Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

TÀN SÁT CÂY XANH LÀ CHỦ TRƯƠNG CỦA CHÓP BU HÀ NỘI

Dự án tiền tỷ ở Hà Nội và những nhát chém
kinh hoàng hạ sát cây xanh

Phong Nguyên
18/03/15 10:01

(GDVN) - Trải qua gần nghìn năm, những cây di sản không chết vì sự khắc nghiệt của tự nhiên mà lại chết vì những đòn chí tử của chính con người.
 
8 cây muỗm nghìn tuổi ở Thủ đô chết vì đói, khát và thuốc...mối?

Vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam có loạt bài phản ánh về việc 8 cây muỗm có tuổi thọ gần 1.000 năm ở đền Voi Phục (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) nghi bị bức tử, chết vì đói, khát và nghi bị nhiễm độc thuốc mối.

Đáng nói, cho đến nay, với sự vào cuộc, “mổ xẻ” của nhiều cơ quan chức năng, thông tấn, báo chí, đại biểu quốc hội, cựu quan chức, vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: trách nhiệm thuộc về ai?

Đáp lại những nỗ lực bảo tồn các cây di sản là sự im lặng đến khó hiểu của một số cơ quan chức năng có liên quan. Không những thế, giới chức – những người có liên quan trực tiếp khăng khăng khẳng định cây chết do bệnh trọng, tuổi cao, sức yếu không thể cứu chữa trong khi những người tiếp xúc với các “cụ muỗm” hàng ngày lại cho rằng, chúng chết là do thiếu sự chăm sóc, thiếu kinh phí chữa trị.


Một gốc muỗm còn sót lại ở đền Voi Phục (Ảnh: Phong Nguyên)

Chết vì không có tiền hay vì sự vô tâm? 

Nói tới chuyện kinh phí chăm sóc và chữa trị cho các “cụ muỗm” nói riêng và các cây di sản khác nói chung, liệu có phải cứ có tiền mới giải quyết được tất cả? Xin thưa rằng đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm.

Những cây di sản đó đã tự sinh tự dưỡng mấy trăm năm nay, chống chọi lại với mọi “kẻ thù” sâu bệnh cũng như sự khắc nghiệt của tự nhiên để tồn tại và phát triển. Nhưng chúng lại bị chết dần chết mòn khi có bàn tay con người động vào.
.
Về việc chăm sóc cây, ông Nguyễn Văn Tùng – Trưởng Ban quản lý di tích đền Voi Phục - Thụy Khuê, người đã có hơn 20 năm gắn bó với những cây muỗm này thừa nhận: “Người ta nói chúng bị chết do thiếu sự chăm sóc là đúng. Những cây trên mắc bệnh từ hàng chục năm nay rồi, nhưng không được phát hiện dù bệnh rất dễ nhận biết: con xén tóc đục thân cây làm mùn rơi ra quanh gốc, thân cây.

Chúng tôi là nông dân cày đường nhựa nên không biết cách chăm sóc loại cây này. Viện Lâm Nghiệp, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam từng xuống đền đặt vấn đề phải cứu chữa cho các cây này. Nhưng khi họ đề xuất như thế chẳng ai quan tâm cả”.

Đúng như lời ông Tùng nói, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - TS Nguyễn Ngọc Sinh từng khẩn thiết đề nghị UBND quận Tây Hồ mời các đơn vị chuyên về mối, nấm có biện pháp chữa trị cho cây, Thậm chí, Chủ tịch Hội còn tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn nếu được yêu cầu.

Trong khi người dân không có kỹ thuật, chưa biết cách chăm sóc, Hội sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật thì UBND quận Tây Hồ lại phớt lờ những chia sẻ đó. Nếu lãnh đạo UBND quận quyết liệt hơn, quan tâm tới việc kết nối giữa các đơn vị, cá nhân trong việc bảo tồn cây di sản, có lẽ mọi chuyện đã khác.

