Thứ Hai, 4 tháng 4, 2022

4 NĂM TRƯỚC TIỄN BÙI VĂN BỒNG CHUYẾN VIỄN DU CUỐI CÙNG


Nhà văn, Đại tá, Blogger Bùi Văn Bồng đã ra đi đột ngột cách đây vừa tròn 4 năm. Tưởng nhớ Anh - xin cùng đọc lại bài viết trong buổi tiễn đưa Anh 4 năm trước.

TIỄN BÙI VĂN BỒNG CHUYẾN VIỄN DU CUỐI CÙNG

Lâm Khang

Sáng nay, 5/4/2018, một nhóm thân hữu Hà Nội khởi hành từ sớm về Xứ Thanh để tiễn biệt Đại tá, Nhà văn, Nhà báo, Thi sĩ Bùi Văn Bồng đi vào cuộc viễn du mới, và là cuộc viễn du cuối cùng của ông.


Nhà văn Phạm Thành, người đồng châu quận, đồng môn với Đại tá Bồng rời khỏi nhà, khi mà có đến nửa tá nhân viên an ninh canh cửa suốt đêm qua và xông ra ngăn bước anh. Anh phải nói với đám lính này rằng: Báo cáo ngay với sếp của mày, hôm nay Phạm Thành về quê. Lập tức, thông tin này được báo cáo sếp an ninh. Chỉ vài phút sau, sếp phó của họ đã đi xe máy đến nhà Phạm Thành và đưa ra điểm đón xe đi Thanh Hóa.

Không được may mắn như Phạm Thành, nhà văn Nguyên Bình, con gái Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cũng bị canh cửa cả đêm trước. Sáng sớm, chị bước ra khỏi nhà đã bị chặn lại. Chị cho biết: Bảo nó là đi đám tang, nếu tốt thì đưa đến chỗ có xe đón. Lúc đầu nó đồng ý, lấy xe máy và mũ bảo hiểm cho mình, nó chở đi. Đã ngồi lên xe rồi nhưng một lúc sau, có tên khác ra cản. Nó bảo cấp trên không đồng ý. Mình bảo nó không cho đi đám tang là vi phạm pháp luật và bất nhân. Nhưng chúng nó trơ mặt ra, cứ viện cớ là lính thì phải theo cấp trên. Và thế là nữ sĩ Nguyên Bình đành phải ở nhà...

Đoàn gồm: Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Nhà văn Phạm Thành, Doanh nhân Phan Khang, Thạc sĩ Đào Tiến Thi, các nhà giáo Hoàng Hà, Lê Thái Học và Nguyễn Xuân Diện, trực chỉ Thanh Hoa trấn.

Đến nơi, sắp chính ngọ, mặt trời đã đứng bóng. Vội vào viếng Đại tá Bồng. Và chờ đến đầu giờ Mùi (13h00) dự lễ truy điệu, và tiễn đưa Anh ra nơi an nghỉ cuối cùng trên sườn Núi Đỏ, là nghĩa trang làng Duyên Hy quê Anh.

Trước đó, sáng sớm đã có đoàn của Báo Quân Đội Nhân Dân, do một Phó TBT dẫn đầu, và Ông Trưởng ban Đại diện của báo này ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã đến viếng. Nhiều bạn văn, bạn nghề báo đã có mặt để tiễn biệt Bùi Văn Bồng.

"Sống dầu đèn. Chết kèn trống". Đám tang anh chỉ có một trống cái, gõ cũng khá khiêm tốn theo từng chặp. Không kèn, sáo, nhị, bát âm như đám ma ở Bắc bộ. Nhạc đám ma được phát ra một cái loa nhỏ, cơ hồ sắp hỏng nên tiếng méo đi nhiều lắm. Nhạc đám ma vốn đã buồn thảm, lại qua một cái loa vừa rè vừa méo tiếng càng thêm thê thảm bi ai. Đã không có nhạc công chơi nhạc, chỉ phát từ máy, mà cái băng ghi âm nhạc đó cũng không đủ nhạc cụ, nên nghe nó đơn quá! Chạnh lòng nghĩ đến một Bùi Văn Bồng ăn sóng nói gió, hào sảng, phóng khoáng và cương cường nhường ấy, mà chỉ có một đám ma khiêm tốn nhường này. 


