THĂM LAM KINH
Nguyễn Xuân Diện
Lam
Kinh là chính là Lam Sơn, một vùng núi và là nơi phát tích của cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn. Lam Kinh có diện tích quy hoạch 200 héc ta, thuộc
địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa và cách TP Thanh
Hóa hơn 50 km về phía Tây Bắc.
Năm
1430, hoàng đế Lê Lợi cho đổi Lam Sơn thành Tây Kinh (tức Lam Kinh). Ba
năm sau, các cung điện được xây dựng ở đây, có lẽ ban đầu là nơi tổ
chức thiết triều, như một kinh đô thứ hai. Nhưng cũng trong năm đó, sau
khi hoàng đế Lê Lợi băng hà, di hài được đưa về đây để an
táng tại Vĩnh Lăng, thì Lam Kinh chính thức trở thành một sơn lăng. Và
những cung điện to lớn được xây dựng các năm sau đó chủ yếu để phục vụ
cho vua và hoàng tộc mỗi khi về thăm quê, bái yết sơn lăng như một biệt
điện, hành cung.
Trải qua 6 thế kỷ thăng trầm, qua nhiều biến cố, Lam Kinh trở thành phế tích.
Tôi
đến Lam Kinh lần đầu là vào năm 1995, lúc 25 tuổi. Chuyến đi kéo dài 2
ngày. Ngày đầu đến Thái Miếu nhà Lê (ở Phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa),
ngủ lại đêm ở đó, và ngày hôm sau đi thăm Lam Kinh. Lúc đó Lam Kinh là
một phế tích, chỉ có những cây cổ thụ xanh om, cao ngất trời và thảm cỏ
xanh ẩn hiện những tảng kê chân cột cùng bậc đá thềm rồng, tuy vậy cũng
đủ để hình dung ra quy mô to lớn của các cung điện nơi này.
Lần
thứ hai đến Lam Kinh là năm 2016. Khi đó các cung điện lớn của Lam Kinh
đã hoàn thành việc phục dựng, nhưng nội thất nội điện vẫn còn chưa hoàn
thành nên chưa thể tham quan.
Và
hôm nay là lần thứ ba. Đáng lẽ chuyến đi này, có anh Ngô Hoài Chung
tham gia, nhưng vì có việc đột xuất bất khả kháng nên anh đành để chúng
tôi tự đi; và thế là chúng tôi mất đi một cơ hội được anh giảng giải về
Lam Kinh. Anh nguyên là Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa. Sau anh
ra HN giữ chức vụ Phó Cục trưởng Tổng cục Du lịch. Khi là giám đốc Sở,
anh là người chịu trách nhiệm trước tỉnh và Bộ về dự án phục dựng Lam
Kinh.
Đến
nay, ngày hôm nay, tôi cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải, phu nhân cùng các
bạn trẻ đến thăm Lam Kinh thì đã được đưa vào thăm nội điện. Không khí
cực kỳ uy nghiêm. Các hiện vật bên trong vàng son lộng lẫy, chế tác tinh
xảo cho ta cảm giác đang được đứng trong một cung điện lớn thời Hậu
Lê.
Có
thể nói, Lam Kinh là nơi nhất định phải đến, nếu ta đến Thanh Hóa. Công
trình tòa ngang dãy dọc, cổng lớn nền cao, quy mô kiến trúc, các chạm
khắc gỗ, gạch ngói, hương án, chân đèn đều được làm ra với sự nghiên cứu
tỉ mỉ, nên việc phục dựng đều đáng tin cậy, và dường như đã đạt đến độ
hoàn hảo. Nhà văn Hoàng Quốc Hải 86 tuổi là người am tường lịch sử, rất
nghiêm trong việc xem xét các dự án trùng tu, phục dựng các di tích mà
sau khi quan sát Lam Kinh cũng phải thốt lên những lời khen ngợi. Ông
bảo: chưa tìm thấy cái gì để mà chê!
Lam
Kinh là một quần thể núi non sông ngòi, hồ ao quây quanh các cung điện,
miếu đền, những lăng mộ và các nhà bia ẩn hiện trong khu rừng già hiện
ra trong các con đường tĩnh lặng và xanh tốt rườm ra.
Khách
đến Lam Kinh hôm nay đã được chở bằng xe điện, do chính các nữ hướng
dẫn viên du lịch vừa lái xe, vừa thuyết minh. Đây là nét mới của Lam
Kinh, để giúp khách thăm đến được nhiều điểm trong toàn bộ Lam Kinh, và
hưởng thụ trọn vẹn khí núi lan trong rừng già, dọc theo lối đi.
Chúng
tôi được BQL bố trí chị Lê Thị Thức hướng dẫn. Giọng nói truyền cảm,
kiến thức của HDV được đưa ra linh hoạt theo mỗi đoạn đường, truyền được
tinh thần của hào khí Lam Sơn và công nghiệp của các hoàng đế Lê
triều.
Trước
khi chia tay, BQL di tích Lam Kinh có biếu đoàn chúng tôi mỗi người một
cuốn sách giới thiệu về Lam Kinh và một chục bánh gai Tứ Trụ - một món
quà đặc sản ở địa phương. Bánh gai rất ngon.
Vừa
kịp đến giờ ăn trưa, chúng tôi ghé nhà hàng Cô Tám, nơi tôi và đoàn cán
bộ Viện Hán Nôm tới ăn trưa 7 năm trước, sau khi thăm Lam Kinh. Quán
nay đã cách chỗ cũ một đoạn, nhưng chủ nhân vẫn là anh ấy. Chủ quán là
Đỗ Xuân Quỳnh, 7 năm trước, sau khi đoàn Viện Hán Nôm ăn trưa, anh đi
đâu đó về, ghé lại chỗ chúng tôi đang uống trà, và nhận ra tôi. Anh bảo
anh ngưỡng mộ tôi. Tôi mới bảo: Thế mà anh không về sớm, uống với anh em
chúng tôi chén rượu. Giờ tôi say mất rồi!
Nay
đến quán anh dùng bữa trưa. Anh em tay bắt mặt mừng. Mừng nhà hàng Cô
Tám nay đã khang trang, hàng ngày đón lượng khách rất lớn, “biên chế”
cứng của nhà hàng lên tới bốn chục người. Vợ anh là người quán xuyến phụ
trách nhà bếp. Món ăn ngon, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thực khách.
Có ngày phục vụ đến 3-4 đám cưới.
Anh mời cả đoàn dùng bữa trưa, uống rượu mơ do nhà hàng làm, trò chuyện hồi lâu rồi lại phải đứng dậy để quán xuyến công việc.
Lam
Kinh đang hoàn thiện để phục dựng trọn vẹn các công trình miếu điện,
kiến trúc đã từng có ở đây. Chắc khoảng 2-3 năm nữa sẽ xong. Khi ấy nhất
định sẽ lại ghé thăm Lam Kinh.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét