Trước hết tôi phải xin lỗi vì cái tựa đề nghe như khẩu hiệu của Đảng có thể gây lầm tưởng là tôi cổ vũ tinh thần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thực ra đối tượng mà tôi muốn nói ở đây lại là Trung Quốc.
Nếu thế thì chắc có người cho rằng phải để tựa là ‘quyết chiếm Biển Đông’ mới đúng. Nhưng cũng vì chữ ‘chiếm’ này mà tôi đã bị phản ứng rất gay gắt.
Nước cờ cao
Suốt mấy ngày qua dân tình trong nước sục sôi với câu chuyện hộ chiếu của người láng giềng phương Bắc thòng chiếc lưỡi lỗ mãng xuống liếm gần hết Biển Đông.Nước cờ này tuy mạo hiểm nhưng đã được tính toán kỹ trong ván cờ Biển Đông mà cao thủ Bắc Kinh đang buộc Hà Nội và Manila phải chơi theo ý họ.
Xét cho cùng đây cũng là một bước đi logic của chính quyền Trung Quốc.
Trên chuyến bay của hãng Air China đi Bắc Kinh để tường thuật về Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi đã phát hiện cơ man những chiếc lưỡi bò như thế.
Tạp chí của hãng để trước mặt hành khách có rất nhiều bản đồ Trung Quốc, và trên mỗi bản đồ này, dù lớn hay nhỏ, người ta đều không quên đính kèm một cái lưỡi bò.
Cái lưỡi đứt chín đoạn với chấm chấm bên trong giờ đây đã trở thành một phần không thể tách rời cái bụng phình to của đại lục.
Một khi cái lưỡi này đã xuất hiện trên mỗi bản đồ Trung Quốc thì không có lý do gì nó lại không có mặt trên những tấm bản đồ cuối cùng trên hộ chiếu.
Chính vì thế mà hộ chiếu lưỡi bò là một bước đi logic của Bắc Kinh. Từ 10 triệu sẽ có ngày có đến cả tỷ cái lưỡi bò nhan nhản tỏa đi khắp nơi trên thế giới.
Cá tươi Điếu Ngư
Ngày đầu tiên ở Bắc Kinh, bước ra khỏi khách sạn tôi nhìn thấy đối diện bên kia đường có một bảng điện tử liên tục chạy chữ bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Câu tiếng Anh dịch ra là ‘Điếu Ngư Đảo là của Trung Quốc’.Bảng điện tử đó là của một công ty lữ hành mà lý ra phải chạy các thông tin chào tour.
Trên tờ báo nhiều ‘ân oán’ với Việt Nam là Hoàn cầu Thời báo tôi nhìn thấy tấm ảnh chụp một sạp cá trong một khu chợ ở Bắc Kinh căng một tấm biển trắng ghi dòng chữ rõ to được dịch sang tiếng Anh là: ‘Đây là cá tươi mới đánh bắt ở Điếu Ngư’.
Tôi tin cả bảng điện tử lẫn băng rôn đều là việc làm tự phát tự giác của người dân chứ chính quyền chẳng hơi đâu sai bảo những việc chả ảnh hưởng gì đến quyền cai trị của họ.
Cá ‘Điếu Ngư’ thì được tung hê như thế, còn cá ‘Tam Sa’ thì sao?
Câu trả lời có ngay: trang web chính thức của Đại hội 18 cũng tranh thủ quảng bá một phóng sự ảnh về ‘Tam Sa’.
Tôi nhìn thấy những ngư phủ sạm đen nắng gió trưng ra những con cá to bằng cả thân người họ vừa bắt được.
Có lẽ cá ‘Điếu Ngư’ mới là hàng độc cần phải rao, còn cá ‘Tam Sa’ đã là ‘chuyện thường ngày ở huyện’.
Không những mắt thấy mà chính tai tôi cũng đã nghe (dù qua phiên dịch) những thường dân Bắc Kinh nói về ‘chủ quyền’ của họ.
Có những người đã đồng ý trả lời nhưng lại đổi ý ngay khi biết một người Việt Nam lại đi hỏi chuyện về ‘Tam Sa’.
Tuy nhiên, những ai chịu nói đều thể hiện một niềm tin chắc như đinh đóng cột rằng ‘Tam Sa’ và ‘Nam Hải’ là của Trung Quốc. Không có gì phải bàn cãi!
‘Thảo dân’ lên tiếng
Bà Dương Quế Linh, 35 tuổi, tiểu thương bán rau cải ở Quận Hải Điến mặc dù lúc đầu khăng khăng không biết gì về chính trị nhưng trước sự nài nỉ của chúng tôi cuối cùng bà cũng phát biểu:“Cái gì thuộc về Trung Quốc thì là của Trung Quốc. Với tư cách là công dân Trung Quốc, tôi hy vọng chính phủ sẽ dùng hết sức để lấy lại phần lãnh thổ thuộc về Trung Quốc.”
