Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Nguyễn Xuân Diện: TÔI VIẾT CUỐN SÁCH NHỎ TẶNG CHO LÀNG TÔI


TÔI VIẾT CUỐN SÁCH NHỎ TẶNG CHO LÀNG TÔI 

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện

Năm nay có dịch bệnh Cúm Tàu, ít đi điền dã, chỉ loanh quanh ở làng và ở nhà. Các cụ trong làng bảo tôi viết cuốn sách về làng, để các thế hệ sau hiểu về nguồn gốc của làng, về ngôi đình và các phong tục của làng.

Vâng lời các cụ và sự trông cậy của dân làng, tôi đã viết xong cuốn sách.

Sách này do dân làng bỏ tiền ra in; và nhiều gia đình, cá nhân trong làng, trong đó có đến 6 chị là gái làng xuất giá lấy chồng thiên hạ, vẫn hướng về làng cũ góp tiền in sách để gửi tặng cho trai - gái - dâu - rể làng đang sinh sống xa quê trên mọi miền đất nước.

.
Cách thị xã Sơn Tây yên bình và xinh đẹp 4 km về phía Trung Hà, nơi có bùng binh cầu Vĩnh Thịnh, chếch về phía tay phải non một cây số là làng cổ Mông Phụ, cũng chừng ấy về phía bên trái là làng Phụ Khang, vốn xưa được tách ra từ Mông Phụ.

Từ đó nhìn ra bốn phía, xa xa là núi Tản mờ xanh đỉnh quyện khói mây mà những đồi xa đồi gần như đàn rùa khổng lồ chầu non thiêng của Đức Thánh Tản Viên. Văn Miếu tỉnh Sơn Tây, làng cũ của hai vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, làng Mông Phụ của Thám hoa Sứ thần Giang Văn Minh quanh quất kề bên; Đền Và thờ Thánh Tản Viên, miếu Mèn thờ mẹ Hai Bà Trưng chỉ là láng giềng gần.

Làng Phụ Khang thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Phụ Khang là một làng đồi, có diện tích là 165.686 m2. Phía Bắc giáp làng Mông Phụ và Văn Miếu, phía Nam giáp xã Thanh Mỹ và phường Trung Hưng, phía Đông giáp phường Viên Sơn, phía Tây giáp làng Cam Lâm. 


Phụ Khang nằm về phía hữu ngạn sông Tích, đối diện với gò Áng Độ, và ở vào thế đất “vọng sơn hướng thủy” dựa lưng vào núi tổ Ba Vì hướng ra dòng sông Tích. Sông Tích hiền hòa bao quanh làng đồi, chảy theo hướng Tây Bắc Đông Nam. Địa thế và cảnh quan của Phụ Khang được gói gọn trong một đôi câu đối chữ Hán trong đình làng:

傘嶺山高扶道脉
淅江水繞朗文波

Âm: 

Tản Lĩnh sơn cao phù đạo mạch,
Tích Giang thủy nhiễu lãng văn ba.


Nghĩa: 
Tản Lĩnh non cao phù mạch đất,
Tích Giang sóng lượn dệt nên hoa.

Theo các cụ truyền lại, và căn cứ vào những chữ Nho khắc trên các cấu kiện gỗ ở đình, cũng như cuốn sổ Công trại bạ
公寨簿 còn giữ được thì cũng có thể hình dung khá rõ ràng quá trình lập ấp, lập làng Phụ Khang.


Vào năm Kỷ Dậu 1789, khi triều đại Tây Sơn thay thế triều Hậu Lê, Cụ Phan Khắc Dịch, là Giám sinh trường Quốc Tử giám triều Hậu Lê không ra thi dưới triều đại mới mà rời trường Quốc Tử giám về quê nhà là làng Mông Phụ để dạy học cho dân làng.

Sau đó, cụ đã đưa những hộ dân nghèo của làng Mông Phụ sang khai phá để lập trại về phía Nam sông Tích, cách làng cũ khoảng 2 km. Buổi đầu có 7 gia đình thuộc 5 dòng họ: Phan, Nguyễn, Giang, Hà và Kiều sang khai khẩn lập ấp. Đó là những gia đình đầu tiên định cư vùng đất này. Khi ấy, gò đất này còn là một xóm trại, giữa cây cối rậm rạp và hổ báo vẫn còn lảng vảng đâu đây mà dân làng còn nhìn thấy ở Rạnh Chung và Vở Dây Diều.


Từ lúc chỉ mấy nóc nhà giữa khu đồi rậm, hổ báo còn lẩn khuất quanh trại, cha ông ta đã gồng mình khai khẩn, biến những khu đồi thành ruộng bậc thang giữ nước để cấy lúa, trồng màu, nuôi gia cầm gia súc, cơm cày cá kiếm và đoàn kết bên nhau chống lại thú dữ, giặc dã, thiên tai. Mồ hôi, máu và nước mắt của bao thế hệ cha ông đã đổ xuống trên mỗi mảnh đất làng, để ngày hôm nay Phụ Khang đã có 462 hộ với 2083 nhân khẩu. 

Phụ Khang là làng được lập khá muộn so với các làng trong xã Đường Lâm nhưng phát triển mạnh về quy mô và nhân đinh. Điều mà người xưa gửi gắm trong tên làng nay đã thành sự thật sau 230 năm lập làng.

Làng tôi đấy! Làng Phụ Khang, xã Đường Lâm. Tôi đã ghép hai chữ trong tên làng-xã lại, thành ra bút danh Lâm - Khang đó, thưa chư vị!





 .











5 nhận xét :

  1. Nếu trong quyển sách này, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện bổ sung thêm một số ảnh phong cảnh núi Tản Viên và phong cảnh của các làng thì hay và đep!

    Trả lờiXóa
  2. Làng đẹp và cổ kính quá!

    Trả lờiXóa
  3. Kể ra thì tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có thể phát hành rộng rãi để người đọc ở những nơi khác hiểu thêm về làng cổ xứ Đoài cũng hay.

    Trả lờiXóa
  4. Ở Saigon thì mua sách này ở đâu hả anh Diện? Sách hay quá và ít người biết đến giá trị của sách quá đáng tiếc.

    Trả lờiXóa
  5. sách này ko bán bạn ơi

    Trả lờiXóa