Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

MỐI QUAN HỆ ĐẶC BIỆT NGUYỄN VĂN VĨNH & TRẦN TRỌNG KIM


Thưa các quý vị và các bạn!

15/6 là ngày sinh lần thứ 138 của dịch giả, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, nhân dịp này, chúng tôi xin được gửi đến các bạn bài viết ngắn liên quan đến mối quan hệ đặc biệt giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Trần Trọng Kim.

Việc này liên quan đến chú thích của bức ảnh chụp BBT Trung Bắc Tân Văn năm 1919. Hy vọng với cách đặt vấn đề của chúng tôi, cùng với thiện chí và mối quan tâm của một số độc giả, chúng ta cùng nhau đối chiếu những hiểu biết của mình, để giúp cho việc xác định và hiểu về quá khứ được chính xác hơn.

Xin cảm ơn các quý vị độc giả đã để tâm và lưu ý chúng tôi nội dung này!

Trân trọng!
Nguyễn Lân Bình.
___________

Chuyện đi học của ông Trần Trọng Kim
Thưa các quý vị và các bạn!

Trong lịch sử cận đại Việt Nam, Trần Trọng Kim (1883-1953) thực sự đã để lại trong tâm trí những người Việt trân trọng tài năng, trí tuệ, yêu quý và tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, một ấn tượng mạnh về hình ảnh một nhân sĩ giàu kiến thức, giỏi văn chương và luôn sống bằng thước đo nhân văn.

Hậu thế biết ơn những đóng góp của Trần Trọng Kim với nền văn hóa lịch sử Việt Nam, nổi bật nhất, không thể không kể, đó là cuốn sách “Việt Nam sử lược”, ra đời năm 1919. Đây là cuốn sách về lịch sử Việt Nam đầu tiên được viết bằng chữ Quốc ngữ, và được sử dụng làm sách giáo khoa trong suốt thời kỳ Việt Nam nằm dưới sự đô hộ của Thực dân Pháp.

Bất chấp những định kiến mang tính chủ quan của một xã hội toàn trị, năm 2017 ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn kết hợp với Công ty sách Phương Nam đã quyết định cho tái bản cuốn hồi ký “Một cơn gió bụi” của Trần Trọng Kim viết năm 1949, ra mắt lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1969.

Cuốn “Một cơn gió bụi” là cơ hội, để hậu thế hiểu quá khứ lịch sử ở Việt Nam từ những góc độ khác nhau trong thế kỷ 20. Nội dung cuốn sách, nhấn mạnh cái cốt cách của một nhân sĩ có óc hàn lâm, đứng ở đỉnh cao của lòng nhân đạo, bao dung nhờ có vốn hiểu biết, vốn sống phong phú.

Lịch sử Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20, là giai đoạn hình thành một cách ngoạn mục nền văn hóa chữ Quốc ngữ, thế chân nền giáo dục chữ Hán và chữ Pháp, tạo bản sắc cho một dân tộc, cơ sở để xây dựng một xã hội phát triển, tiến bộ, giảm thiểu đáng kể những ảnh hưởng của phong kiến Trung Hoa, vốn đã tồn tại gần cả ngàn năm trước đó.

Những yếu nhân tham gia sâu sắc vào quá trình này, trong đó phải kể đến dịch giả, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh.

Đọc các ghi chép lịch sử về những hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị liên quan đến Nguyễn Văn Vĩnh, người ta thấy được gốc gác mối quan hệ đặc biệt giữa bộ ba Nguyễn Văn Vĩnh – Phạm Duy Tốn (1883-1924) và Trần Trọng Kim. Nhân đây, chúng tôi cũng xin được đăng lại vài bức ảnh lịch sử, mà theo logic sự kiện, trong ảnh có cả Nguyễn Văn Vĩnh và cả Trần Trọng Kim.
.
 
Phái đoàn Đông Dương do Nguyễn Văn Vĩnh dẫn đầu tham dự Đấu xảo Marseille 1906. Trong ảnh có cả hai người là Nguyễn Văn Vĩnh và Trần Trọng Kim (mời độc giả xác nhận giúp).


