TRANH GIẤY DÓ TRANG THANH HIỀN
ĐẾN HIỆN ĐẠI TỪ TRUYỀN THỐNG
Nguyễn Xuân Diện
Chiều nay, 7.11.2023, tại Hà Nội diễn ra buổi khai mạc triển lãm cá nhân “Ảnh xạ” của Họa sĩ Trang Thanh Hiền. Triển lãm bày tranh từ ngày 7.11 đến 15.11.2023 (mở cửa từ 9h00 đến 17h30 hàng ngày) tại Phòng Bảo tàng, Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42, Yết Kiêu) với 44 tác phẩm tranh vẽ trên giấy Dó và điêu khắc gỗ. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ Trang Thanh Hiền.
Các tác phẩm trong triển lãm Ảnh xạ gồm: một bộ 5 bức vẽ năm 2002; seri tranh 12 bức của hai mươi năm sau là năm 2022; seri tranh in kết hợp với vẽ mực nho, màu nước trên giấy Dó (18 bức), tượng điêu khắc gỗ (9 bức) được sáng tác trong năm 2023. Như vậy có thể thấy, triển lãm chủ yếu bày tranh vẽ trên giấy Dó.
Các tác phẩm trong triển lãm Ảnh xạ gồm: một bộ 5 bức vẽ năm 2002; seri tranh 12 bức của hai mươi năm sau là năm 2022; seri tranh in kết hợp với vẽ mực nho, màu nước trên giấy Dó (18 bức), tượng điêu khắc gỗ (9 bức) được sáng tác trong năm 2023. Như vậy có thể thấy, triển lãm chủ yếu bày tranh vẽ trên giấy Dó.
Phải nói rằng, giấy Dó không phải là loại hình được họa sĩ ưa chuộng, vì nhiều lẽ:
Giấy Dó là nguyên liệu rẻ tiền và dễ kiếm nhất trong các nguyên liệu của họa sĩ, nếu so với sơn mài, sơn dầu. Nguyên liệu rẻ tiền, dẫn tới khi định giá bức tranh, người ta không định giá trần cao được như các tác phẩm sơn mài, sơn dầu hay chất liệu cao cấp khác. Vì thế không có nhiều họa sĩ vẽ trên chất liệu này.
Giấy Dó rất khó vẽ, lại càng khó làm cho tờ giấy theo ý đồ nghệ thuật của mình. Một trong cái khó của vẽ giấy Dó là người họa sĩ phải nắm được kỹ thuật sử dụng bút lông mực nho. Bút lông mực nho giấy Dó nếu viết một bức thư pháp chữ Hán thì chỉ trọng về nét, nhưng khi vẽ tranh thì còn phải chú ý khối, đến độ xa gần và bố cục nữa.
Để khắc phục những hạn chế của giấy Dó, có một số họa sĩ đã tìm tòi sáng tạo và thể nghiệm trên chất liệu giấy Dó. Về kỹ thuật vẽ giấy Dó hiện đại ngày nay không chỉ in ấn khắc gỗ, hay tô mảng đi nét như xưa nữa…mà sử dụng độ nhòe độ loang của mực màu, tạo ra sự thiên biến vạn hóa đến mức làm chính họa sĩ cũng phải kinh động vì những hiệu quả bất ngờ! Đẩy hiệu quả tranh đi rất xa. Thêm vào đó, việc kết hợp tự do giấy Dó với Vàng Bạc Quỳ (dán vàng bạc trên Dó) hoặc đưa cà phê vào cũng làm tranh giấy Dó thêm tiếng nói vô tiền khoáng hậu! Ngoài ra, để giữ lâu bền và bảo quản tranh giấy Dó còn mãi với thời gian thì các họa sĩ cũng đã vận dụng các tri thức về khoa học kỹ thuật vào quá trình sáng tạo! Là một người vẽ nhiều trên giấy Dó, Họa sĩ Lê Trí Dũng đã làm cho các tác phẩm của mình ảo diệu, biến hóa thần kỳ, gây choáng cho giới mộ điệu. Ông đã thành công lớn trong các trải nghiệm và sáng tạo trên giấy Dó.