Nhưng đáp lại lời thỉnh cầu khẩn thiết trên của Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường về chăm sóc cây là những cái lắc đầu đầy lạnh lùng của UBND quận Tây Hồ. Vậy là tính mạng, sức khỏe của các “cụ muỗm” vừa được công nhận là cây di sản đầu tiên Việt Nam đành phó mặc cho số phận và những người dân không hiểu nhiều về cách chăm sóc muỗm.

.
Hà Nội chỉ có kinh phí chặt hạ cây? (Ảnh: VNE)

Đến khi cây phát bệnh nặng, UBND quận vẫn khăng khăng không có kinh phí để chữa trị và đá bóng trách nhiệm về phía “Nhà nước” trong khi họ chính là đại diện của Nhà nước tại địa bàn.

Trước những nỗ lực bất thành của các nhà hảo tâm – những người tới công đức tại đền, các cây muỗm lần lượt chết. Cho tới lúc này, UBND quận mà đại diện là Phó Chủ tịch Đinh Trọng Sơn nhanh chóng, ráo riết vào cuộc xin kinh phí để đào các gốc cây đã chết. Phó Chủ tịch Đinh Trọng Sơn cũng không quên soạn thảo hàng loạt văn bản, báo cáo giải trình liên quan tới sự việc trên.

Dù có nói gì đi nữa, tất cả cũng đã trở thành tro bụi. Chẳng lẽ người ta lại đi đổ lỗi cho những con mối, nấm cho sự ra đi của những cây mà có lẽ có nhiều tiền cũng không tìm mua được?

Với kinh phí gần 20 tỷ đồng, đền Voi Phục được tu bổ khang trang hơn. Tuy vậy, trong quá trình xây dựng, nhiều công nhân vô ý đổ cát sỏi, vôi vữa quanh khu vực gốc cây. Họ không ý thức được rằng đây là những cây di sản cần được bảo vệ, chỉ biết chỗ nào gần nơi xây dựng, chỗ đó để trộn vữa, xi măng.

Dư luận một lần nữa hoài nghi: Tại sao người ta có thể háo hức với dự án 17 tỷ đồng tôn tạo, trùng tu lại đền mà không mảy may rung động, đau xót trước những nỗi đau mà các “cụ muỗm” phải chịu từng ngày ròng rã hàng chục năm trời? Phải chăng cứ phải có “cát sê”, người ta mới nhiệt huyết?!

Nhiều cây xanh đang sống không bằng chết

Hàng loạt cây xanh bị chặt bỏ để nhường đất cho dự án nghìn tỉ (Ảnh: VNE)

Trong khi các cây cổ thụ lần lượt ra đi vì đói khát, sâu bệnh, không ít cây xanh ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng sống không bằng chết. Một số nơi đất đai bị nhiễm độc do dùng hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu làm hệ rễ chết, cây chết dần chết mòn. Số khác, đang tươi xanh mơn mởn bị chặt hạ để phục vụ các dự án.

Vào năm ngoái, để thi công ga nổi và đường sắt trên cao, nhiều cây xanh ở Hà Nội đã bị đốn hạ. Việc đốn hạ cây xanh được thực hiện từ dốc Voi Phục đến khách sạn Daewoo (đường Kim Mã, quận Ba Đình). Theo kế hoạch, hơn 30 cây xà cừ sẽ bị đốn hạ.

Tháng 2 vừa qua, sau khi khảo sát, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. Số cây bị chặt hạ do không thuộc loại cây xanh đô thị (dâu da, vông, trứng cá, xà cừ…). Ngoài ra, một số cây bị cong, nghiêng, chết và sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão và gây cản trở giao thông.

Sở Xây dựng cho biết để chặt hạ số cây xanh trên phải huy động 73 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước cho các việc như khảo sát, chặt, trồng cây thay thế, bó vỉa, hoàn trả vìa hè. Sau khi chặt hạ, đơn vị chức năng sẽ bổ sung cây vào những chỗ có điều kiện trồng cây xanh tại các hè phố có mặt cắt ngang hơn 2 m. Các cây sẽ tiếp tục được đánh mã số để làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh bóng mát.