Và nữa:
“Vấn đề tranh chấp Điếu Ngư Đảo và tranh chấp Tam Sa đều quan trọng như nhau. Đây không phải là vấn đề bình thường. Đây là vấn đề liên quan đến lãnh thổ quốc gia.”
Lời lẽ của một chị bán rau nghe như giọng điệu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao!
Thể theo yêu sách đòi đến 80% Biển Đông của Trung Quốc thì một quốc gia biển như Việt Nam thành ra không có biển. Trước sự hùng hồn của bà Dương, tôi xoáy sâu vào điểm này mà tôi cho là không thuyết phục rõ ràng trong yêu sách đường chín đoạn để xem người dân Trung Quốc nói sao.
Anh Tăng Vũ, 24 tuổi, nghiên cứu sinh ngành chế tạo xe hơi mà chúng tôi ‘chộp’ được tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, có câu trả lời còn bất ngờ hơn:
“Thật sự tôi cũng không quan tâm lắm đến con số cụ thể nhưng nếu nói con số 80% là quá đáng thì đáng lẽ ra phải là 100% mới đúng vì biển đó là của Trung Quốc.”
“Tôi nghĩ Trung Quốc cần phải dùng biện pháp cứng rắn để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, không thể tiếp tục nhượng bộ vì như thế Trung Quốc sẽ thiệt thòi.”
Tuy nhiên sau những lời lẽ ‘quá nhiệt huyết’, anh Tăng có phần đấu dịu:
“Mỗi người đều có lòng yêu nước, đều yêu đất nước của mình. Bản thân bạn cũng thế. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề hiện tại. Chúng ta nên nhìn về lâu dài. Giữa các quốc gia với nhau cần phải tìm hướng giải quyết để cùng nhau phát triển.”
Anh Tăng Vũ chính là người đã phản ứng quyết liệt với người phiên dịch của tôi khi cô dùng chữ Trung Quốc ‘chiếm đoạt’ 80% Biển Đông mà tôi đã đề cập ở đầu bài.
Một sinh viên khác, họ Giả, 25 tuổi, cùng trường và đang học sau đại học ngành Quang học, tỏ ra khá mềm dẻo với điều kiện ẩn danh.
“Đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ thì số liệu không thể hiện được sự chính xác thông tin. Có thể thấy được một bên nhiều hơn một bên ít hơn nhưng số liệu có được cũng có lý riêng của nó.”
“Cá nhân tôi mong muốn hòa bình song song với lãnh thổ được nguyên vẹn không xảy ra tổn thất gì. Chính phủ với tư cách là đại diện của người dân phải xem xét và quyết định làm sao cho đạt được nguyện vọng của người dân.”
Người bạn phiên dịch của tôi, một du học sinh Việt Nam ở Bắc Kinh đã ba năm, cho biết kể từ khi bùng nổ vụ Điếu Ngư, người dân Trung Quốc dồn tất cả căm hờn vào Nhật Bản và gần như quên Việt Nam.
Vấn đề là tại sao một hòn đảo bỏ hoang lại có thể khuấy động tinh thần của người dân Trung Quốc hơn một vùng biển chiến lược có lợi ích dồi dào.
Nếu xem ‘Điếu Ngư’ là cái bánh khó nhằn còn ‘Nam Hải’ là miếng ngon trước sau gì cũng nuốt trọn thì câu trả lời sẽ rõ.
Ít ra đây cũng là ý kiến của ông Vương Gia Tường, 72 tuổi, một kỹ sư đã về hưu.
“Vấn đề tranh chấp Điếu Ngư Đảo tương đối khó khăn,” ông trả lời tôi, “Nhưng một khi đã giải quyết được Điếu Ngư thì vấn đề Tam Sa sẽ dễ dàng giải quyết.”
Rõ ràng hộ chiếu mới của Trung Quốc có đính kèm lưỡi bò nhưng lại không dám động đến ‘Senkaku’ nên Tokyo cho qua không nói gì.
Tôi đã soi rất kỹ trên các bản đồ trong các sách vở của Trung Quốc để tìm dấu vết của ‘Điếu Ngư’ nhưng cũng không hề thấy đánh dấu.
Có thể thấy rằng với Tokyo tuy Bắc Kinh có lớn tiếng nhưng vẫn vừa đi vừa ngó chừng. Trong khi đó, đối với Hà Nội và Manila Bắc Kinh sẵn sàng ra mặt bặm trợn.
Đây có lẽ vận vào ý ‘dễ trước khó sau’ mà giới lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra cho chiến lược biển đảo của họ chăng?
Không có đường lui
Thế thì nếu cả Tokyo, Hà Nội và Manila có cùng hành động gây sức ép cùng một lúc thì tôi tự nhủ Bắc Kinh sẽ như thế nào?Có lẽ họ sẽ phải vất vả chống đỡ, nhưng dù thế nào chăng nữa thì trước áp lực quyết liệt của dân chúng tôi cho rằng khả năng Trung Quốc lui bước trên Biển Đông là hoàn toàn không có chứ đừng nói là rất ít.