 
Ảnh BBT báo Trung Bắc Tân Văn trong lễ tiếp quản cơ sở vật chật của tòa soạn và nhà in do F.H. Schneider giao lại năm 1919. Theo chú thích của người sưu tập là tiến sĩ Mai Huy Tân, xác định người đứng thứ 3 từ trái sang phải là Trần Trọng Kim. (mời các độc giả có hiểu biết về chi tiết này, giúp cho xin ý kiến)

Rõ ràng, tôi cũng như nhiều quý vị, đều là những kẻ hậu sinh, với lượng kiến thức nông cạn, hiểu biết manh mún, song vì lòng tôn kính các bậc tiền nhân, đã mạo muội lặn lội đi tìm những giá trị nhân văn cốt lõi của lịch sử, lại phải đối diện với những đề tài quá lớn, cộng với sự quay lưng của những ‘cơ quan’ chịu trách nhiệm làm rõ sự thật, và thiếu sự trợ giúp chân thành, thiếu cả thiện chí, do ‘họ’ quen lối tư duy ‘ban phát’, ‘cầu cạnh’, ‘họ’ từng coi chúng ta không phải là những đối tượng ‘cần đầu tư’… Nên việc hiểu chính xác nội dung các tư liệu được phát hiện, một người khó có thể cho một kết quả tuyệt đối.


Đó là chưa nói đến việc những ‘đối tượng’ chúng ta quan tâm, ‘họ’ được chỉ đạo, không nhất thiết phải để tâm, thậm chí có những giai đoạn lịch sử, họ còn muốn che đậy, vùi lấp, nên không ít chi tiết, sự việc liên quan đến những nhân vật nổi danh trong quá khứ cần được minh định bằng khoa học lưu trữ, đã không đạt được tính chính xác cao, để lại không ít những sự ngờ vực, tranh cãi đôi khi không cần thiết về những góc khuất của quá khứ.

Thiết nghĩ, việc chúng tôi trình bày ở đây, sẽ giúp cho một số quý vị độc giả vốn vẫn băn khoăn về một vài khía cạnh liên quan đến một số nội dung chưa có được sự nhất quán trong các đề tài lịch sử, có cơ hội tự xác định, so sánh và bổ xung cho những mối quan tâm và hiểu biết của mình trước các vấn đề lớn, nhỏ chưa có sự đồng thuận toàn diện. Việc này giúp mỗi người chúng ta học hỏi được nhiều hơn, biết rõ hơn về những vấn đề cùng quan tâm. Hy vọng đây là cách để chúng ta giúp nhau, cùng tìm đến được chân trời của lịch sử.
Trang tin của chúng tôi thành tâm, mong muốn nhận được sự chỉ dẫn thiện chí của bạn bè và  độc giả bốn phương, khi phát hiện thấy những sai xót về nội dung, về chú dẫn liên quan đến các yếu nhân lịch sử.

Tuy nhiên, dù thực tế cay nghiệt đến đâu, trở ngại đến đâu, cũng không ngăn cản được mỗi người chúng ta kiên nhẫn đi tìm đến sự thật, tìm đến chân lý, phục vụ cho sự công bằng và danh dự.

Năm 2008, tôi may mắn và vinh dự, được hậu duệ của danh sĩ Trần Trọng Kim tìm đến với đề nghị, đưa giúp đến thăm khuôn viên trường PTCS Mạc Đĩnh Chi, nơi có ngôi Đền An Trí (tên gọi vào giai đoạn đầu thế kỷ 19), mà cuối thế kỷ 19, người Pháp đã dùng ngôi đền này (lúc đó được gọi là Đình Yên Phụ) để làm trường học. Đây chính là trường đào tạo thông ngôn, nơi Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu sự nghiệp văn hóa của mình khi mới 8 tuổi với vai ‘Cậu bé kéo quạt 1890’, còn với Trần Trọng Kim là học viên chính khóa của Nhà trường năm 1900. Cũng nhân đây, xin trân trọng thông báo với các quý vị và các bạn, năm 2015, sau một thời gian nghiên cứu, xem xét đề xuất của bà Đào Thị Nga (nguyên Hiệu Trưởng trường PTCS Mạc Đĩnh Chi) cùng các cộng sự, UBND TP HN, Sở VHTT và DL HN, Ban QLDT và Danh thắng, đã có quyết định số 124/BQLDT-NVCS giao UBND quận Ba Đình thực hiện và lập hồ sơ để trình Thành phố Hà Nội công nhận là Di tích Văn hóa.
.
 
Ảnh toàn cảnh Đình Yên Phụ trước cải tạo nhìn từ trên cao – Lân Ngọc chụp năm 2016


 
Ảnh nhìn đối diện mặt Đình Yên Phụ quay về phía Nam (Hồ Trúc Bạch), trước khi cải tạo. 
Ảnh do Lân Ngọc chụp năm 2016

Thật tuyệt vời, với thiện chí và sự nỗ lực của các bên liên quan, cộng với may mắn, ngôi đền An Trí (đình Yên Phụ), sau khi được cấp chứng nhận là Di tích Văn hóa của TP. Hà Nội năm 2017, ngôi đình Yên Phụ (trường Thông ngôn) còn nhận được khoản kinh phí không nhỏ từ ngân sách Nhà nước, dành cho việc tu tạo, phục chế toàn bộ công trình, giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc nội ngoại thất và không gian lịch sử của ngôi đình, đồng thời cũng là một ngôi trường lịch sử.

Tự hào hơn nữa, hôm nay, khi các bạn có dịp đến thăm mái trường PTCS Mạc Đĩnh Chi ở số 66 phố Phó Đức Chính, chúng ta còn được đọc bản tóm tắt lịch sử của nhà trường, và hiểu được khá cụ thể sự gắn kết giữa nhà trường với ngôi đình Yên Phụ (trường Thông ngôn) lịch sử. Bởi chính nơi đây, hơn một thế kỷ trước, đã đào tạo ra những nhân sĩ xuất sắc hiếm có cho nền văn hóa Việt Nam như: Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Tố, Phạm Quỳnh…

.
 
Mặt chính Đình Yên Phụ sau cải tạo, nhìn về hướng Nam (Hồ Trúc Bạch). Lân Ngọc chụp 2020


 
Đình Yên Phụ sau khi cải tạo 2018, nhìn từ hướng Nam Tây Nam (Cây đa được giữ nguyên). Lân Ngọc chụp 2020


 
Một góc họa tiết của mái đình Yên Phụ sau cải tạo. Lân Ngọc chụp 2020

Để góp thêm một chi tiết nhỏ vào sự hiểu biết lịch sử của những người quan tâm đến các yếu nhân lịch sử, chúng tôi xin giới thiệu một tin vắn, được đăng trong mục ‘Việc vặt ở Hà Nội’, trên tờ “Đăng cổ Tùng báo”, tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc và Trung kỳ, và là cơ quan ngôn luận của Phòng trào Cách mạng Văn hóa Đông Kinh Nghĩa Thục 1907, đã nói về việc ‘du học’ của Trần Trọng Kim như thế nào?



Đồng thời, nội dung của Tin vắn, cũng sẽ giúp chứng minh thêm cho hậu thế thấy rõ mối quan hệ ‘tình cờ’ của lịch sử, cơ sở để đưa hai con người trở thành những yếu nhân của đất nước. Mặt khác, hậu thế còn được hiểu thêm những giá trị nhân văn trong quan hệ giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Trần Trọng Kim từ thủa thiếu thời. Ngoài ra còn có những thông tin hữu ích khác, tùy thuộc vào góc quan tâm của người nghiên cứu.


Trân trọng!

NLB.


VIỆC VẶT Ở HÀ NỘI  
(Đăng Cổ Tùng Báo, số 795, ra ngày 11/4/1907 tại Hà Nội, trang 42).

***
Trong bọn thợ sang Đấu sảo (1) Marseille vừa rồi có ông Trần-trọng-Kim, vốn là thợ cẩn (2), có xin ở lại bên nước Đại-pháp để học.

Ông Kim trước làm công ở cửa hàng, lương cũng đã cao, thế mà quyết bỏ việc làm để sang Đại-pháp, định học lấy điều hay về cố giúp đồng-bào chuyến này. Quan Hauser (3) vốn làm chủ việc Đấu-sảo thấy người có trí-khí cũng thương mà cho một chân thợ sang Tây.

Sang đến Marseille, ông Kim gặp được nhiều bạn tốt, là ông Pierre Vierge (4), làm nhật trình có danh tiếng ở đất Marseille, với ông Lhermite (5) là Đốc-học xứ Bourg Saint Andéol, tỉnh Ardèche(6); hai ông ấy cố giúp cho ông Kim được ở lại đi học.

Ông Kim bây giờ hiện được ở tràng (7) Institution Libre des Garçons tỉnh Bourg Saint Andéol. Tiền phí tổn việc học ông Lhermite ứng cho một năm, đến sang năm đã có anh em bạn ở nhà chi cấp cho, để học cho đến khi được đỗ chức thầy-giáo, rồi mới về nước nhà, mở tràng dạy con anh em ta.

Chúng tôi thay mặt cả anh em bạn ông Kim mà cảm ơn ông Pierre Vierge với ông Lhermite, và khen ông Trần-trọng-Kim là người có gan bỏ quê-quán, họ-hàng, để dốc lòng chuyên việc học.

Nhân thể chúng tôi nói để ai ai đều biết rằng: tràng Institution Libre des Garçons xứ Bourg Saint Andéol, là tràng dạy trẻ kỹ-lưỡng lắm. Địa thế chỗ tràng học, phong thủy đẹp, khí giời tốt, mà giá ăn học đồng-niên rẻ lắm. Cả ăn cả ở cả học một năm có 500 fr (8). mà thôi. Ví với các tràng khác ở Paris hay ở Marseille thì rẻ được quá nửa. Ai có con cho sang Tây đi học nên gửi vào tràng ấy.

***
Ghi chú:

  1. ‘Đấu xảo’ cách gọi thay từ ‘hội chợ’.
  2. Thợ chạm khắc gỗ.
  3. Hauser là Đốc lý Hà Nội (Chủ tịch) 1905 đến 1908.
  4. Pierre Vierge Lhermite là hai người Pháp mang tư tưởng tiến bộ (tại Pháp). Hai người này đã đưa Nguyễn Văn Vĩnh lên thăm Paris sau thời gian Đấu xảo 1906 ở Marseille kết thúc. Tại Paris, hai người đã giúp Nguyễn Văn Vĩnh đến thăm một số cơ sở in ấn, xuất bản, trong đó có Nhà Xuất bản Bách khoa Toàn thư (Encyclopédie larousse).
     Đồng thời, thông qua những mối quan hệ này, Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt nam đầu tiên, chính thức ra nhập Hội Nhân quyền Pháp.

  • (Như chú thích 4).
  • Tỉnh  Ardèche nằm ở miền Đông Nam nước Pháp, thủ phủ là Privas.
  • Tràng (trường học), cách nói tiếng Việt đầu thế kỷ 20.
  • Fr (Franc) đồng tiền Pháp được sử dụng từ năm 1795 đến 1999 trước khi thay thế bởi đồng Euro.
Theo Nguyễn Văn Vĩnh kể và nhà báo Phạm Huy Lục ghi lại, vào những năm 1899…1901, lương của Nguyễn Văn Vĩnh với vai trò là thông ngôn cho Tòa xứ Hải Phòng là 30 đồng/tháng. Đồng Đông Dương (piastre) do người Pháp phát hành và lưu thông từ năm 1885 đến 1954. Một đồng Đông Dương bằng 600 đồng tiền kẽm trước đó.

Người sao chép bài từ bản scan tờ báo và chú thích: Nguyễn Lân Bình.

Nguồn: Tân Nam Tử.

1 nhận xét :

  1. Những nhân vật " tinh hoa " sẽ trường tồn cùng dân tộc bởi giá trị thực sự về nhân cách và sự nghiệp của họ , không phải bằng tuyên truyền .

    Trả lờiXóa