Nguyễn Quang Duy
4-9-2018
Tìm hiểu lịch sử là công việc vô cùng thiết yếu vì có hiểu người xưa,
có hiểu được lịch sử mới hiểu được vận mệnh nước nhà mà khôi phục lại.
Trên Diễn đàn BBC nhà báo Nguyễn Giang đưa ra một cách nhìn khá mới lạ
để ghi công và đánh giá những nhân vật lịch sử đã đóng góp cho việc
truyền bá chữ Quốc ngữ. “Các vị truyền giáo có công tạo ra bộ mẫu chữ,
nhưng việc này không có gì quá độc đáo hay quá khó khăn và giả sử nếu
không có họ thì việc đó cũng có thể làm được sau này.”
Ý kiến cũng nói rằng Trung Hoa, Thái Lan, Ấn Độ, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ và
nhiều quốc gia khác đều đã có những văn tự bằng tiếng La Tinh nhưng
chưa bao giờ trở thành chữ Quốc ngữ của họ. Cũng theo nhà báo Nguyễn
Giang, Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ xóa hàng rào cản tâm lý quá lạc hậu để
giới sỹ phu yên tâm dùng chữ Quốc ngữ.
Và rằng chính nỗ lực tiên phong quảng bá Quốc ngữ là của trí thức
miền Nam và nhờ chính sách tiến bộ, khoa học của chính quyền Pháp tại
Đông Dương tạo đà cho chữ Quốc ngữ lan tỏa. Nhưng tôi nghĩ cũng lạ tại
sao ba nước Việt, Miên và Lào có chung hoàn cảnh, đều là thuộc địa của
Pháp mà Miên và Lào lại không sử dụng La Tinh làm chữ Quốc ngữ.
Ở đây cần xem công lao các vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, dù họ không thực sự nắm quyền thời Pháp thuộc.
Sắc lệnh của Vua Thành Thái
Theo sử gia Liam Kelley (2016) vào đầu thế kỷ XX cả người Pháp lẫn
những nhà cách mạng đều không đủ quyền lực để chữ Quốc Ngữ có thể lan
sâu rộng xuống đến tận cấp độ làng quê. Qua nghiên cứu những nguồn tài
liệu trong giai đoạn này, sử gia Liam kết luận chính nhà Nguyễn mới đi
đầu trong công cuộc cải cách giáo dục.
Trong bài “Emperor Thành Thái’s Educational Revolution”, sử gia Liam
Kelley (2016) đã công bố sắc lệnh của vua Thành Thái được lưu trữ trong
sách Đại Nam Hội Điển Sử Lệ Tục Biên. Bài viết được Nguyễn Hồng Phúc
lược dịch có đoạn như sau:
“Hoàng đế Thành Thái đã tuyên bố trong một sắc lệnh rằng vào năm
trị vì thứ 18 của ông (năm 1906), cha mẹ có thể quyết định việc cho con
theo học một trường ấu học Hán văn hoặc một chương trình giảng dạy Nam
âm (Quốc ngữ).
Với những người học theo chương trình Hán văn, sẽ có một cuốn
sách giáo khoa được soạn ra nhằm giới thiệu những từ chữ Hán theo cấp độ
khó dần. Nó cũng bao gồm một danh mục các Hán tự kèm theo phiên âm và
định nghĩa bằng quốc ngữ được dùng trong tài liệu.