Cũng sẽ có những lúc nhà cầm quyền Bắc Kinh càng phải tỏ ra cứng rắn trong vấn đề chủ quyền nếu họ cần tranh thủ sự ủng hộ của người dân.
Ý chí quyết liệt của người dân hòa với mưu tính của nhà cầm quyền khiến Bắc Kinh ở vào tư thế chỉ có thể tiến chứ không thể lùi trên vấn đề ‘Nam Hải’.
Muốn hoàn thành bá nghiệp Trung Quốc phải vươn ra biển. Như thế trước hết phải có ‘ao nhà’. Cho nên có thể nói Biển Đông là chiếc chìa khóa Trung Quốc quyết phải nắm mà nếu mất thì cũng tan tành giấc mộng mà đời đời đất nước Trung Hoa luôn ấp ủ.
Chưa kể danh dự một nước lớn. Nếu tuyên bố chủ quyền mà cuối cùng lại để mất vào tay nước nhỏ thì chẳng mất mặt lắm sao?
Cho nên dù tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông có thể bị xem là ‘vô lý’ nhưng chính phủ họ lại rất tự tin với điều ‘vô lý’ đó.
Tự tin vì họ biết họ phải nắm Biển Đông bằng mọi giá. Tự tin vì họ đang và sẽ có đủ tiềm lực để thực hiện điều đó.
Sự tự tin này cũng có thể thấy với hộ chiếu lưỡi bò. Một bước đi rủi ro nhưng họ rất mạnh dạn chứng tỏ họ đã lường trước tất cả hệ lụy.
Thách thức cao ngất
Khoan bàn đến lý lẽ của mỗi bên, khoan so về tương quan lực lượng mà chỉ dừng lại ở tinh thần bảo vệ ‘chủ quyền’ của người dân Trung Quốc, tôi thấy đã là một ngọn núi cao ngất đối với Hà Nội.Đó là niềm tin từ gan ruột của họ, bất kể có lý hay phi lý. Đó là sự tự giác bảo vệ chủ quyền đến mức cực đoan. Đó là sự lan tỏa đến từng người dân bình thường.
Có lẽ sẽ hồ đồ khi cho rằng người Việt Nam không máu lửa như người Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền. Nhưng ở Việt Nam tôi chưa thấy được sự tự giác và lan tỏa ở mức độ như ở Trung Quốc.
Ít nhất thì người dân Trung Quốc cũng xuống đường rầm rộ để hà hơi tiếp sức cho chính quyền gây áp lực với Nhật Bản trên vấn đề Điếu Ngư.
Trong khi đó thì các cuộc biểu tình bảo vệ Hoàng Sa-Trường Sa ở Hà Nội số lượng chẳng được bao nhiêu mà lại còn bị chính quyền gây khó dễ đủ điều.
Nhìn trước mắt thì hộ chiếu lưỡi bò cũng chỉ là một trong rất nhiều đòn mà Bắc Kinh sẽ tiếp tục tung ra để nhằm hạ gục Hà Nội và Manila.
Trong khi chờ đợi, ông Lương Thanh Nghị nên chuẩn bị sẵn tinh thần hoặc tranh thủ tìm bài gì mới xi-nhê hơn.
Trong câu chuyện này, ở Việt Nam, Đảng đã giành hết quyền lo. Người dân không được phép xía vào. Họ đang trông chờ Đảng ‘lo’ tốt hơn chứ không phải chỉ la oai oái trước những cú ra đòn hiểm hóc của Trung Quốc.
Nếu có việc gì xảy ra thì chắc chắn toàn bộ trách nhiệm thuộc về Đảng. Đó là trách nhiệm trước lịch sử, trước dân tộc, trước tổ tiên và trước các thế hệ mai sau.
Bài viết phản ánh quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả, không phải của BBC Việt ngữ.
Nguồn: BBC tiếng Việt
Đúng là quân ăn cướp . Lại vừa ăn cướp vừa la làng .
Trả lờiXóaGS Carl Thayer ( Học Viện QP Úc ) : TQ có một hệ thống xử lí khủng hoảng vào loại tốt nhất thế giới . Mỗi khi có sự cố gì xảy ra, ngay lập tức họ lên tiếng phủ nhận, nói rằng chưa bao giờ có sự cố như vậy, rằng phía bên kia đang dựng chuyện, nói dối... hoặc cho rằng họ chỉ đangt thực hiện quyền tài phán thông thường. Chẳng hạn, khi một thuyền trưởng tầu TQ bắn vào một ngư dân của một nước khác, ngay lập tức họ nói không có chuyện như vậy. người khác đang nói dối . ( nguồi báo Tuổi Trẻ 28.11,12 ).
Bởi vậy đừng nghe những gì TQ nói mà hãy xem những gì họ làm .
TQ chẳng có sự chân thành nào hết trong việc tìm kiếm thoả hiệp về vđ Biển Đông ( TS David KOH , nguồn báo Tuổi Trẻ )