Cờ phướn trắng bay dẫn đám nghiêng ngả, cơ hồ như loạn. Mà lạ! toàn đàn bà cầm cờ phướn. Phơ phất, phờ phật trong gió núi cuối xuân, càng khắc họa cái sự chùng chình của một linh hồn chưa muốn bước sang cõi khác.

Đây rồi, Núi Đỏ. Là nơi làng Duyên Hy (hay là Diên Hy?) chôn cả hung táng, cát táng. Núi đá và đất lẫn lộn. Bùi Văn Bồng được xếp cho một chỗ bên cạnh hàng mộ hung táng cả dãy dài chưa kịp mọc cỏ. Huyệt đất đỏ được rải dày tiền âm phủ. Người em Bùi Văn Cẩn ngồi một góc huyệt, nửa như chờ người anh được đưa tới bởi đám đô tùy, nửa như canh không cho người ta đưa anh xuống huyệt. Người đàn ông to lớn ngồi khóc bên huyệt mộ anh, sao mà đau và buồn thảm thế!

.


Rồi thì cỗ quan tài sơn son cũng được hạ xuống. Và nhanh chóng đất mẹ ôm Bùi Văn Bồng vào lòng, trong tiếng nỉ non thương khóc của vợ con và cô em gái, cùng là tiếng sàn sạt, bồm bộp đất đỏ rơi xuống áo quan. Một cuộc đời đã khép lại. Cho dù Blog Bui Van Bong vẫn còn đó. Còn đó, mà dừng lại vĩnh viễn ở ngày 17 tháng 2 tây lịch. Dằn lòng không dám xót thương nhiều. Thôi. Coi đó là cuộc viễn du của đời Anh.

Bất giác nhớ tới bài TỐNG HỮU NHÂN của Lý Bạch, lấy đó tự làm an ủi vỗ về:



Thơ rằng:

送友人

青山橫北郭,
白水遶東城。
此地一為別,
孤蓬萬里征。
浮雲遊子意,
落日故人情。
揮手自茲去,
蕭蕭班馬鳴。


Tống hữu nhân

Thanh sơn hoành bắc quách,
Bạch thuỷ nhiễu đông thành.
Thử địa nhất vi biệt,
Cô bồng vạn lý chinh.
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình.
Huy thủ tự tư khứ,
Tiêu tiêu ban mã minh.

Dịch nghĩa: TIỄN BẠN

Núi xanh nằm chắn ngang vòng thành ngoài ở phía bắc,
Nước trắng uốn quanh khu thành ở phía đông.
Nơi đây một khi đã chia tay nhau,
Thì như cỏ bồng lẻ loi trôi xa muôn dặm.
Lòng của kẻ đi (lữ khách) như áng mây nổi,
Tình bạn cũ sầu như bóng chiều tà.
Vẫy tay tiễn, chia tay từ đây,
Tiếng ngựa xa bầy kêu rền rĩ nghe càng thêm xót xa.

Tản Đà dịch thơ:

Chạy dài cõi Bắc non xanh,
Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau.
Nước non này chỗ đưa nhau,
Một xa, muôn dặm biết đâu cánh bồng!
Chia phôi khác cả nỗi lòng,
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà.
Vái nhau thôi đã rời xa,
Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo.


Nguồn: Tạp chí Ngày nay, số 77, 19-9-1937.


Thôi! Anh đi. Mặc dù anh đã dứt bỏ hết, bỏ về quê sống một mình. Nhưng như thế dường như anh chưa vừa lòng. Anh dứt bỏ trần gian, lặng lẽ ra đi một mình. Anh đi đến một nơi chẳng ai làm phiền anh nữa! Nơi ấy chỉ có thơ và rượu, và những khúc hoan ca dìu dặt ru mãi hồn anh. Dẫu đau xót, và chưa hết bàng hoàng, tiếc thương thắt lòng cũng nén tâm cầu mong anh vân du thênh thang như cỏ bồng xưa ấy....
Đêm 5.4.2018

 





13 nhận xét :

  1. Đau quá! Buồn quá! RIP Anh!!

