Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

GS. Thuyết: PHẢI LÀM RÕ VIỆC CẤP PHÉP TỚI 70 NĂM CHO FORMOSA

Phải làm rõ việc cấp phép đầu tư cho Formosa lên tới 70 năm

Dân trí
Thứ bảy, 02/07/2016 - 09:06
GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - băn khoăn về việc chưa thấy các cơ quan chức năng nhắc tới việc xử lý những tập thể, cá nhân có trách nhiệm lớn trong toàn bộ quá trình thẩm định, phê duyệt dự án Formosa và để công ty này xả thải độc ra biển.



Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, 
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.


Trao đổi với PV Dân trí, GS Nguyễn Minh Thuyết hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng như các bộ ngành, các nhà khoa học đã đánh giá toàn diện, xác định nguyên nhân, đấu tranh về pháp lý buộc những người gây ra thảm họa môi trường phải nhận tội và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hiện trạng.


“Đối với ngư dân gặp nạn và người dân nói chung, 3 tháng điều tra là rất dài, nhưng để thu thập chứng cứ và đấu tranh pháp lý với một tập đoàn quốc tế có đội ngũ luật sư am hiểu pháp luật như Formosa và buộc họ nhận tội, chấp nhận đền bù thì thời gian đó không dài. Đó là một sự cố gắng rất lớn”- ông Thuyết nói.


Tuy vậy, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc Chính phủ họp báo quốc tế công bố nguyên nhân, thủ phạm và biện pháp khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra mới chỉ là “giải quyết bước đầu”. Vấn đề đặt ra, quan trọng hơn, trong thời gian tới sẽ phải đánh giá toàn diện thiệt hại của người dân 4 tỉnh miền Trung để đền bù xứng đáng và có kế hoạch tổ chức lại việc sản xuất, đánh bắt cá, kinh doanh hải sản; làm sạch biển và rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, xả thải, xử lý ô nhiễm môi trường của Formosa.


Theo dõi thông tin về phương hướng xử lý sắp tới, điều khiến GS Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn là chưa thấy các cơ quan chức năng nhắc tới việc xem xét, xử lý đối với những tập thể, cá nhân có trách nhiệm lớn trong toàn bộ quá trình thẩm định, phê duyệt dự án Formosa và để công ty này xả thải chất độc ra biển, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, náo loạn cuộc sống của người dân 4 tỉnh miền Trung suốt thời gian qua.


“Nếu không làm rõ trách nhiệm và xử lý tập thể, cá nhân có liên quan thì không tránh khỏi việc mọc ra những Formosa mới trong tương lai” - ông Thuyết nói.


Nhân sự việc này, GS Thuyết cũng đề nghị làm rõ việc cho phép Formosa thuê đất tới 70 năm, thay vì 50 năm như quy định của Luật Đầu tư mà trước đây Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ.


“Người dân ở đâu thì đó là bờ cõi, biên cương, chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Vì Công ty Formosa xả thải chất độc, gây ô nhiễm nặng nề mà người dân không thể ra khơi đánh bắt cá được thì điều đó sẽ còn ảnh hưởng lớn đến chủ quyền và việc thực hiện quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta. Vì vậy, việc này phải công khai cho nhân dân biết và phải được xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật” - ông Thuyết đề nghị.


Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, tại Kết luận thanh tra, việc chấp hành chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ đã dẫn ra quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư năm 2005 cho thấy thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với yêu cầu hoạt động của dự án và không quá 50 năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không được quá 70 năm. Đối chiếu với hồ sơ tại thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ chưa thấy ý kiến của Chính phủ cho phép thời hạn hoạt động của dự án Formosa trên 50 năm.


“Đây là nội dung quan trọng, tác động tích cực đến hoạt động của dự án FDI, nhưng cũng là nội dung khá nhạy cảm đối với nhà đầu tư, địa điểm đầu tư (cảng biển khu vực liên quan đến quốc phòng và an ninh), cần phải được xác định rõ hơn để tạo sự đồng thuận, phối hợp hiệu quả trong quá trình triển khai dự án và quản lý hoạt động động dự án sau đầu tư”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.


Tuy nhiên, theo nguồn tin của PV Dân trí từ Thanh tra Chính phủ, đến nay trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cấp phép cho Formosa đầu tư lên tới 70 năm vẫn chưa được làm rõ.


Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM phân tích: Công ty Formosa xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, hydro-ôxit sắt là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường. Tương tự như vụ Vedan xả thải ra sông Thị Vải trước đây, những người dân bị ảnh hưởng bởi hoạt động xả thải của Formosa hoàn toàn có đủ cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trên cơ sở mức bồi thường 500 triệu USD mà Formosa đã đưa ra, người dân có thể thương lượng thỏa thuận với Formosa về mức bồi thường cao hơn hoặc khởi kiện tại TAND có thẩm quyền nếu cảm thấy không thỏa đáng.


“Với kinh nghiệm của tôi khi hỗ trợ người dân khởi kiện Vedan trước đây, do số lượng người dân bị thiệt hại và tính chất, mức độ của thiệt hại vô cùng lớn nên cần có một tổ chức hoặc hiệp hội đứng ra để hỗ trợ, bảo vệ cho người nông dân như Hiệp hội Thủy sản, Hội nông dân hoặc thành lập một Ban yêu cầu bồi thường…”- ông Hậu nói.


 Thế Kha

6 nhận xét :

  1. Trên lãnh thổ của mình mà không được vào thanh sát thì thật vô lý! Vấn đề ở đây là cho nó sử dụng đất thì phải kiểm tra theo dõi xem nó có sử dụng đất đúng mục đích hay không. Nhỡ ra nó chứa khủng bố hay sản xuất vũ khí trái phép thì sao? Đó là chưa kể người cấp phép đã giẫm đạp lên luật pháp cho nó ở lại đến 70 năm mà không giải trình, công khai thì thật là bố láo!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hãy phong tỏa tài sản của tên Võ Kim Cự và đám quan thầy của nó ở Hà Nội chờ ngày phán xử trước Tòa án nhân dân.

      Xóa
  2. Tôi cực kỳ phẫn nộ về việc Fomosa xả thải hóa chất độc ra biển gây thảm họa mội trường, người Đài Loan dẫu gì thì họ còn có long tự trọng, biết nhận lỗi, xin lỗi và tự nguyện xin được khắc phục hậu quả.
    Riêng đám quan tham Việt Nam rõ ràng chúng không có lòng tự trọng và không hề biết liêm sỹ.Không giám nhận lỗi. Loanh quanh chối tội và ăn bẩn.

    Trả lờiXóa
  3. Thiếu tinh thần trách nhiệm về quản lý nhà nước của Bộ TNMT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trong. Sao không có đ/c nào trong Bộ TNMT bị kỷ luật hoặc xin từ chức nhỉ.???

    Trả lờiXóa
  4. có gì mà không rõ, UBND HÀ TĨNH cấp phép 70 năm (phạm luật), khi dư luận phát hiện thì Thủ tướng lại đồng ý, như vậy Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG = LUẬT,vậy thì rõ rồi còn gì nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thủ tương ký đã hưu an toàn rồi bạn ơi; kể cả hưu rồi nhưng vẫn xuất hiện nơi sự kiện lớn (khánh thành hay khai trương dự án lớn) để ghi điểm. chỉ có VN mới như vậy thôi bạn ạ. nguyên thủ tướng ấy phải chịu gần như hoàn toàn trách nhiệm với những hậu quả của ngày hôm nay! từ bô xít tây nguyên đến muôn vàn thất thoát, tham nhũng và những dự án đắp chiếu ......!! hiện nay, lãi xuất còn đang thấp, không lâu nữa, tiền lãi xuất sẽ dần tăng, số nợ vn đang gánh trả cho kiểu làm việc của bọn lưu manh này sẽ phình to rất nhanh .... kinh tế ngày một suy yếu, giặc tràn lan khắp nẻo đường của Tổ Quốc, len lỏi cả vào tư duy của những thằng có quyền lực, làm sao bảo vệ được chủ quyền? THẬT SỰ XÓT XA CHO ĐẤT NƯỚC! giờ chỉ biết ngóng trông vào những NHÀ TRÍ THỨC DŨNG CẢM VÌ ĐẤT NƯƠC, TIẾP TỤC LÀM NHỮNG ĐIỀU TỪNG LÀM, DÁM XẢ THÂN .... CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI ĐẤT NƯỚC ĐỂ CỨU NƯỚC LÚC NÀY ...!! TRÂN TRỌNG CÁM ƠN!

      Xóa