai trò
của trí thức trong nước, các định chế giáo dục và học thuật, các phương tiện
truyền thông trong việc thức nhận xã hội về những giá trị hiến pháp mà cộng
đồng thế giới và khu vực đang chia sẻ, đồng thời xã hội Việt Nam cũng thực sự
mong muốn. Trong số những giá trị đó, có một số giá trị cổ điển đã được phản
ánh trong hiến Pháp 1946 như chủ quyền lập hiến thuộc về nhân dân hay dân quyền
căn bản. Tuy nhiên, có những giá trị được ổn định về sau trong tiến trình phát
triển của hiến pháp thế giới mà Hiến pháp 1946 chưa phản ánh, như Tòa án hiến
pháp.
Để đóng góp vào quá trình thức nhận xã hội đối với
các giá trị hiến pháp hiện đại, trí thức Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các nhà
luật học, luật sư, sẽ rất cần sự tiếp tục khí phách tranh đấu cho các giá trị
hiến pháp của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh
Thúc Kháng, Phan Anh, Vũ Đình Hòe... Các định chế giáo dục- học thuật, đặc biệt
là các trường luật, sẽ rất cần sự tái sinh của tinh thần Đông kinh Nghĩa thục.
Các phương tiện truyền thông cũng sẽ cần tiếp nối những nỗ lực của Tiếng Dân hay
Thanh Nghị.
Theo Tạp chí Tia Sáng
---
[1] Christopher Tiedeman, The Unwritten Constitution of the United States: a Philosophical Inquiry into the Fundamentals of American Constitutional Law (New York: William S.Hein& Co., Inc, 1974), p 18.
[1] Christopher Tiedeman, The Unwritten Constitution of the United States: a Philosophical Inquiry into the Fundamentals of American Constitutional Law (New York: William S.Hein& Co., Inc, 1974), p 18.
[2] Như trên, p.20.
[3] Xem, Trần Văn Giàu, Sự phát triển của Tư tưởng ở
Việt Nam,
Tập II (Hà nội: NXB Khoa học xã hội, 1973), tr.26.
[4] Sự phân loại là của chúng tôi. Chi tiết hơn về
hoạt động của các cá nhân và tổ chức này, xem: Phan Đăng Thanh, Tư tưởng Lập
hiến Việt Nam
nửa đầu Thế kỷ 20 (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2006).
Bài viết rất hay.
Trả lờiXóa