Đến khi cây có bóng mát thì chết đói, chết khát, chết vì không được chăm sóc, vậy chúng ta cứ mải miết chạy theo các dự án trồng cây xanh mới để làm gì?

Trong khi đó, trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo của Thành ủy chiều 17/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long khẳng định việc chặt cây không cần phải hỏi ý kiến của dân. Phát ngôn này đang gây bão dư luận.

“Không phải hỏi gì cả, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác. Cái gì cũng phải hỏi ý kiến hay sao? Bây giờ chỉ có chuyện trồng cây mà phải hỏi ý kiến dân! Tôi hỏi thế đất nước bây giờ động đến cái gì đi hỏi dân thì bầu ra chính quyền làm gì... Cái gì phải hỏi dân thì đều có quy định.

Cảm nhận của người dân rất có thể có ý kiến đúng sai. Chuyện mục đích rất rõ ràng, minh bạch rồi, người ta tuyên bố đang xây dựng đô thị có những cái phải hy sinh như thế. Thành phố đã công khai, minh bạch chuyện đó. Còn anh không đồng tình với chuyện đó thì anh cũng chỉ là một người dân thôi. Còn biết bao nhiêu người dân đồng tình thì sao”, ông Long nói.

Lý giải cho đề xuất chặt 6.700 cây trong thời gian tới, ông Long nói thêm: “Chính mình lúc đầu cũng không hiểu biết về cây xanh đô thị, nhiều khi trồng lung tung, thậm chí người dân trồng. Sau này tìm hiểu ra ở đô thị có những cây có tiêu chuẩn phải trồng thế nào, độ rễ làm sao không bị đổ cho phù hợp đô thị, không tạo mùi để lôi côn trùng đến hay sâu mọt...

Bây giờ đang xây dựng thành phố văn minh hiện đại, muốn tạo ra đô thị văn minh hiện đại, trồng cây cũng theo quy hoạch. Đương nhiên có 1 đô thị trong 10 - 15 năm nữa, tương lai đẹp và thực sự thích. Cái đó cũng phải hy sinh bước đầu, chấp nhận phải chặt hạ một số cây ở một số tuyến phố. Chuyện này không phải chuyện gì lạ đối với các nước đô thị phát triển”.

Cũng theo ông Long, không phải cây nào cũng bị sâu mọt, nhưng vẫn phải chặt cả bởi lãnh đạo Hà Nội có 3 chủ trương: một là thay thế các tuyến cây, có thể cây không phải sâu mọt mà không đúng chủng loại, cây người ta nói không nên trồng ở đô thị.


.

9 nhận xét :

  1. XIN HÃY TRỒNG TRƯỚC RỒI HẠ SẠU, CHỨ ĐỪNG TRỒNG SAU HẠ TRƯỚC ! AI CHẮC RẰNG NHỮNG CÂY TRỒNG MỚI THEO QUY HOẠCH ĐÃ CÓ KẾT CỤC TỐT ? THAY MỘT HỆ THỐNG CÂY XANH ĐÔ THỊ KHÔNG PHẢI NGÀY MỘT NGÀY HAI MÀ LÀM ĐƯỢC, MÀ CHẮC CHẮN THÀNH CÔNG. VẬY HÃY TRỒNG MỘT CÂY BÊN CẠNH RỒI HÃY HẠ MỘT CÂY CŨ VẪN CHƯA MUỘN ?

    Trả lờiXóa
  2. Khi chính quyền chẳng coi người dân ra gì, hơi tí bắt, bắt vào đồn CA chết như bỡn, thì cái cây đối với họ có là gì! Thủ đô đang tiến đến văn minh hiện đại mà hành xử như vậy sao. Ở nước văn minh thì ai làm gì gần cái cây, có thể làm nó sây sát, đều phải đóng hộp bảo vệ chung quanh thân cây. Mỗi cây nơi công cộng và cây cổ thụ trong nhà dân, chính quyền đều quản lý, có có hồ sơ cho mỗi cây và chăm sóc chu đáo. Sao chính quyền HN đang tiến lên văn minh lại hành xử như thế?
    Còn muốn nghiên cứu trồng cây mới thì cứ thí điểm ở những đường phố mới trước đi đã. Trồng cây mới cho tốt tươi đã rồi chặt dần dần những cây không phù hợp sau. Tại sao phải đồng loạt ra quân triệt phá hàng loạt và trồng cấp tập, như TP có loạn!? Hay sắp Đại hội hết nhiệm kỳ, phải tranh thủ chặt ngay, trồng ngay nhiều ngàn cây một lúc, cái dự án mới bõ(!?). Ôi, đến cỏ cây, muông thú cũng bị tận diệt một cách hăm hở, quyết liệt! Sợ quá! Sợ quá!