    Trả lờiXóa
  2. Vĩnh biệt Anh - một người tử tế từ khi còn trong quân ngũ,cho đến khi về với tổ tiên, ông bà anh vẫn là người tử tế. Trăn trở của Anh cũng là trăn trở của những người lính nhiều thế hệ.
    Quan tham chết đi là hết sự nhiệp, họ đẻ lại tài sản cho côn cháu họ phá phách. Anh mất đi để lại những trang viết có hồn, không bao giờ chết.

    Trả lờiXóa
  3. Thế là xong cuộc viễn du
    Mây trôi man mác cỏ mù mù xanh
    Thắt lòng đưa tiễn biệt anh
    Non Bồng khuất bóng thong dong về trời
    Trọn một đời sống thảnh thơi
    Thanh cao giữa chốn bụi trần đục trong!

    Trả lờiXóa
  4. Họ sợ cả khi chết
    Phải canh cửa gác nhà
    Lũ hèn vô tri giác
    Quá quắt bọn sai nha!

    Trả lờiXóa
  5. Anh Bùi văn Bồng ra đi, về với lòng Đất Mẹ làm nhiều người thương tiếc.

    Trả lờiXóa
  6. Vĩnh biệt anh Bùi Văn Bồng người lính, người cầm bút dũng cảm. Fb Hoàng An.

    Trả lờiXóa
  7. Anh có nói với anh Nguyễn Đăng Quang là ra Hà Nội sẽ gặp nhau. Thế mà anh nỡ ra đi sớm để lại trong tôi nỗi nhớ vô hạn. Xin một nén hương lòng đến anh. Rất yêu mến và kính trọng anh Bùi Văn Bồng.

    Trả lờiXóa
  8. Vô cùng thương tiếc người anh chưa bao gặp mặt ,chỉ biết anh qua những bài viết của anh ,một cây bút tài năng và can đảm...

    Trả lờiXóa
  9. Ông BVB sống hồn nhiên quá - lúc bệnh vẫn vào bện viện của chế độ mà ông đang ra sức phê phán.
    4 năm vừa qua là khoảng thời gian mà BVB blog đem lại cho chúng tôi nơi sinh hoạt rất thú vị.
    Xin vĩnh biệt người tử tế chân chính.

    Trả lờiXóa
  10. Vĩnh biệt anh Bồng.
    Hôm nay tôi phải trèo tường mãi mới vào được đến đây viết đôi lỡi tiễn đưa anh.
    Cũng an ủi đôi phần vì tôi còn kịp vào BV 108 thăm anh trước khi anh xuất viện về quê.
    Đời người là hữu hạn, nhưng tình người là vô hạn anh Bồng ơi.

    Trả lờiXóa
  11. Tôi biết chắc chắn rằng có nhiều người đã đọc những trang báo của Bùi Văn Bồng và những trang báo ấy đã để lại những ấn tượng rất sâu sắc. Đọc xong, người ta phải suy tư rất nhiều và tin rằng đó là sự thật, dù cho là sự thật phũ phàng. Với tôi, anh Bồng luôn là một người tử tế, ngay thẳng.
    Đọc bài của anh Diện viết về đám tang anh Bồng, tôi thấy lòng mình tê tái. Một sĩ quan cao cấp đã về hưu, một nhà văn, nhà báo tài hoa có nhiều giải thưởng văn học và báo chí, sao được tổ chức tang lễ quá đơn giản như thế được?
    Theo tôi biết, quân đội ta có quy định cụ thể về tổ chức lễ tang cho sĩ quan cao cấp (kể cả đã về hưu) và tổ chức Đảng, hội Cựu chiến binh cũng phải có trách nhiệm. Phông chữ lẽ ra phải đề "Vô cùng thương tiếc Đại tá Bùi Văn Bồng" chứ sao lại ghi "Tang lễ đồng chí Bùi Văn Bống"? Lại còn tiêu binh túc trực quan tài, xe pháo... nữa chứ!

    Trả lờiXóa
  12. Vô cùng tiếc thương anh...

    Trả lờiXóa
  13. Những con người không chết !

    Trả lờiXóa