Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

HỘ CHIẾU LƯỠI BÒ ĐÃ BỘC LỘ DÃ TÂM CỦA TÀU KHỰA

'Hộ chiếu in đường lưỡi bò lộ dã tâm của Trung Quốc'

Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, việc Trung Quốc đưa "đường lưỡi bò" vào hộ chiếu là chưa có tiền lệ trong quan hệ quốc tế. Việt Nam cần có biện pháp cương quyết, đóng dấu hủy lên hộ chiếu đó khi nhập cảnh vào Việt Nam.

> Các nước phản đối bản đồ trên hộ chiếu Trung Quốc / Chiến lược chiếm dần của Trung Quốc

Trao đổi với VnExpress, thạc sĩ Hoàng Việt, ĐH Luật TP HCM cho rằng, "đường lưỡi bò" không có cơ sở pháp lý, vì thế bản đồ có đường yêu sách này trong hộ chiếu mới của Trung Quốc cũng không có giá trị. Đặt trong quan hệ quốc tế, ngoại giao, đây là việc chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt, yêu sách lãnh thổ trong hộ chiếu còn liên quan tới nhiều nước trong khối ASEAN, Ấn Độ... 

"Với tiền lệ này, Trung Quốc đã bộc lộ dã tâm của mình, bất chấp mọi thứ, không ngại quốc gia nào", ông Hoàng Việt nói.

Mẫu hộ chiếu mới của Trung Quốc có in đường 9 đoạn phi lý mà họ đòi hỏi trên Biển Đông. Ảnh: People Daily.

Theo ông Việt, hành động này thống nhất trong chiến lược, chính sách của Trung Quốc về Biển Đông. Để đe dọa các nước, Trung Quốc dùng 3 cuộc "chiến tranh" để chèn ép các quốc gia nhỏ là chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh kinh tế.

"Họ dùng đòn đe dọa trên báo Hoàn Cầu, dùng các biện pháp phi quân sự để áp đảo buộc các nước thua cuộc mà không dùng đến vũ khí. Trong chiến lược này, Trung Quốc đã thống nhất từ trên xuống chứ không chỉ là bộ ngành hay địa phương cụ thể nào", chuyên gia này phân tích.

Là nước lớn, việc "ra chiêu" của Trung Quốc luôn ở thế thượng phong, khiến các nước khác không thể đoán trước và ở thế phải phải chống đỡ. "Mình chỉ có cách là đưa ra chiến lược lớn, thống nhất nguyên tắc ứng xử từ trên xuống dưới đối với mỗi sự cố, sự việc", ông Việt nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, một mặt, việc in hộ chiếu mới có thể gây lo ngại nhưng mặt khác "có thể là lợi thế cho Việt Nam" bởi điều đó làm cho nhiều quốc gia bừng tỉnh về một Trung Quốc thật sự. 

"Nhiều nước bây giờ vẫn chưa hiểu Trung Quốc. Việt Nam có thể tận dụng chính dã tâm của họ để phản đòn dựa vào sức mạnh, tiếng nói của cộng đồng quốc tế. Không nên quá bi quan mà phải hiểu người láng giềng to lớn của mình để có phản ứng bình tĩnh, phù hợp", ông Hoàng Việt nói.

Trong khi đó, tiến sĩ Vũ Cao Phan không bất ngờ về động thái mới này của Trung Quốc. Theo ông, đây chỉ là một bước tiếp theo trong số rất nhiều bước đi để hiện thực hóa tham vọng của nước này theo kiểu "tằm ăn rỗi". Điều này cũng tương tự như khi Trung Quốc lập thành phố Tam Sa, tự công bố chủ quyền bất chấp các nước phản đối.

Theo tiến sĩ Vũ Cao Phan, hộ chiếu mới Trung Quốc chỉ là một bước trong chiến thuật "tằm ăn rỗi". Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng quan điểm với ông Hoàng Việt, tiến sĩ Vũ Cao Phan cho rằng, trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cần phải dựa vào cộng đồng quốc tế. Chuyên gia này cũng gợi ý sử dụng đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai nước để xử lý bởi cơ quan ban hành hộ chiếu là công an Trung Quốc. 

"Vấn đề căn bản có tính nguyên tắc là Việt Nam không chấp nhận hộ chiếu có 'đường lưỡi bò'. Trên cơ sở đó ta có nhiều biện pháp, ví dụ như đóng dấu hủy lên các hộ chiếu đó khi nhập cảnh vào Việt Nam", ông Phan nói.

Cả hai chuyên gia này đều cho rằng, hộ chiếu mới có thể gây ảnh hưởng tới giao thương, đi lại giữa người dân hai nước. Trước mắt, cơ quan nhập cảnh Việt Nam có thể đóng dấu vào tờ rời trong visa nhập cảnh để tránh liên quan tới hộ chiếu có "đường lưỡi bò".

Sau khi Trung Quốc ban hành mẫu hộ chiếu mới có in bản đồ Trung Quốc và vẽ thêm "đường lưỡi bò", nhiều nước đã phản đối mạnh mẽ. Ngày 22/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị khẳng định: "Việc làm của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông".

Nguyễn Hưng
Nguồn: VNE.
 

1 nhận xét :

  1. Đây là bằng cứ không thể chối cãi của nhà cầm quyền bắc kinh về tham vọng xâm lược cướp biển đông. Thật là trăm nghe không bằng một thấy.

    Trả lờiXóa