    Trả lờiXóa
  3. CQ Hà Nội coi dân không ra gì . Từ tuyên bố hết sức phản Dân Chủ của cái ông gọi là PB TG Thành Ủy Phan đăng Long, đến ô. Tướng GĐ CA Hà Nội . Thật không hiểu nổi !

    Trả lờiXóa
  4. Bọn xôi thịt phải nghĩ ra dự án để kiếm chác, không có dự án chúng nó không có cớ bòn rút tiền thuế của dân. Nên nhớ rằng triệt hạ hàng nghìn cây xanh là một tội ác, hãy chờ xem quả báo.

    Trả lờiXóa
  5. Chúng ta phải hành động ngay http://tutela.vn/76/6700-cay-xanh ngăn chặn việc chặt phá cây xanh tại thủ đô không vì một lợi ích nhóm ảnh hưởng tới cộng đồng sinh sống tại Hà Nội

    Trả lờiXóa
  6. Khi chủ nghĩa xã hội thành công thì không còn kẻ ăn cắp nữa vì trong giai đoạn xây dựng CNXH người ta đã ăn cắp hết những thứ có thể ăn cắp rồi.

    Trả lờiXóa
  7. Mỗi lần ra Hà Nội, tôi lại lang thang tản bộ trên những con đường rợp bóng cây xanh. Tuổi thơ, ký ức của tôi là tiếng tàu điện leng keng; trèo sấu, hái me, bẻ phượng vào mỗi dịp hạ về. Vậy mà giờ đây Hà Nội chỉ còn mỗi những rặng cây già, cũ kỹ nhưng vẫn luôn khỏe khoắn lại sắp phải vĩnh biệt người dân Hà Thành. Màu xanh của cây là biểu tượng của Hà Nội. Tôi luôn tự hào với những người bạn phương Nam và những người bạn nước ngoài về rừng cây ở đường phố Hà Nội. Vậy mà...
    Mỗi khi ở đất phương Nam xa xôi tôi thường nhớ về tiếng mưa trên lá vào mỗi đêm hè, tiếng lá lao xao trong buổi trưa những ngày đầu hạ. Những nỗi niềm thương nhớ Hà Nội đều gửi gắm vào những kỷ niệm về hàng sấu trên con phố Bà Triệu, hàng cây cơm nguội trên con đường đi học hồi nhỏ.
    Những điều tệ hại mà chính quyền đã từng làm, tôi cảm thấy coi thường, khinh bỉ. Nhưng giờ đây, việc chặt hàng ngàn cây xanh này, cảm giác trong tôi là lòng căm phẩn. Còn nếu dùng từ 'hận thù' thì không biết có hợp hay không?
    Chợt nhớ cây chín gốc ngoài Bờ Hồ, không biết tôi có còn cơ hội trèo lên... Hàng cơm nguội trên phố Ng. Bỉnh Khiêm tôi có còn dịp nhắm nhìn và nhặt những hạt cơm nguội để nhớ lại tuổi thơ chơi súng 'phốc' hay không nữa...
    Dừng lại, đừng làm người dân phải phẫn nộ và căm hận thêm nữa...xin hãy dừng lại.

    Trả lờiXóa
  8. Yêu cầu kiểm tra số gỗ thu được từ những cây đã chặt đang ở đâu, ai quản lý,sử dụng? Số cây mới được giới thiệu sẽ trồng mua ở đâu?có phải Cty sân sau của quan chức nào đó?

    Trả lờiXóa