Thứ Hai, 8 tháng 5, 2023

Nguyễn Xuân Diện: VỀ LỊCH SỬ CÁI YẾM CỦA ĐÀN BÀ VIỆT


Nguyễn Xuân Diện
VỀ LỊCH SỬ CÁI YẾM CỦA ĐÀN BÀ VIỆT

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư….
(Ca dao cổ)

Một trong những phụ tùng rất đặc sắc của đàn bà Việt là cái yếm. Yếm là cái áo lót, là cái cooc xê (nịt vú) cổ của đàn bà Việt Nam. Chính vì yếm là vật để bao che cho một bộ phận đẹp nhất và gợi cảm nhất và lại là mặt tiền của cơ thể một người phụ nữ, nên yếm đã đi vào ca dao, đồng dao Việt Nam với những câu ca đẹp và thú vị lắm!


Yếm là phụ tùng để che hai bầu vú phụ nữ, được tạo ra bằng một tấm vải hình vuông, (4 cạnh), trong đó hai cạnh vuông góc ở trên được khoét hình vòng cung để vừa với cổ, tạo ra hai chiếc dây nhỏ xinh buộc lại sau cổ. Hai chiếc dây này dùng để treo cả cái yếm lên cổ (có nhẽ thế nên người ta gọi yếm là chiếc cầu treo cổ nhất, đồng thời cũng gọi là gióng treo thịt). Đầu hai góc còn lại cũng lại được xẻ ra thành hai sợi dây để buộc giữ cái yếm được sát vào cơ thể. Góc còn lại, buông xuống hoặc nhét vào trong dây thắt lưng.

Yếm mặc vừa mát, vì không chịt vào bầu vú chặt như cooc xê của Tây, và có độ thông thoáng không hề bịt kín. Yếm cũng cho người chủ của nó thoải mái trong công việc, cử động. Đúng như bác Hoàng Thanh viết: “Cái yếm đào ngày xưa và cái áo lót thời nay - coocxe của phụ nữ luôn luôn là một trong những thời trang của phái đẹp. Xưa người phụ nữ nghèo thì yếm vải sồi, nâu sồng, người phụ nữ giàu ở thành thị thì dùng loại đắt tiền. Nó dùng để che và nâng ngực của họ. Nó nâng vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ lên đẹp hơn, hấp dẫn hơn bởi một thấp thoáng, mờ tỏ, thực hư, sương ảo, mềm mại nhưng rắn khỏe, tràn đầy sức sống và niềm kiêu hãnh... của họ. Chiếc áo ngực đóng một vai trò rât quan trọng không thể thiếu được trong hành trang của phụ nữ. Cái áo ngực đẹp là cái áo phải hội tụ những yếu tố làm tăng lên vẻ đẹp, hấp dẫn của cơ thể phụ nữ”.

Ít ai biết cái yếm có một lịch sử xa xưa lắm, và gắn bó với 1 người đàn bà đẹp trong lịch sử. Người đàn bà đó vô tình trong cơn giận, hay cơn xấu hổ đã tạo ra cái yếm hiện nay.

Tôi nghe được câu chuyện kể rằng: Trong một dạ tiệc ở trong cung, khi Đường Minh Hoàng và Dương Quý phi đang thưởng thức các vũ điệu và uống rượu thì An Lộc Sơn vì hơi quá chén mà ghẹo Dương Quý phi. An Lộc Sơn được vua Đường Minh Hoàng nhận làm con nuôi, và vì vậy, cũng là con nuôi của Dương Quý phi, mặc dù Dương Quý phi kém anh ta 16 tuổi. Hai người này, bên ngoài là mẹ - con, nhưng bên trong là tình nhân của nhau.

Khi nhạc nổi lên, các vũ nữ quay cuồng trong các vũ điệu Nghê thường hoan ca, An Lộc Sơn say la đà, mới thò tay bóp vú Dương Quý phi. Không may, nhũ hoa của Dương Quý phi bị xước, rớm máu. Quá bất ngờ và xấu hổ, nàng nhanh tay giật lấy chiếc khăn vuông thêu hoa trên tay vũ nữ đưa lên che ngực. Nàng dùng ngay những giải tua trên khăn thêu là dây buộc lên cổ. Cuộc vui vẫn tiếp diễn mà không hề bị xáo trộn. Nhưng cũng ngay lúc đó, tất cả các vũ nữ đều lấy một trong hai chiếc khăn thêu trên tay buộc lên cổ che cho khuôn ngực. Chính điều này khiến Dương Quý phi vô cùng bất ngờ và thú vị!
.

Từ đó, chiếc khăn vuông được khoét một góc để thành chiếc yếm trở thành một thời trang được ưa chuộng khắp nơi, từ trong cung ra đến dân gian, rồi lan rộng khắp trung nguyên và lan sang cả An Nam xa xôi.

Về sau, người Trung Hoa không còn dùng chiếc yếm nữa, nhưng nó được “hóa thạch ngoại biên” tại Việt Nam, vì loại nội y này phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam. Và nó trở thành món trang phục mang quốc túy quốc hồn của người Việt suốt chiều dài lịch sử.


Ông Nguyên Văn Thiệp (sinh năm 1953, quê làng La Phù, huyện Hoài Đức, HN) kể: "Lớp người già xưa ở quê mình thường hay hát "ví". Thuở bé mình nghe bà thím của mình hát trong lúc bà ngồi khâu áo:

Cái yếm sinh ở nhà Đường
Vì An Lộc đụng vú nường Quý Phi

Mình nghe thấy thế, liền thắc mắc: 

- Thím ơi, cái yếm là của Việt Nam, sao lại sinh ra ở Trung Quốc.

Bà thím trả lời: 

- Thì tao thấy mọi người hát thế, thì tao cũng hát theo mà!". (Hết trích).

Nhân đây cũng xin nói thêm, có thể Kimono của người Nhật hay Hanbook của người Hàn cũng là “hóa thạch ngoại biên” của Đường Tống chăng?

Rất mong được ý kiến của chư vị quân tử khắp nơi về câu chuyện cái yếm. Bác nào có tư liệu khác hoặc có ý kiến khác, tôi xin được lắng nghe, tiếp thu. Xin đa tạ!


-------
Tái bút: Địa điểm bán yếm lụa ở Thăng Long Hà Nội xưa là số nhà 38 Hàng Đào. Nay còn tấm bia đã khắc thời Tự Đức nói rõ về cửa hàng bán yếm này.

Ý KIẾN BÌNH LUẬN CỦA CƯ DÂN MẠNG:

Canh Tranthanh
Yếm muôn năm! Cực đẹp! Cơ mà tôi không tin cái giai thoại yếm liên quan đến Dương Quý Phi bên Trung Hoa xưa! Tôi cho đây là một sản phẩm thuần Việt! Còn cái giai thoại đó chắc do mấy tay hủ nho viết ra thôi!

Cô Ba Bắc Kì
Ko cần biết xuất xứ, nhưng cái YẾM của đàn bà Việt rất chi là gợi, là tình đó TS ah., giá có luận án về đề tài này thì giá trị biết bao.

Trọng Hải
Khi tôi bắt đầu biết nhớ khoảng 3tuổi thì tôi nhớ là cho đến khi mất bà nội tôi luôn mặc Dải Yếm. TS Nôm học nói nôm na Yếm là hình vuông nhưng thực tế tôi chưa thấy vuông và cũng không phải là hình bình hành. Nó có hình Kate bị khoét ở đỉnh góc cạnh ngắn. Khoét theo cổ từng cô

Pham Thuy Vinh
Tích yếm đào gắn với Dương thị bên Tàu vẻ như không hợp lý, có lẽ nó thuần Việt hơn mới đúng. Nhận xét ko liên quan đến việc yêu ghét, tôi vẫn nghĩ đó là sản phẩm bình dị lâu đời của người Việt.

Nguyễn Văn Dũng VH
Phải nói cái Yếm của phụ nữ Việt khi mặc nó lên đẹp hơn nhiều phần thiệt !
 
Đòan Tùng Nguyễn
Tôi nghĩ cái yếm đào là thuần Việt.
Bà ngoại tôi (sinh khoảng 189x-1965) là người vẫn tự khâu và dùng yếm đào cho đến lúc mất. Gia đình ông bà ngoại tôi ở phố Hàng Vải Thâm HN và buôn bán vải và thuốc nhuộm vải. Tôi đã được xem bà tự khâu yếm đào, và giảng giải: mua khoảng 10 tấc vải (khoảng 1m chiều dài), chiều rộng theo khung cửi thời đó khoảng gần 40cm (?). Cắt hai đầu khổ vải cho nó thành hình vuông. Phần cắt thừa ra được nối vào nhau để làm thành khăn vấn tóc. Tấm vuông còn lại được khoét cổ và khâu dây treo vào để làm yếm. Bà bảo: răng đen và yếm đào là hai đặc điểm của phụ nữ thuần Việt mà người Tàu không đồng hoá được.
Có lần hỏi mẹ tôi (1915-2007)- tại sao lại gọi là “yếm đào” ? Mẹ cười, bảo: “yếm” là giống cái yếm của con cua cái. Còn “đào” là 2 cái “ti”.
Tôi không dám chắc khẳng định tính lịch sử và nguồn gốc của yếm đào bằng những cứ liệu hồi ức về bà ngoại và mẹ của tôi.
Thế ạ.

Đàm Chu Văn
Tôi đã thấy bà nội tôi tự tay làm yếm và đã thấy bà, thấy mẹ mặc yếm suốt một đời. Nhưng nói là cái yếm bắt đầu từ Dương Quý Phi thì tôi chưa thấy thuyết phục lắm ạ. Cái yếm thích hợp với người ở xứ nóng, ấm. Mùa hè làm việc trong nhà nhiều người phụ nữ trung tuổi trở lên thường không mặc áo ngoài mà chỉ mặc yếm cho mát. Cái yếm rất tiện lợi. Xứ lạnh phải áo trong áo ngoài. Cho nên theo thiển nghĩ của tôi cái yếm chính là do người Việt Phương Nam sáng tạo ra.

Nguyễn Quang Tuyến
Về LS cái yếm thì tôi không rõ. Nhưng nó có ở Việt Nam đã nhiều thế kỷ. Nó đẹp, thuận tiện và rẻ nhất có thể. Nó là một vuông vải thôi, lấy kéo cắt một đường theo ý muốn. Viền lại, khâu thêm 4 sợi dây buộc là xong. Người đàn bà nào cũng tự khâu được. Người đàn bà nhà quê thì giản dị hơn người TP. Những cụ bà bây giờ còn sống khoảng 100 tuổi thì thường mặc váy yếm ở nhà, ra đường hoặc đi đâu đó thì khoác thêm áo cánh. Mùa hè nóng nực loanh quanh ở xóm các bà cũng chỉ diện yếm thôi. Trông cũng thi vị ra phết đấy.
Còn cái quang treo thịt là cái cooc xê của tây. Ở TP tân thời thì từ thời ông Văn Minh đã chớm quen rồi. Còn ở nông thôn miền Bắc từ những năm 1960-1965 thì còn rất mới. Trường phái yếm chưa quen thì chua là quang treo thịt. Cũng như tóc phi dê ở TP là mốt, người nhà quê chưa quen, nên có câu hát xuyên tạc bài gì tôi không rõ, nhưng nội dung thế này : đầu phi dê trông mà buồn, đầu phi dê trông chán ghê, anh em ơi ! Đầu phi dê trông mà buồn, thà đội rế lên đầu còn đẹp hơn cô phi dê.

Dui Duc
Không biết thực hư nguồn gố của cái yếm như trên đã viết, đúng sai đến đâu. Nhưng! Rõ ràng, cái trang phục đó, rất đẹp, làm người mang nó, rất quyến rũ. Dù đẹp đến đâu, mà có nguồn gốc từ Tầu, ta cũng nên DẸP. Cũng may, nó đã được Âu hóa từ khi người Pháp khai hóa nền văn minh. Ta đỡ phải làm cuộc vận động bài Trung.

Nguyễn Cảnh Thuỵ
Câu chuyện về Dương Quý Phi và cái yếm có lẽ chỉ là huyền thoại cũng như nhiều huyền thoại khác, nó nói lên tâm lý thần phục và lệ thuộc Tầu đã trở đi vào tâm thức người Việt. Cái gì cũng lấy Tầu (nhất là hoàng đế và giới văn nhân) làm mẫu mực, khuôn thước để mô phỏng theo và bắt trước(?)

Khoan Pham
. Thời tiết ở Trung nguyên lạnh, mát cả mùa hè, nơi đây không thể là quê hương của cái yếm.
Nước Nam khí hậu nóng và ẩm, rất có thể là quê hương thật của chiếc yếm.
Với đàn bà xưa yếm đi đôi với váy, mà cái váy (quần một ống) là bản quyền của Ta, đàn bà Tàu ko mặc váy (thì phải).
Xưa vải hiếm, sông nước nhiều mặc váy với yếm lội ao hồ, sông suối, cho con bú rất tiện mà vẫn kín đáo và mát mẻ.
“Đàn ông đóng khố đuôi lươn,
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh.”
(Ca dao cổ )
“Cô kia cắp nón đi đâu,
Trước ngực yếm thắm trên đầu khăn đen.
Hay là vớ phải ma men,
Muốn lên quan huyện bắt đền hay chăng?”
(Tản Đà cải biên)

Huệ Chi
Bài viết hay! Chắc e phải mượn tứ bài viết Yếm để cho vào ý tưởng Mẫu của em a! Rất thích ngắm các cô gái đẹp mặc áo yếm! Hồn Việt xưa...

Vo Nhan
Theo VN biết thì bài thơ tg viết có tựa đề : CHẾ NHÀ SƯ .
"Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sư sầu
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây." ( Ca dao Việt Nam)
☆ Bài thơ chế giễu nhà sư đã tu mà lòng còn vướng phải giới sắc. Chiếc yếm thắm là yếm có màu đỏ. Trang phục của PNVN xưa đã đi vào thơ , nhạc... tôn vẻ đẹp duyên dáng của người con gái xưa.
Vài dòng góp vào cho trọn vẹn bài ca dao .

Chu Mộng Long
"Từ đó, chiếc khăn vuông được khoét một góc để thành chiếc yếm trở thành một thời trang được ưa chuộng khắp nơi, từ trong cung ra đến dân gian, rồi lan rộng khắp trung nguyên và lan sang cả An Nam xa xôi". Tào lao! Chuyện bịa, vì không có căn cứ để nói yếm có nguồn gốc từ Trung Hoa lan sang An Nam.

Nguyễn Công Lý
Ông Diện ơi, theo sách xưa ghi chép thi thời đại Văn Lang (Hùng Vương) trang phục của người Việt cổ như sau: đàn ông đóng khố cởi trần, đàn bà mặc yếm mặc váy. Vậy cái yếm ở ta đã có từ lâu rồi, chứ không phải chịu ảnh hưởng từ đời Đường (618-907) bởi Dương Quý Phi.

Nguyen Dang Hung
Nguyễn Công Lý Tôi cho thuyết này hợp lý hơn! Thật vậy, yếm là y phục dân gian! Không thể xuất phát từ cung đình vua chúa nhất là xa xôi tận Tràng An Trung quốc! Có lẽ người đời muốn quý tộc hoá chiếc yếm nên thêm câu chuyện An Lộc Sơn Dương Quý Phi đó! Ngay câu chuyện cũng có vẻ khiên cưởng vì là tình nhân lén lút mà An Lộc Sơn cả gan dở trò khả ố trước cung đình ư? Khó là sự thật vậy!

Nguyễn Anh Sơn
Ngày xưa, chỉ đi hội đi lễ mới mặc áo, ngày thường thì chỉ mặc yếm thôi!Phụ nữ thanh tân được trời cho sở hữu một tòa thiên nhiên thì cái yếm che vừa phải, hở vừa phải, có vậy quân tử mới dùng dằng đi không dứt!

Thơm Phùng Minh
chính ra mặc yếm ,đẹp ,thỏa mái ,và không bị tắc sữa ,không bị ung thư vú ,nó đỡ nhẹ cho lồng ngực khi chạy ,nhẩy cao thôi ...nó thoáng ...mặc áo lót bây giờ nóng ,bó ,khó chịu lắm ...kkk cảm ơn một người đàn ông lại hiểu rõ thế ..và thông cảm cho đàn bà ...hơn


1 nhận xét :

  1. Cái BÍCH LA NHU của nàng HẠ CƠ thời XUÂN THU dùng để làm gì ạ ?

    Trả lờiXóa