Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT GIÁO SƯ PHAN ĐĂNG NHẬT


GS. TSKH Phan Đăng Nhật, sinh năm 1931 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Thường trú tại 32 C, ngõ 165, phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

- Nguyên Viện trưởng Viện Văn Hóa Dân Gian, nay là Viện nghiên cứu Văn hóa – Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, Nguyên Ủy viên BCH Mạc Tộc Việt Nam.

Do tuổi cao sức yếu, Giáo sư đã từ trần vào hồi 10g50 phút ngày 22/6/ 2020 (tức ngày 02 tháng 5 năm Canh tý) tại nhà riêng. Hưởng thọ 90 tuổi.

Tang lễ đã được tổ chức vào sáng thứ tư, ngày 24 tháng 6 năm 2020 (Nhằm ngày mồng 04 tháng 5 năm Canh tý) tại Nhà tang lễ Cầu giấy (số 1 đường Trần Vỹ, Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, gần Nghĩa trang Mai Dịch).
– Lễ viếng từ 07g30 – 8g45.
– Lễ truy điệu bắt đầu từ 8g45.
– Hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn vũ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

– An táng chiều cùng ngày tại Công viên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên (xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình).
_________________

Tiễn biệt Giáo sư Phan Đăng Nhật 
Nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về sử thi

TTXVN
24/06/2020

Ngày 24/6, giới nghiên cứu văn hóa, bạn bè và gia đình đã tiễn biệt Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Đăng Nhật - Nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về sử thi. 

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Đăng Nhật (1931-2020) là cháu ruột của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, quê xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng.

Ông từng là giáo viên cấp 2 ở Nghệ Tĩnh vào thập niên 1950, giáo viên cấp 3 và cán bộ nghiên cứu ở Sở Giáo dục Tây Bắc vào thập niên 1970. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của Ban Văn hóa dân gian và nhiều năm là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian (nay là Viện Nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian (nay là Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam). Vào cuối thập niên 1990, sau khi nghỉ hưu, ông thành lập và là Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Văn hóa và Kỹ thuật Truyền thống (thuộc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam).

Với những đóng góp quan trọng cho nghiên cứu khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Đăng Nhật đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, Huân chương lao động hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 cho cụm công trình Sử thi Êđê và Vùng sử thi Tây Nguyên.


GS.TSKH Phan Đăng Nhật được giới nghiên cứu văn hóa tôn vinh là nhà nghiên cứu 
hàng đầu về sử thi. Ảnh:Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Giáo sư Phan Đăng Nhật đến với ngành nghiên cứu văn hóa dân gian có phần muộn màng hơn so với nhiều tác giả khác nhưng ông rất tích cực và nghiêm túc trong nghề. Ông đã công bố 6 cuốn sách in riêng và 120 bài viết in trên các báo và tạp chí.

Giáo sư Phan Đăng Nhật là một trong những chuyên gia hiếm hoi ở Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số, được giới nghiên cứu văn hóa tôn vinh là nhà nghiên cứu hàng đầu về sử thi. Ông có đóng góp quan trọng trong hướng nghiên cứu về sử thi các dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Ông đã dày công nghiên cứu về sử thi Mường, huyền thoại Mường và rồi đọng lại ở sử thi các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với luận án Tiến sĩ Những đặc điểm cơ bản sử thi - khan ở Việt Nam (bảo vệ ở Bungari năm 1989) và cuốn sách Sử thi Êđê (1991). Với hai công trình này, lần đầu tiên ông đã giới thiệu được toàn diện và có sức thuyết phục về sử thi Êđê ở Việt Nam, được các nhà khoa học trong nước và các nhà khoa học ở một nước Đông Âu có truyền thống nghiên cứu folklore thừa nhận.

Giáo sư Phan Đăng Nhật còn mở rộng hướng nghiên cứu đến nhiều lĩnh vực khác như: Nghiên cứu về Luật tục dân tộc Gia Lai, Chăm, Raglai... Công trình đồ sộ Kho tàng ca dao người Việt mà ông là đồng soạn giả đã trở thành bộ sách công cụ có giá trị và là dấu mốc quan trọng không thể không nhắc đến trong lịch sử sưu tầm và biên soạn ca dao người Việt. Ngoài ra, các chủ đề nghiên cứu về lễ hội dân gian, sinh hoạt văn hóa dân gian, phương pháp nghiên cứu văn học dân gian đều được ông quan tâm và công bố những bài viết có giá trị.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét