Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

TRUNG QUỐC "KHÔNG THÍCH THÚ GÌ" KHI TÀU CHIẾN MỸ THĂM VN

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Rosevelt và tuần dương hạm Bunker Hill 
thăm Đà Nẵng từ ngày 05--09/3/2020

Trung Quốc 'không thích thú gì' về tàu chiến Mỹ thăm Việt Nam

BBC
6/3/2020

Trung Quốc 'không ngại' nhưng 'không thích thú gì' trước việc nhóm tàu quân sự của Mỹ, trong đó có hàng không mẫu hạm USS Theodore Rosevelt và tuần dương hạm Bunker Hill thăm Đà Nẵng, một nhà phân tích an ninh và chính trị khu vực nói với BBC News Tiếng Việt.

Hôm 06/3/2020, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà phân tích chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - Iseas (Singapore) đưa ra bình luận về chuyến thăm dự kiến kéo dài năm ngày từ 05-09 tháng Ba của các tàu quân sự Mỹ, đặc biệt từ khía cạnh quan sát thái độ và phản ứng của Trung Quốc, quốc gia tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gay gắt nhất của Việt Nam.

"Chuyến thăm này đã được thông báo với trong nước và quốc tế từ lâu rồi, chỉ có ngày chính thức thì mới thông báo cách đây nửa tháng. Nhưng từ đó đến giờ, từ là từ khoảng ba tháng nay, các phản ứng từ phía Trung Quốc rất đa dạng.

"Từ các giới ngoại giao, từ các giới chính phủ, từ quan hệ hai đảng, từ quan tâm của các cơ quan nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc, các cơ quan nghiên cứu độc lập của Trung Quốc, từ các cá nhân Trung Quốc, rất là đa dạng.

"Nhưng đúc kết lại thì thấy một điều rằng các phản ứng và các ý kiến xung quanh các cái đó không tích cực. Tóm lại là người Trung Quốc ở Bắc Kinh không thích thú gì việc tàu sân bay của Mỹ thăm Việt Nam lần này.

"Họ cũng không mặn mà và thích thú gì về quan hệ tốt hơn về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ. Họ cũng đưa ra những lời cảnh báo rằng là họ không ngại, thế nhưng họ cũng nói rằng một động tác như thế có thể phương hại đến quan hệ Trung - Việt, Trung - Mỹ hay là quan hệ tay ba, hay là nó có thể làm thay đổi các kiến trúc an ninh đang có v.v...

"Cùng ý kiến như thế này, các tổ chức khác gọi là phi chính phủ Trung Quốc cũng có cùng một quan điểm như thế. Thì đúc kết lại là không tích cực."

'Thách thức lớn với Trung Quốc'

Cùng ngày thứ Sáu, báo mạng Nga, Sputnik, dẫn lời chuyên gia từ giới nghiên cứu Trung Quốc, cho rằng chuyến thăm của tàu Mỹ tới Đà Nẵng là một thách thức với Trung Quốc.

"Kể từ năm 2014, Hoa Kỳ và Việt Nam không ngừng nâng cấp quan hệ song phương trong lĩnh vực quân sự. Hai chuyến thăm Việt Nam trong một năm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và việc Việt Nam mua vũ khí và tàu tuần tra của Mỹ cho thấy rõ điều đó," ông Chen Xiangmuo, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, được Sputnik dẫn lời hôm 06/3 nói.

"Mỹ và Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận về chuyến thăm của tàu sân bay đến Đà Nẵng ngay sau cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ở Biển Đông hồi năm ngoái. Đây có thể được coi là một kế hoạch để chống lại Trung Quốc.

"Rõ ràng, Việt Nam đang cố gắng sử dụng chính sách ngoại giao cứng rắn của Hoa Kỳ để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông".

Theo Sputnik, việc mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực khiến Trung Quốc lo lắng như một mối nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia và Trung Quốc có thể tính đến việc 'đáp trả', báo mạng của Nga tiếp tục dẫn lời chuyên gia này, bình luận:

"Trung Quốc luôn chú trọng vấn đề đảm bảo sự ổn định ở Biển Đông thông qua việc xây dựng thỏa thuận hoặc một Bộ Quy tắc Ứng xử với sự tham gia của các nước trong khu vực. Trung Quốc không hướng tới các quốc gia ngoài khu vực để giải quyết tranh chấp, vì điều này sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng và khó khăn hơn.

"Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc. Từ quan điểm này, đối với Trung Quốc, Việt Nam có tầm quan trọng lớn hơn so với Hoa Kỳ. Nhiệm vụ ngoại giao quan trọng nhất của Trung Quốc là duy trì liên lạc ngoại giao và quân sự ổn định với Việt Nam.

"Trung Quốc không muốn sự xa lánh hay xung đột nghiêm trọng trong quan hệ với Việt Nam, và không muốn tạo ra sự đối nghịch trong quan hệ với Hoa Kỳ và Việt Nam.

"Đồng thời, việc Mỹ đang mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông thách thức lợi ích của Bắc Kinh và gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Để đáp trả điều đó, Trung Quốc nên củng cố vị thế "một cường quốc hàng hải" và tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân".

'Tránh chỉ trích VN và đổ tất cho Mỹ'

Trả lời câu hỏi Trung Quốc tiếp nhận thế nào về chuyến thăm Đà Nẵng lần này của các tàu Mỹ, Tiến sỹ Bill Hayton, nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Chatham House, đồng thời là nhà báo lâu năm tại BBC, nói với Bàn Tròn Thứ Năm hôm 05/3:

"Tôi nhớ rằng khoảng 2 năm trước khi tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam, người phát ngôn của Trung Quốc đã nói rằng đó là một hành động mang tính thù địch và phê phán Hoa Kỳ là gây ra căng thẳng trong vùng.

"Về phía Trung Quốc, tôi nghĩ rằng là họ sẽ tránh lên án hay chỉ trích Việt Nam, mà họ sẽ đổ tất cả cho phía Mỹ, bởi vì họ muốn giả vờ như là nếu không phải là phía Mỹ, tất cả vấn đề trong vùng sẽ được ổn định và tất cả vấn đề có gì xấu thì đều là do Mỹ cả."

Mỹ và Việt Nam đều có các chiến lược và tiếp cận riêng về an ninh, quân sự và quốc phòng của mình ở khu vực, trong đó với phía Mỹ có điều chỉnh trọng tâm liên quan tới chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, còn Việt nam dường như vẫn tiếp tục các nguyên tắc của mình trên tổng thể chiến lược cân bằng động.

Khi được hỏi hai bên Mỹ và Việt Nam có thể tích hợp tiếp cận và các chiến lược của mình với đối tác trong quan hệ song phương này ra sao, nhân chuyến thăm của các tàu Mỹ lần này, Tiến sỹ Bill Hayton nói:

"Khi nói về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, tôi nghĩ rằng đó là cách nhìn về thế giới, theo đó Trung Quốc ở giữa và các nước khác gồm Mỹ, trải dài đến Ấn Độ là ở xung quanh và làm đối trọng với Trung Quốc, thì dĩ nhiên Việt Nam là một nhân tố ở chính giữa của quan điểm đó.

"Nhưng khi nói về chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương này, thì chính quyền Donald Trump đã không có một sự gần gũi với các đối tác, các đồng minh so với chính quyền Obama trước đây, họ thậm chí có thể gây ra thất vọng và giận dữ, ví dụ như là họ giận dữ về câu hỏi ai sẽ trả tiền cho chi phí quân sự cho Hàn Quốc chẳng hạn.

"Tôi thấy chỉ có hai ngoại lệ, tức là với Ấn Độ và Nhật Bản là hai nước đã có quan hệ rất gần đối với chính phủ Donald Trump thời gian qua và còn so với những nước khác thì nó không gần như thế so với trước đây."

Năm 2019, Trung Quốc đã có thời gian nhiều tháng liền được cho là gây quan ngại và căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là trực tiếp với Việt Nam, khi đưa các tàu của mình và thiết bị thăm dò 'nghiên cứu' hải dương vào khu vực Bãi Tư Chính và các vùng biển lân cận mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền cũng như thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam tự vệ?

Khi được hỏi liêu Hoa Kỳ hiện nay và trong tương lai tới đây có thể giúp ích gì cho Việt Nam trong việc hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, quốc phòng ở khu vực và trên vùng biển, đặc biệt thông qua sự hiện diện, viếng thăm của các tàu chiến Mỹ, ông Bill Hayton nói:

"Có hai phần trong câu hỏi này. Thứ nhất liệu là Hoa Kỳ có thể cung cấp những thiết bị như là tàu bè, radar cho Việt Nam để giúp Việt Nam bảo vệ lợi ích của họ trên Biển Đông hay không, thì rõ ràng câu trả lời là có và Hoa Kỳ có thể làm việc đó.

"Thế nhưng phần khác là liệu những chuyến tàu này, những con tàu này có giúp bảo vệ Việt Nam hay không, thì tôi nghĩ rằng không.

"Và tôi sẽ trả lời cụ thể như sau. Ví dụ hai năm trước khi tàu sân bay Carl Vinson đến thăm Việt Nam, khi tàu Mỹ đén đó lúc đó, tôi nhớ rằng Việt Nam khi đó đang có dự án khai thác khí ở bên trong thềm lục địa của họ.

"Sau khi tàu Carl Vinson rời đi, đến phiên Trung Quốc đưa tàu của mình vào và đã ép Việt Nam phải dừng dự án của mình.

"Chúng ta thấy rằng tàu Mỹ có thể ở lại đó vài tuần, thời gian ngắn, thì có thể bảo vệ cho Việt Nam, nhưng khi tàu đó ra đi rồi, thì Trung Quốc vẫn làm điều họ muốn."

Nhân dịp này, nhà nghiên cứu và phân tích từ Anh cho Bàn Tròn Thứ Năm hay là Anh quốc có thể có kế hoạch đưa hàng không mẫu hạm hay tàu chiến của mình tới Biển Đông trong thời gian tới, trong bối cảnh nước Anh đã không còn là thành viên của Liên minh Châu Âu nữa.

Về phương án liệu các tàu của Anh có thể ghé thăm Việt Nam hay không và Anh quốc có thể hỗ trợ gì cho an ninh khu vực và Việt Nam, ông Bill Hayton nói:

"Tin tức mới nhất mà chúng tôi nghe được rằng Anh quốc vẫn có dự định gửi tàu sân bay và tàu tuần dương đến khu vực trong mấy tháng nữa. Thế nhưng liệu có dừng ở Việt Nam hay không thì không biết, mặc dù có thể là tàu chiến của nước Anh sẽ dừng ở một số nơi có quan hệ lợi ích lớn với anh.

"Ví dụ như là Brunei, Singapore hay Nhật Bản, nhưng còn có dừng ở Việt Nam hay một số nước khác hay không trong vùng thì chúng ta sẽ còn phải chờ xem. Tôi không nghĩ là tàu Anh khi đó sẽ làm điều gì gây tranh cãi, ví dụ đi đến gần mấy đảo đang tranh chấp, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ có những bình luận phản ứng.

"Về khía cạnh Brexit, khi Anh ra khỏi EU rồi, Anh vẫn muốn chứng tỏ rằng Anh vẫn là một "tay chơi" lớn trên trường quốc tế, th nên có khi chính lại nhờ Brexit mà những chuyến thăm như vậy sẽ diễn ra nhiều hơn."

'Tránh thổi phồng, nên thông thường hơn'

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, nhà sử học và phân tích gia về chính trị, bang giao quốc tế, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đưa ra bình luận vể chuyến thăm Đà Nẵng của các tàu Mỹ với Bàn tròn của BBC News Tiếng Việt:

"Tôi nghĩ đây là một sự kiện tốt đối với quan hệ giữa hai nước, nhưng chúng ta không nên thổi phồng quá sự kiện này. Chúng ta phải hiểu rằng đây là vấn đề về xa về dài đối với Mỹ, cũng như là đối với an ninh khu vực.

"Tại sao tôi nói đối với Mỹ? Mỹ là một nước mà nếu muốn giữ vị trí siêu cường của mình, thì phải giữ vị trí siêu cường của mình ở trên biển. Trong một, hai thế kỷ vừa qua, nước nào mà trở thành một nước mạnh là phải có sức mạnh ở trên biển.

"Hoa Kỳ bây giờ đang bị chia rẽ nhiều việc, cho nên Hoa Kỳ chỉ có thể đẩy mạnh ngoại giao của Hoa Kỳ qua đường lối quân sự, mà đường lối quân sự là bảo vệ an ninh không những cho Mỹ mà cho những nước ở trong khu vực, hay là những nước mà theo Mỹ.

