Thứ Ba, 17 tháng 12, 2019

NHỮNG LỖ HỔNG TỪ "QUY TRÌNH QUY HOẠCH CÁN BỘ"


NHỮNG LỖ HỔNG TỪ 'QUY TRÌNH QUY HOẠCH CÁN BỘ'

Mai Thanh Sơn
Những bê bối/lùm xùm của quan chức xứ Đông Lào những năm qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng một trong những nguyên nhân không thể không kể đến, đó chính là quy trình "quy hoạch cán bộ". Tất cả các vị trí quản lý trong hệ thống chính trị đều phải tuân thủ theo quy trình "quy hoạch", và ứng viên phải đảm bảo đủ các tiêu chuẩn tương ứng về HỒNG và CHUYÊN. Nghe thì tưởng chừng rất khoa học/bài bản, nhưng thực chất, quy trình này chứa đầy những lỗ hổng rất khó kiểm soát và khắc phục.

Để có thể tham gia hệ thống chính trị/quản lý nhà nước (bao gồm cả việc quản lý ở các cơ quan chuyên môn/viện nghiên cứu), đảng viên là tiêu chuẩn bắt buộc. Nhưng đảng viên không cũng chưa đủ. Vô đảng rồi, phải qua các cấp học chính trị: cán bộ quản lý cấp xã/phường bắt buộc phải qua trường chính trị của huyện/quận hoặc tỉnh/thành phố. Cán bộ quản lý cấp huyện/quận trở lên, bắt buộc phải qua Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để lấy bằng Lý luận cao cấp. Ở các Bộ/Ngành và các cơ quan chuyên môn/viện nghiên cứu cũng tương tự như vậy. Tiêu chí này chính là lỗ hổng để bọn cơ hội có thể dễ dàng chen chân. Ngược lại, những người ngoài đảng và giàu lòng tự trọng, dù có là bậc kỳ tài cũng đừng có bao giờ mơ đến một vị trí nào đó trong bộ máy quản lý nhà nước.

Đối với tiêu chuẩn về chuyên môn, tốt nghiệp đại học là yêu cầu tối thiểu đối với Bí thư/Chủ tịch xã/phường. Cao hơn nữa thì Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ. Chuyện chạy bằng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn cũng bắt đầu từ đây mà ra. Các lò ấp nở rộ khắp nơi, từ trung ương đến địa phương. Bằng thật/học đểu chắc chắn không ít hơn bằng đểu. Tiêu chí về chuyên môn không chỉ làm hỏng cán bộ, mà còn góp phần không nhỏ vào việc làm hỏng một bộ phận (cũng không nhỏ) ông/bà thầy.

Nhưng đến đoạn này mới thực sự ghê răng: đua chen để được lực chọn. Thông thường, ghế ít mà đít thì nhiều. Mỗi ghế, khi "quy hoạch", các "đấng bậc bề trên" bao giờ cũng nhắm đến vài ba, thậm chí là dăm bẩy "đối tượng". Cuộc đua tranh giữa các "vận động viên bất đắc dĩ" thường bắt đầu từ một vài năm trước mỗi kỳ đại hội. Đủ mọi ngón đòn được các bên đem ra vận dụng: gia nhập các "nhóm lợi ích", tranh thủ cấp trên, hứa hẹn cấp dưới, khai thác sơ hở hoặc giăng bẫy để triệt hạ đối thủ, và điều không thể thiếu là chung chi. "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Đã đua chen trên quan trường, không thể không có người thắng/kẻ thua. Thằng nào mạnh gạo bạo tiền thì thắng. Vậy thôi. Cần gì tài năng? Những kẻ thua thường ôm mầm hận, chính từ đó dễ dàng nảy sinh những mâu thuẫn nội bộ. Nhưng kẻ thắng cũng không thể thảnh thơi. Chúng không chỉ cần thu hồi vốn mà còn muốn làm giàu thêm. Và tham nhũng là con đường duy nhất/nhanh nhất để đạt được mục đích này. Không chỉ làm trò cười cho thiên hạ bởi những phát ngôn ngây ngô/vô lối, mà chính những kẻ bất tài nhưng "được chọn" bởi "quy trình quy hoạch cán bộ" đang tàn phá đất nước/làm mất lòng tin của nhân dân một cách kinh khủng nhất.

Muốn góp phần khắc phục tình trạng quan tham nhưng bất tài, cần sớm tìm ra quy trình tuyển chọn nhân tài khác, thay thế cho "quy trình quy hoạch cán bộ" như hiện nay.

1 nhận xét :

  1. Không chỉ làm trò cười cho thiên hạ bởi những phát ngôn ngây ngô/vô lối, mà chính những kẻ bất tài nhưng "được chọn" bởi "quy trình quy hoạch cán bộ" đang tàn phá đất nước/làm mất lòng tin của nhân dân một cách kinh khủng nhất.

    Trả lờiXóa