Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

PHÁT HIỆN LÀM THAY ĐỔI NHẬN THỨC VỀ CHIẾN THẮNG BẠCH ĐẰNG?

Các chuyên gia nghiên cứu lịch sử đều cho rằng bãi cọc mới phát hiện ở Hải Phòng sẽ làm thay đổi và mở ra hướng nghiên cứu mới về trận chiến Bạch Đằng năm 1288. Ảnh Lê Tân

Cận cảnh bãi cọc cổ làm thay đổi nhận thức
về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288

Thanh Niên
18:16 - 20/12/2019

Theo các nhà nghiên cứu, bãi cọc gỗ cổ vừa được khai quật tại xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) sẽ làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước đế chế Nguyên Mông hùng mạnh.
 

Chiều 20.12, các nhà nghiên cứu lịch sử, đại biểu dự hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) đã thăm thực địa, nơi khai quật 27 cọc gỗ cổ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 năm 1288.

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 1.10, trong quá trình đào vườn, ông Nguyễn Tuân Triệu (ngụ thôn 3, làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) phát hiện 2 cọc gỗ dài hơn 3m, đường kính hơn 30 cm.

Người dân cho rằng đây có thể là cọc gỗ liên quan đến các trận đánh trên sông Bạch Đằng nên đã báo cơ quan chức năng. Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định cho khai quật, khảo cổ tại nơi phát hiện các cọc gỗ.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Hải Phòng, sau 2 tháng, đoàn khảo cổ đã khai quật được 27 cọc gỗ tại 3 hố. Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288.
.
Từ 2 cọc gỗ được tìm thấy khi đào vườn của một người dân, một di tích có giá trị lịch sử to lớn đã được phát hiện. Ảnh Lê Tân

Qua nắm bắt tình hình địa thế di tích tìm thấy cọc gỗ cổ, ông Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng, cho biết: “Đây có thể là bãi cọc mà quân dân nhà Trần lập lên để chặn không cho quân Nguyên Mông đi vào sông Giá. Qua đó, ép đại quân Nguyên Mông đang rút từ Phả Lại đi vào sông Bạch Đằng và rơi vào bãi cọc chính mà Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã bố trí”.

Cũng có chung quan điểm trên, giáo sư sử học Lê Văn Lan còn cho rằng: “Việc phát hiện thêm bãi cọc tại Hải Phòng cho thấy trận Bạch Đằng không chỉ là một trận đánh mà có thể là một chiến dịch có quy mô lớn".

Giáo sư Vũ Minh Giang đánh giá: “Khi phát hiện trận địa cọc này, với chúng tôi, những nhà nghiên cứu, thì sẽ phải sắp xếp lại, hình dung lại rất nhiều nhận thức về trận chiến Bạch Đằng”.

Theo giáo sư Vũ Minh Giang, những hiểu biết, nghiên cứu trước đây về trận Bạch Đằng dựa nhiều vào bãi cọc ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Bãi cọc mới ở Hải Phòng có thể còn lớn hơn bên Quảng Yên nên chưa biết trận đánh chính của chiến dịch Bạch Đằng nằm ở đâu.

“Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng khiến chúng ta có nhận thức mới, thậm chí đảo lộn nhận thức về trận Bạch Đằng”.

Trên thực tế, người dân địa phương cho biết, khu vực tìm thấy 29 cọc gỗ cổ từng là lòng sông. Theo ghi nhận của chính quyền địa phương, nhiều cọc gỗ tương tự 29 cọc gỗ cổ đã từng được người dân tìm thấy trong quá trình canh tác ở đây.

27 cọc gỗ cổ đã được tìm thấy trong 3 hố khai quật rộng 950 m2. Ảnh Lê Tân

Hố 1 rộng 280 m2 phát hiện 17 cọc. Ảnh Lê Tân

Hố 2 rộng 198 m2 phát hiện 2 cọc. Ảnh Lê Tân

Hố 3 rộng 472 m2 phát hiện 8 cọc. Ảnh Lê Tân

Kết quả giám định C14 cho thấy các cọc có niên đại từ năm 1270 - 1430. Ảnh Lê Tân

Các cọc phân bố theo chiều đông - tây, đường kính từ 26 - 46 cm. Ảnh Lê Tân

Trên các cọc có ngoàm dùng để buộc dây kéo. Ảnh Lê Tân

Một số cọc được cắm thẳng, một số lại nằm nghiêng. Ảnh Lê Tân

Các chuyên gia nhận định, bãi cọc có thể là một phần trong chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 và được bố trí để ngăn quân Nguyên Mông đi vào sông Giá. Ảnh Lê Tân 

_____________________
Nguyễn Xuân Diện

Tôi vui mừng khi được tin phát lộ bãi cọc gỗ cổ vừa được khai quật tại xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) mà báo chí đã đăng tải. Nhưng không khỏi lo lắng trước các tuyên bố, nhận định có vẻ vội vàng của các nhà khoa học về phát hiện này, nhất là phát biểu của các ông Vũ Minh Giang, Lê Văn Lan.

Mộ cổ Dương Lôi (Nhận định vội vàng, dẫn đến phải chữa cháy), Hoàng thành Thăng Long (Mới đào được phần ...hậu cung của các bà), Bia đá mộ Trạng Trình (lừa đảo, mê tín), Ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo (có dấu hiệu lừa gạt)... là những tuyên bố vội vàng và nhiều vấn đề còn cần làm sáng tỏ.

1 nhận xét :

  1. Ở bức ảnh đăng dưới cùng , hơn 10 người đứng sát cạnh cây gỗ quá lớn .Tôi trộm nghĩ rằng các cụ nhà mình chẳng dùng (mà cũng chẳng thể dùng) cây gỗ to đặc biệt như thế này để làm cọc trong trận thủy chiến . Mong các nhà sử học lưu ý để có kết quả nghiên cứu đúng đắn .

    Trả lờiXóa