…Trong khi, một cuốn sách giáo khoa bằng quốc ngữ khác sẽ được
soạn ra để dạy những người theo chương trình học ‘Nam âm’ nhằm giới
thiệu cho họ những thông tin cơ bản về xứ Đông Dương, thiết chế cai trị
của nó, những phong tục tập quán…
Thêm vào đó, cũng có thêm một cuốn sách nữa được dịch từ Hán văn
sang Nam âm nhằm cung cấp những loại thông tin mà học viên đang luyện
thi khoa cử cần biết. Bản dịch này được soạn ra cho những người không
muốn thi khoa cử, nhưng nó vẫn được đưa vào chương trình để cho họ biết
thêm về những gì mà những người đang luyện thi khoa cử phải học…”
Sắc lệnh này vô cùng quan trọng vì khi nhà vua ra lệnh sử dụng chữ
Quốc ngữ là nhà vua đã công khai ý định muốn thấy tầng lớp quan lại và
sỹ phu phải thoát khỏi ảnh hưởng Trung Hoa trong giáo dục, văn hóa, và
nhất là tư tưởng.
Vừa thoát Trung vừa chống Pháp
Xin nhắc lại về cuộc đời vị vua trẻ tuổi. Vua Thành Thái lên ngôi
năm 1889, đến năm 1907 bị Pháp ép thoái vị. Ngài bị quản thúc ở Vũng Tàu
rồi đến năm 1916 bị đày sang đảo Réunion. Vua là người cầu tiến, học
tiếng Pháp, có hiểu biết khá toàn diện, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, phong
cách của người theo tân học.
Nhà Vua thường xuyên tiếp xúc với sỹ phu và dân chúng, đồng thời
trọng dụng nhiều nhân tài, thanh liêm, đức độ với hy vọng khôi phục và
canh tân đất nước. Sắc lệnh cho dạy quốc ngữ chính là văn bản ủng hộ
Phong Trào Duy Tân (1906) và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) thúc đẩy việc
theo tân học và dùng chữ quốc ngữ.
Cắt tóc ngắn trở thành một dấu hiệu của người theo tân học. Nhiều
thanh niên lúc ấy sắm cho mình một cái kéo, đi tuyên truyền, vận động
cắt tóc và vận động canh tân. Đến khi Vua bị người Pháp ép thoái vị năm
1907 hình ảnh một vị vua yêu nước, chống Pháp, cắt tóc ngắn nhanh chóng
lan tỏa xuống đến tầng lớp nông dân.
Tháng 3 năm 1908, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam, nông dân đầu cắt tóc
ngắn lũ lượt kéo đến các phủ huyện đòi giảm sưu giảm thuế. Tất cả đều
hớt tóc ngắn đi thành đoàn, phong trào mở rộng vào Nam đến Bình Định,
Phú Yên và ra Bắc đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Pháp và triều Nguyễn gọi cuộc
biến động này là Giặc cắt tóc, ở Bình Định gọi là Giặc đồng bào, sau nầy
được đổi lại là cuộc Dân biến Trung kỳ.
Đây là cuộc đấu tranh bất bạo động đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và
đoàn biểu tình lấy biểu tượng là Vua Thành Thái một vị vua yêu nước,
theo tân học và chống Pháp. Như vậy ngay từ đầu thế kỷ thứ 20, người
Việt đã công khai thực hành phương pháp đấu tranh bất bạo động với biểu
tượng vua Thành Thái, có tổ chức, có chiến thuật, có mục tiêu và có
chiến lược một cách rất rõ ràng.
Cuộc đấu tranh bất bạo động bị Pháp đàn áp dã man. Nhiều người tổ
chức và tham dự bị bắt, phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục bị
dập tắt.
Các vị Vua tiếp tục cải cách
Năm 1907 vua Duy Tân tiếp nối việc cải cách giáo dục bằng cách cho
thành lập Bộ Học nhằm cai quản việc học hành và thi cử. Thượng thư Bộ
Học Cao Xuân Dục là một nhà giáo dục cổ vũ thực học, thực tài, bỏ đi
kiểu học từ chương, xa rời thực tế và chủ trương phát triển nền giáo dục
“không học vì bằng cấp” mà phải học lấy thực tài để ra giúp dân, giúp
nước. Đáng tiếc ông lại hết sức bài bác chữ Quốc ngữ, nhưng không phải
vì thế mà chữ Quốc ngữ bị đưa ra khỏi nền giáo dục.
Theo Trần Gia Phụng từ năm 1909, chương trình thi Hương bắt buộc thí
sinh phải làm các đề thi luận văn bằng cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ. Ngày
26 tháng 11 âm lịch năm Mậu Ngọ (tức ngày 28/12/1918) vua Khải Định ra
đạo dụ chính thức bãi bỏ khoa cử kiểu Hán học. Năm 1919 là năm cuối mở
khoa thi Hương ở Huế, từ đó chữ Quốc ngữ thành chữ viết chính thức của
người Việt Nam.
Vai trò của các ông giáo trường làng
Bên cạnh các trường công do triều đình và người Pháp lập ra là một hệ
thống trường tư do các thầy đồ sau chuyển thành thầy giáo làng giảng
dạy. Mỗi làng có khi lên đến vài ba trường, hoặc dạy ở nhà thầy, hoặc ở
nhà người giàu có nuôi thầy cho con ăn học và cho con các nhà lân cận
trong làng theo học. Thầy đồ đa số là những người có học, có người đỗ tú
tài, có người là quan hồi hưu mở lớp dạy học. Thầy đồ hoàn toàn tự do
không chịu sự giám sát của triều đình.
Nhưng khi sắc lệnh cho dạy Quốc ngữ của vua Thành Thái được ban ra
thì chính các thầy đồ đã thay đổi đã tự học chữ Quốc ngữ để truyền dạy
lại cho học sinh. Ba lớp Đồng ấu học trước khi học sinh vào tiểu học đều
do các thầy giáo trường làng dạy hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ. Nhờ thế
chữ Quốc ngữ trở thành phổ thông đại chúng.
Những bộ sách giáo khoa như Sử ký địa dư giáo khoa thư, Luân lý giáo
khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư, được học giả Trần Trọng Kim và các
cộng sự biên soạn để dạy lớp ấu học trường làng. Bộ sách giáo khoa ‘Việt
Nam Sử lược’ được học giả Trần Trọng Kim soạn để dạy các lớp cao hơn và
đã hoàn toàn chỉ cho những người đã biết Quốc ngữ.
Lên lớp nhì và lớp nhất ở trường chính phủ, mỗi tuần chỉ dạy chữ Quốc
ngữ một giờ rưỡi và bậc trung học chỉ dạy ba giờ. Thời gian còn lại học
sinh được dạy bằng tiếng Pháp và hầu hết do người Pháp dạy. Từ đó ta
thấy được căn bản tiếng Việt, sử địa, luân lý, văn hóa về Việt Nam của
học sinh hầu như đều thu nhận được từ các thầy giáo trường làng.
Vua Bảo Đại là người Tây Học
Tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị Paris về nước, vua Bảo Đại bắt
tay ngay vào việc cải cách đất nước, mong từng bước khôi phục lại chủ
quyền quốc gia. Ngày 10/12 năm 1932, vua Bảo Đại cho công bố đạo dụ nước
ta theo chế độ Quân chủ Lập hiến, nhà vua sẽ trực tiếp điều khiển nội
các và cho cải cách hành chính, giáo dục và tư pháp.
Một nội các mới đã được thành lập gồm những người trẻ theo tân học
như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đệ… Bộ Học được đổi tên thành Bộ
Giáo dục và giao cho Phạm Quỳnh từng là chủ nhiệm báo Nam Phong một
người luôn tha thiết với chữ Quốc ngữ điều hành.
Các cuộc cải cách của vua Bảo Đại đều bị người Pháp cản trở, riêng
cải cách về giáo dục nhờ Phạm Quỳnh được người Pháp tin nên ít bị cản
trở. Chữ Quốc ngữ được tăng giờ dạy ở các trường công. Nhờ thế sau khi
Nhật đảo chánh Pháp, trao trả độc lập cho Việt Nam, chỉ trong vòng 5
tháng chính phủ Trần Trọng Kim đã thực hiện thành công cuộc cải cách lấy
chữ Quốc ngữ làm ngôn ngữ chính trong giáo dục.