"Thành ra nếu Mỹ muốn có một sức mạnh ở Thái Bình Dương hay là ở trong khu vực Biển Đông, thì hải quân Mỹ phải cần có những nơi đến để đậu tàu bè. Cho nên, đối với Việt Nam, nếu Mỹ đưa tàu vào thăm, thì vấn đề này là lợi ích cho Mỹ, kể như cũng là lợi ích cho Việt Nam và các nước khác.

"Là bởi vì có càng nhiều tàu của Mỹ và tàu của các nước khác đi vào khu vực Biển Đông, thì cái đó sẽ giúp cho vấn đề an ninh hơn. Thành ra, chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Theodore Rosevelt là một sự kiện, nhưng tôi nghĩ rằng những sự kiện này nên làm thông thường hơn.

"Nó bình thường hơn, chứ không phải một hai năm là có một sự kiện như vậy. Bởi vì, nếu mà tàu Mỹ chạy vào, chạy ra, thì nó không giúp được gì an ninh hết, thế nên nó phải có một sự quan hệ thông thường đối với Việt Nam và đối với các nước trong khu vực.

"Mà đặc biệt bây giờ, như ông Bill Hayton nói là Mỹ có một số khó khăn với Duterte về Philippines, thì vai trò của Việt Nam là một nước có nhiều cảng sâu để cho các tàu bè nước ngoài đến, tôi nghĩ rằng việc các tàu bè của Mỹ thăm là việc nên cho thành thông thường."

'Vừa đa phương, vừa song phương'

Từ Viện nghiên cứu Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam - Vusta), Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, tới lượt mình đưa ra bình luận:

"Ý nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất, bang giao Việt - Mỹ có thể đi vào khúc quanh mới. Nói như thế này không phải để thổi phồng, mà để thấy rõ hơn bối cảnh chuyến thăm giữa những biến động địa chính trị trong khu vực, trên toàn cầu và biến động đã xẩy ra trong bang giao Việt - Trung, đặc biệt là những tiến triển bất định và bất toàn về mọi mặt từ nay đến cuối năm.

"Quả thật, chuyến thăm của mẫu hạm USS Theodore Roosevelt có thể mở ra một giai đoạn "đột phá", nếu hai nước tiếp tục giữ được nhịp độ cải thiện quan hệ như hiện nay. Đặc biệt, hai bên Việt - Mỹ bắt đầu coi trọng hơn những ưu tiên chiến lược của nhau. Không chỉ trên "ngôn ngữ ngoại giao" mà đi vào thực chất. Mỹ cần triển khai mạnh mẽ hơn FONOP, còn Vietnam cần giữ cho một Biển Đông đừng có xấu hơn những năm qua. Mỹ không phê Việt Nam mạnh như lên án ban đầu của ông Trump, Việt Nam tích cực hơn trong quá trình làm cân bằng cán cân thương mại.

"Ý nghĩa thứ hai, nó thể hiện ở sự khác nhau trong chuyến thăm lần này của Hải quân Mỹ so với lần 2018. Lần trước, Mỹ và Bộ tứ chỉ mới khai sinh ra IPS, dù là khai sinh tại Đà Nẵng (nay đổi tên thành FOIP). Lần này FOIP đã được 28 tháng tuổi, có một đối tác AOIP hình thành về nhận thức của bộ khung. Lần trước, chưa có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (chỉ mới manh nha), chưa có tình hình hậu - Tư Chính và đặc biệt là chưa diễn ra Covid19 ở TQ cũng như trên toàn cầu. Tất cả những nhân tố này làm cho cái vạc dầu ở khu vực đặc biệt trên Biển Đông tăng thêm độ sôi.

"Vừa qua, do Covid19 nên báo chí cũng dư luận tạm lơ là về Biển Đông, trong khi tình hình ở đây rất đáng lo ngại. Không rõ là chính quyền Trump đã đưa công hàm phản đối chính phủ Trung Quốc vụ chiếu la-de chưa, nhưng đây là dấu hiệu nguy hiểm trong quan hệ Trung - Mỹ.

