Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

Phạm Quang Long: TẢN MẠN NHÂN NGÀY CỦA NGHỀ BÁO


Phạm Quang Long

Tản mạn nhân ngày của nghề báo

Một bạn làm nghề báo gọi cho tôi, đề nghị " nhân ngày báo chí, anh viết cho một bài". Dù không biết chủ đề cụ thể là gì nhưng tôi từ chối với lý do" tôi nghỉ hưu rồi, không còn gì để viết nữa".

Nhớ ngày Tô Vương còn sống, cũng trước dịp này độ một tuần, anh gọi cho tôi với giọng như cấp trên giao nhiệm vụ " ngày Báo chí tôi cần một bài. Cụ viết thế nào cũng được nhưng tôi giới hạn vấn đề là dân tộc ta làm sao để có được bản lĩnh tồn tại bên cạnh một anh bạn xấu chơi như vậy?". Thấy hay nhưng khó, tôi đánh bài lùi " chưa nghĩ ra cái gì cả. Hai hôm nữa tôi phác vài ý tưởng gửi cho ông. Nếu được tôi sẽ viết. Nhưng không bắt ông phải dùng vì không dùng, tôi cũng sẽ dùng vào việc khác". Anh OK. Thế là bài "Suy nghĩ về văn hoá giữ nước của ông cha" hình thành và được in trong số 21/6, chỉ tiếc có mươi câu tôi thích bị cắt đi. Nghe tôi phàn nàn, Tô Vương cười hì hì " cụ đòi giữ lại, tôi cũng muốn giữ nhưng báo không phải của tôi. Giữ gần nguyên vẹn thế là quý lắm rồi". Tôi hiểu anh và không nói gì nữa. Những ngày này, lại nhớ đến anh.

Nhớ lại mơ ước một đời được làm nghề báo mà không thành. Bao lần " ủ mưu" là bấy nhiêu lần thất bại. Có hai lý do tôi mê nghề này: được sống nhiều, biết nhiều để có thể tích luỹ cho mình nhiều tư liệu, biết đâu sẽ có ích cho những dự định riêng lúc về già. Thứ hai là nghề này cho mình được can dự vào các vấn đề xã hội (cái ý nghĩ ngông cuồng thời trẻ) bằng những bài viết theo sát đời sống như những gì tôi được học và tưởng tượng. Bây giờ ngồi ngẫm lại thấy mình may. Được làm nghề báo, biết đâu mình chả được yên ổn như bây giờ vì những suy nghĩ nhiều khi rất trái tai không hứa hẹn bình yên.

Người ta bảo "báo chí là quyền lực thứ tư". Tôi chả biết điều đó đúng đến đâu nhưng đã thấy (điều này đúng) báo chí đã từng vẽ râu cho ông này, ông nọ hoặc vùi dập một ai đó chỉ vì những động cơ không sạch sẽ chút nào và cũng nhiều người viết báo lên bờ, xuống ruộng vì những bài báo đụng vào những vùng người ta không muốn. Đến lúc đó mới hiểu thêm một ý nữa "đây là một nghề nguy hiểm". Nguy hiểm ở hai góc độ: thứ nhất là khi người làm báo chân chính dám một mình chống lại tội ác thì họ dễ trở thành mục tiêu của mọi mưu hèn, kế bẩn, kể cả nguy hiểm đến tính mạng của mình; thứ hai là khi người làm báo bán mình cho quỉ thì thứ họ làm ra có sức phá hoại ghê gớm vì nó lừa gạt xã hội, trở thành tội ác, người làm báo trở thành tội đồ. Ví dụ cho những chuyện này nhiều như lá rừng, khỏi cần kể.

Mấy hôm nay đọc thấy tin một nhà báo nữ trẻ sau khi có một loạt bài báo phanh phui những chuyện mờ ám ở địa phương thì mất tích. Sau đó người ta tìm thấy xác cô trên sông Hồng. Nhìn ảnh cô trẻ trung bên con nhỏ mà nhói lòng. Vì sao cô chết, cơ quan chức năng sẽ trả lời nhưng chắc chắn cái chết của cô bất thường. Cô ra đi để lại con nhỏ cho chồng và nỗi đau ấy sẽ đi theo con cô suốt đời. Tôi là đứa trẻ mồ côi từ năm hai tuổi và bây giờ gần bảy mươi rồi vẫn có lần thảng thốt vì những cay đắng của phận mồ côi.

Những ngày này tâm trạng rất nhiều xáo động. Rất tiếc ít được đọc những bài báo phân tích thật thấu đáo những chuyện đang gây chú ý cho xã hội. Các vị có trách nhiệm ở các cơ quan báo chí đâu cả rồi, vai trò định hướng của báo chí sao yếu ớt thế? Định hướng tốt nhất là thông tin đầy đủ, phân tích thấu lý đạt tình. Người xưa đã tổng kết rồi: sự thật, chân lý có sức thuyết phục lớn nhất, " nói phải củ cải cũng nghe". Tôi có cảm nhận đội quân báo chí còn thiếu những bài từ tâm bão, lý giải thuyết phục, chỉ ra những sai trái của những người vi phạm pháp luật kịp thời, những sai sót trong quản lý điều hành cũng góp phần tạo ra những bất ổn, bi lơi dụng, cần định hướng và điều chỉnh những nhận thức sai. Báo chí đưa tin ông này ông kia nói sai, không trung thực... là cần nhưng đưa kiểu ấy khác gì thêm dầu vào lửa vì đưa tin mà không phân tích, lý giải đúng sai, cứ ném thông tin ra cho xã hội tự xử lý. Xã hội cần có những bài phân tích và lý giải những chuyện chưa chuẩn và cần điều chỉnh nhận thức kịp thời để không có những chuyện ném đá ồ ạt như vừa qua. Báo chí vừa qua đưa tin nhiều nhưng thiếu những bài viết đầy đủ, cặn kẽ, đúng luật pháp, mang tính định hướng cho xã hội.

Tản mạn của một người yêu nghề của người khác, có đôi chút hậm hực vì không được nhận vào nghề lúc trẻ nhưng lại mừng vì không làm nghề ấy lúc về già. Nghe dở hơi và có thể có điều chưa đúng nhưng là suy nghĩ thật, mong các nhà báo lượng thứ. Từ yêu quý và trân trọng, xin chúc các nhà báo bút sắc, lòng trong và đặc biệt là không có ai phải ngã xuống vì sự nghiệp như những người tử vì đạo.*

*Ps: có bạn cho tôi biết cô nhà báo trẻ chết vì lý do riêng, không liên quan tới nghề. Cầu cho cô siêu thoát. Nhưng đã có nhiều người viết báo chết vì nghề nên tôi không mong có ai như thế và vẫn để nguyên stt này.

1 nhận xét :

  1. Cứ tưởng bác Phạm Quang Long nói vui ! Báo chí Xứ mình là công cụ sắc bén và trung thành nhất. Ví dụ gần nhất là mấy hôm nay, VTV liên tục vu khống và hạ nhục người biểu tình...Bác chả lẽ không thấy có nhà báo trở thành đại gia nhờ các bài báo, giá bốn năm chục triệu cách đây một hai chục năm, bây giờ có thể là tiền tỷ ?!...

    Trả lờiXóa