Bộ trưởng Giáo dục Hoàng Xuân Hãn có công lao lớn khi soạn cả sách
toán và kỹ thuật bằng tiếng Việt Quốc ngữ để dạy ngay trong niên học
1945-46 tại miền Bắc và miền Trung. Từ 1948 đến 1955, chính phủ Quốc gia
Việt Nam tiếp tục lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ giảng dạy đến hết bậc
trung học.
Bắt đầu từ chuyển biến tư tưởng thời Thành Thái
Học tiếng Pháp, theo tân học thoát khỏi tư tưởng Trung Hoa nên vua
Thành Thái đã hiểu rõ những khái niệm về tự do, dân chủ, quốc gia, dân
tộc, quân chủ, cộng hòa… hiểu từ sách Pháp không phải từ sách Trung Hoa.
Thay đổi quan trọng nhất của nhà vua là về mặt tư tưởng, về ý thức đất
nước không còn của nhà vua nữa mà là của quốc gia của dân tộc.
Quốc gia là một thực thể độc lập có chủ quyền thoát khỏi tư tưởng
thuộc địa hay chư hầu Trung Hoa. Khái niệm ‘quốc gia’ bắt đầu được sử
dụng đối nghịch với ‘thuộc địa’, ‘chư hầu’. Mặc dù không có quyền lực
trong tay các vua triều Nguyễn đã thực hiện thành công cải cách từ giáo
dục, văn hóa, đến chính trị đưa đất nước thoát khỏi ảnh hưởng của Trung
Hoa.
Bài học các vua triều Nguyễn đã thực hiện là nếu muốn cải cách giáo
dục phải bắt đầu bằng thay đổi tư tưởng cho chính mình. Vì thế, theo
tôi, nhu cầu thiết yếu của đất nước ngày nay không phải là cải cách tủn
mủn về phát âm, ký tự Quốc ngữ mà phải vừa thoát khỏi ý thức hệ cộng
sản, vừa thoát Trung để khôi phục các nền tảng cơ bản cho Việt Nam.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
4/9/2018
____
Tài Liệu Tham Khảo:
Liam Kelley (2016), Cải Cách Giáo Dục Của Vua Thành Thái, Nguyễn Hồng Phúc lược dịch.
Nguyễn Giang, Những người giúp chữ Quốc ngữ ‘làm nên’, BBC World Service
Trần Gia Phụng, Lịch sử chữ Quốc Ngữ.
Bây giờ đã có mật ước Thành Đô rồi, chúng đang thực hiện từng bước. Hãy cảnh giác và vạch mặt bọn chúng.
Trả lờiXóaRất nhiều người hiểu sai về triều Nguyễn vì bị học giáo trình lịch sử có nhiều thiên kiến ,sai lệch .Những bài như thế này giúp mọi người hiểu thêm một phần lịch sử .Không có triều đại đen xì ,cũng không có triều đại chỉ có 1 mầu rực rỡ chói lọi .
Trả lờiXóaNhà Nguyễn có rất nhiều vị vua tài giỏi,tinh thần dân tộc rất cao,không hề run sợ trước thực dân Pháp.
Trả lờiXóaNhưng tất cả đã bị "ban nghiên cứu văn hoá,lịch sử" che giấu,bóp méo,xuyên tạc một cách thảm hại.
Nhà Nguyễn khôn khéo, anh minh thoát Hán, theo đúng chân lý, ‘Đầy tớ thằng khôn hơn làm thầy thằng dại’. Nhật, Hàn cũng thoát Hán nhọc nhằn vì cơ hội thua xa Việt. ‘Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi’ là do có nhóm không tin dân, cần người khác phong vương?
Trả lờiXóa