"Với hai ý nghĩa sát sườn vừa phân tích, việc Việt Nam chấp thuận đón đội tàu hải quân Mỹ, phát lộ ra ý nghĩa thứ ba, đó là Việt Nam có một động thái khá nhuần nhuyễn giữa ngoại giao song phương và đa phương. Tức là chuyến thăm không chỉ tạo dấu ấn nổi bật sau một phần tư thế kỷ (25 năm) trong mối quan hệ vừa duyên vừa nợ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, mà trên bình diện khu vực, thậm chí liên khu vực, so với các thành viên Asean khác, Việt Nam đã có một bước đi khá ngoạn mục.

"Bước đi chủ động này càng có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Asean vừa qua không phải lúc nào "cơm cũng lành canh cũng ngọt": Philippines tình chuyện bỏ VFA, quan hệ Philippines - Mỹ trục trặc. Rồi chuyện chỉ có ba nước Asean gặp đoàn Mỹ ở Thái Lan, việc đình hoãn gặp cấp cao Mỹ - Asean tại Las Vegas (trước đó, chỉ 5 nước cam kết qua Mỹ)…

'Quả ngọt của gắn kết và thích ứng'

Từ những quan sát trên, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Trưởng Nhóm Tư vấn Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam thời kỳ trước đây (2001-2007), đề cập tiếp hai điều nữa mà ông cho là cũng có ý nghĩa quan trọng từ chuyến thăm của các tàu hải quân Mỹ:

"Thứ tư, nếu như rồi đây Bộ Việt Nam có ý định thúc đẩy ý tưởng xây dựng đất nước thành một cường quốc bậc trung, thì những động thái song phương và đa phương quyện trong nhau như chuyến thăm hải quân Mỹ hiện nay sẽ mở ra một viễn cảnh ngoại giao sáng sủa cho đất nước.

"Với chữ "nếu" ở đầu mệnh đề này, tôi muốn đề cập đến tính thận trọng của dự báo lạc quan này. Bởi vì sự thành công của khung khổ quan hệ, cái này không chỉ tuỳ thuộc vào ngoại giao, nó còn được quyết định bởi nhiều chiều kích khác.

Trong các nhân tố ấy, tính tự cường, ý chí độc lập trong quyết sách, "độ giãn Trung" của elite (nhóm tinh túy) lãnh đạo, tư thế đồng-dẫn dắt (cùng với các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia…) các chuyển động tích cực trong khu vực… có ý nghĩa quyết định. Nhất là trong tính hình khủng hoảng nội bộ ở Malaysia và Thái Lan, Việt Nam có thể nổi lên như một đối tác ổn định tương đối.

"Và ý nghĩa cuối cùng, Mỹ, Bộ tứ và Asean thấy rõ hơn chuyển biến bước đầu của Việt nam trong việc đáp ứng cái đón đợi của Bộ tứ, để rồi đây, khi các điều kiện khác chín muồi, Việt Nam sẽ trở thành một "thành viên theo sát" (shadow member) của FOIP.

"Vào thời điểm hiện nay, nhiều người có thể vẫn nghĩ, điều này chỉ là ảo tưởng. Nhưng nếu ta nhìn lại 25 qua, thì đúng như các nhà ngoại giao Việt, Mỹ từng khẳng định, nếu một khi cục diện chiến lược đòi hỏi, thì không gì là không thể trong quan hệ Mỹ Việt.

"Trước đây, khi chưa có khoa học vũ trụ, loài người đã có giấc mơ bay lên mặt trăng... Kết lại một câu, đây là quả ngọt đầu tiên trong năm nay của nền ngoại giao "gắn kết" và "thích ứng".

"Một bước tiến nữa trên con đường "nối vòng tay lớn"… Hẳn nhiên, nếu không có những vị chua và vị chát của các sự kiện đối nội ở Việt Nam vừa qua như vụ Đồng Tâm, vụ Thủ Thiêm hay việc can thiệp vào đám tang của hoà thượng Thích Quảng Độ, thì những quả ngọt của nền ngoại giao "gắn kết" và "thích ứng" sẽ còn phát huy mạnh mẽ và hiệu quả hơn, vì lợi ích lâu dài quốc gia dân tộc," ông Đinh Hoàng Thắng nói với BBC.

1 nhận xét :

  1. Ở phố Trúc Bạch có ông GĐ học viện chính trị Bắc Kinh về hưu được phân công sang VN điều hành trong bóng râm đã sang lấy con gái 1 vị tướng làm vợ lẽ sống ở khu này, có lq gì không?

    Trả lờiXóa