Trong truyền thống, có hai dòng tranh dân gian sử dụng kỹ thuật vẽ trên giấy Dó, tạo nên những dòng tranh mang tính kinh điển của nghệ thuật sử dụng giấy Dó. Đó là tranh thờ của người miền núi (Dao, Tày, Nùng) và tranh dân gian Hàng Trống. Khó nhất của tranh dân gian miền núi là kỹ thuật vờn nét khi sử dụng bút lông. Kỹ thuật vờn nét của người miền núi tạo ra đường nét uyển chuyển, linh hoạt, liền mạch, tạo được hình khối và sự chuyển động trong bức tranh liên hoàn (tranh thờ miêu tả con đường lên trời và các hành trình đó của các thần linh). Kỹ thuật tranh Hàng Trống là nghệ thuật của việc vờn màu tạo khối và phối màu trong tranh. Cả hai kỹ thuật này đều ít có người tìm tòi học hỏi và thể hiện trong tác phẩm.
Thật may mắn, Trang Thanh Hiền đã có nhiều năm thâm nhập kỹ thuật này, vừa với tư cách của một nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật vừa với tư cách của một họa sĩ. Các cuốn sách “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt”, Nxb. Mỹ thuật, xuất bản năm 2016 và “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt”, Nxb.Thế giới, in năm 2018, tái bản năm 2019 đã cho thấy kết quả của công phu khám phá các dòng tranh dân gian.
Họa sĩ Trang Thanh Hiền (sinh năm 1974) là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tiến sĩ Trang Thanh Hiền có học hàm Phó Giáo sư và là giảng viên Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Về hoạt động nghiên cứu, Trang Thanh Hiền là tác giả của các cuốn sách chuyên khảo: “Hình tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở Việt Nam”, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội, (2005); “Cửu Phẩm Liên Hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam”, Nxb Thế giới (in năm 2007, tái bản năm 2010), “Tranh Tết nét tinh hoa truyền thống Việt”, Nxb Mỹ thuật (in năm 2016, tái bản có bổ sung tại Nxb Thế Giới năm 2018 và 2019), “Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt”, Nxb Lao động (2019).
Từ học hỏi tri thức dân gian về nghệ thuật truyền thống với cái nhìn của một người làm công tác nghiên cứu, đến việc học hỏi để tự tay thể nghiệm trong sáng tạo mới, đó phải chăng là “đến hiện đại từ truyền thống”, trong sáng tác nghệ thuật của Trang Thanh Hiền?
7.11.2023
Nguyễn Xuân Diện
**** ***
PGS. TS NGUYỄN NGHĨA PHƯƠNG
(Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật VN):
(Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật VN):
“Gần đây ai cũng biết, Trang Thanh Hiền không chỉ đam mê với lý luận mà còn thực hành nghệ thuật với năng lượng cháy bỏng. Ở lần ra mắt triển lãm cá nhân này, tác giả trình làng một nghệ thuật tổng hợp, đa diện với sự hòa trộn các ngôn ngữ của hội họa, đồ họa và điêu khắc; với sự dung hợp những biểu tượng truyền thống quen thuộc trong các hình thể mang tính nhận diện cá nhân. Trong các bộ tác phẩm đều hiện diện bản chất nữ trong tinh thần khó đoán định, chấp chới giữa thanh tao và trần tục, giữa những chuyển động dữ dội và nét tự tại, bình thản. Liệu đó có phải là những khoảnh khắc, những sự thật bên trong đời sống của một cá tính, của một bản thể tồn tại trong đời sống đương đại phức tạp này?”.
HỌA SĨ VŨ ĐÌNH TUẤN:
“Hình tượng Phật phẳng hoá trong nhục thể kiết già, thanh tịnh và bí ẩn, đủ đầy hay trống vắng một nửa… được giao hòa giữa các họa tiết liên hoa, những chiếc lá hình môi, những thiên thủ thiên nhãn lùa chạm vào sông- núi, nắng - mưa trong hay ngoài cõi giới… Tất cả gợi ra một cấu trúc đồng hiện siêu thực, linh thiêng kiểu tranh thờ dân gian, nhưng lại trập trùng phồn thực và tự do theo tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. Có thể nói, đây là một “lát cắt” mới về tư tưởng cũng như kỹ thuật của Trang Thanh Hiền trong hành trình sáng tạo từ sau sự kiện “Đáy sóng”.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét