Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

Chuyện vui: TẾT ĐẾN, TÔI ĐIÊN LÊN RỒI CÁC CHỊ ƠI...


Tâm sự của một nàng dâu
khi về quê chồng ăn Tết


Tôi xin giấu tên và giấu cả tên làng
kẻo chồng và nhà chồng lại không vui

Tôi lấy chồng được 2 năm, tết nào cũng về quê chồng ăn Tết gần nửa tháng. Tôi làm ở công ty nước ngoài, dưới quyền tôi có 20 nhân viên toàn tốt nghiệp đại học ở nước ngoài.

Chồng tôi là người ngoại tỉnh, tôi quen anh hồi đại học, mến tài anh, chúng tôi yêu nhau rồi kết hôn, cuộc sống bộn bề nhưng thông cảm hiểu biết lẫn nhau, chúng tôi hạnh phúc.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, chưa từng về quê lâu ngày, trừ dịp tết.

Cứ 25 hay 26 tết, chúng tôi lại về quê. Tôi tính đoảng. Chồng tôi mua đủ thứ măng miến mộc nhĩ linh tinh , anh nói của tôi mua. Nhà chồng tôi có bố mẹ chồng, vợ chồng anh trai chồng cùng 2 đứa cháu, và cô em gái chồng. Khi vợ chồng tôi về, mọi người tay bắt mặt mừng, vợ chồng tôi có chốn riêng vì nhà khá rộng, có 5 gian, ở 2 chái nhà có ngăn thành phòng thì dành cho ông bà và vợ chồng anh tôi, em chồng ở nhà dưới, 3 gian giữa cho vợ chồng tôi và trẻ con. là chồng tôi nói thế. 

Tôi thì không hiểu “gian” ở đây nghĩa là thế nào, chỉ là cái nhà cỡ 40m2, không hề có tường ngăn, hóa ra 5 gian là nói về độ rộng, 1 gian rộng vài mét vuông, nếu có cột thì rõ hơn, chùa trăm gian cũng không to lắm, thì nhà 5 gian các bạn tưởng tượng được.

Gọi là phòng, nhưng nó là 1 cái gường, tô hô sát gian chính, che bởi cái ri-đô, sát với cái ghế sa lông ở chính giữa, nếu ai đó dựa lưng vào thành ghế, sẽ động đánh “cục ” một cái vào gường ngủ của tôi. Chúng tôi cũng không dám quan hệ, vì cái gường long-mộng luôn dập kình kịch vào tường mỗi khi có dao động trên nó.

Thật lòng, tôi rất không vui khi ngủ như vậy, mà suốt cả dịp tết, các chị ạ, có 1 cái của sổ ở gường của tôi, nhưng tôi không bao giờ dám mở, vì cửa sổ trông ra nhà vệ sinh và cái chuồng lợn, con lợn đáng ghét đó kêu ịt ịt suốt đêm và luôn va lục cục khiến tôi chỉ mong giao thừa đến sớm, con lợn đó sẽ bị chọc tiết trước giao thừa.

Điều đầu tiên tôi ngạc nhiên là đánh răng, tôi không dám để bàn chải đánh răng của tôi cạnh những bàn chải của anh chị em chồng. Thậm chí tôi không dám gọi những thứ kia là bàn chải đánh răng, nó mòn vẹt, cán cầm đã từng có mầu gì đó tôi đoán là xanh hoặc tím nhưng đã bạc hết, những sợi nhựa rẻ tiền tòe ra 2 bên như những sợi râu mép, nếu đánh răng, tôi tin họ phải đánh nghiêng bàn chải, vì ở chính giữa không có gì, các sợi nhựa đã cong hết sang 2 bên.

Sau khi đánh răng xong, tôi cất bàn chải của tôi đi. Khăn mặt cũng là 1 vấn đề, họ không dùng riêng khăn mặt, chỉ có độc 1 hoặc 2 hay 3 cái, chung cho tất cả, và khăn nào cũng trông có vẻ tốt khi nó khô, nhưng khi nhúng nước, nó trở lên nhớt như một con lươn, khiến tôi rất sợ. Khỏi phải nói, khi dùng khăn xong, tôi cũng cất đi.

Nhờ giời, quê chồng tôi có 1 bể nước mưa, những con bọ gậy và côn trùng có chân như mái chèo luôn giãy đành đạch trong đó, mỗi khi tôi múc nước vào cái chậu nhôm, luôn phải vớt chúng ra, sau khi than thở với chồng tôi, anh ra ao (tôi kể về cái ao sau) câu lên vài con cá nhỏ nhỏ đòng đong mài mại hay con gì đó anh nói tên mà tôi quên mất, đem thả vào bể..
.

Thật kì lạ, chỉ sau 1 ngày đêm, mọi con bọ trong bể nước mưa đều biến mất hết, tôi chưa kịp cám ơn chồng thì hôm sau nữa, 1 con cá chết thối từ khi nào, mắt lồi ra, bụng ngửa lên, khiến tôi không dám dùng nước mưa hôm đó. mà ra ao thì tôi lại sợ..

Mọi sinh hoạt rửa ráy ở quê chồng tôi, đều ở cầu ao. luôn có mấy con vịt kêu cạc cạc bơi quanh đó. bọn này buổi đêm cũng hay ré lên, khiến tôi cũng mong giao thừa đến sớm, bọn này cũng chung số phận với con lợn đáng ghét.

Cầu ao, là 1 cái bậc, giống như cầu thang nhà tôi, nhưng họ xây khi chưa có nước, khi nước ngập lên, thì gọi là cầu ao, nhà chồng tôi giàu có, lên cầu ao xây bằng đá xanh. Vào buổi sáng, khi cậu con trai nhỏ của anh chồng tôi muốn đi ngoài, mẹ nó bê nó ra cầu ao, xi nó ỉa, và rửa đít thằng bé tại cầu ao, và thật kì lạ, buổi trưa, chị bê rổ rau ra chính chỗ đó để rửa, tôi sợ, không dám ăn rau.
.

Cần phải nói để các bạn hiểu, ở quê chồng tôi, cầu ao là nơi làm tất cả mọi việc về rửa ráy, họ rửa tất cả ở đó, chân, bát nồi niêu, bu gà, đáy của cái lồng chim, ( toàn phân chim)… Và bọn trẻ con, vẫn ngồi ở cầu ao ỉa xuống. Tôi cũng thấy, rất nhiều cá con tung tăng ở cầu ao chờ ăn đồ miễn phí.

Về quê chồng, vấn đề vệ sinh thực sự là ác mộng.. Tôi từ bé đến lớn, vẫn dùng hố xí bệt, và tôi hay cầm quyển sách để đọc khi hành sự. Về quê anh, đi đại tiện thật sự là mối kinh hoàng.

Buổi đêm, đó hầu như là bất khả thi, tôi phải cầm 1 cái đèn pin ( đó là lần sau, chứ lần đầu ko có đèn pin tôi phải dùng đèn dầu, cái bóng đèn luôn muốn rơi ra khi tôi di chuyển) đi bộ vòng ra sau nhà, gần cái cửa sổ phòng ngủ của chính tôi, qua chuồng lợn, trèo lên vài bậc chông chênh, và chui vào cái hố xí kinh hoàng đó. Nó có 1 cái lỗ đen kịt, có 2 viên gạch kê chéo để đặt chân, cái lỗ được bịt kín bởi 1 cái tròn như cái đĩa bằng bê tông, giữa có cái lỗ, và 1 que tre to dài chọc vào lỗ đó, để đi vệ sinh, tôi phải cầm vào cán tre kinh tởm đó ( tôi luôn lót giấy ) mở cái lỗ ra, và đi vào cãi lỗ đen mịt mờ đó, khi xong việc, tôi lại đậy cái lỗ lại sau khi đẩy 1 lớp tro than lên trên.

Và ruồi nhặng thì quá kinh khủng, dù ở đâu, trong nhà hay ngoài sân, tôi luôn nghe tiếng vỗ cánh e e e e của chúng, và chúng luôn bậu vào mặt tôi khi tôi díp mắt buổi trưa, và cố hút cái gì đó quanh mép tôi. Nhà chồng tôi rất tốt với tôi, tuy nhiên tôi cũng phải làm nhiều việc, tôi luôn phải nấu nướng 1 cái gì đó, tôi có cảm tưởng, ở quê, họ ăn không ngưng nghỉ.

Cái bếp quê chồng là nỗi kinh hoàng với tôi, nó là 1 bãi rác không hơn khi lần đầu khi tôi vào bếp. rơm , củi, cành tre và giấy vụn khắp nơi. Nó tối mịt dù ban ngày do toàn bộ bếp là màu đen do ám muội, và đun bằng rơm và củi, công nghệ mới được áp dụng là cái lò bằng than có quạt, nhưng lò đó luôn có 1 cái nồi to tướng phía trên đun 1 cái gì đó, hết nước thì đến cám lợn, rồi lại nước.. rồi cám.

Lần đầu tập đun bếp bằng rơm, tôi làm cháy luôn cái que tre dùng để ủn rơm vào, và cũng suýt làm cháy cả cái bếp, trong bếp đầy những tre gỗ nhỏ để đun, rơm thì hết lại ra rút ở vườn..

1 điều làm tôi không vui là bố chồng tôi, mặc dù ông rất quý tôi, đó là việc ông khạc đờm. Ông hay hút thuốc lào, đó là 1 cái ống tre có cái lỗ để cho thuốc, trong ống tre lại có nước, nước đó tôi làm đổ ra 1 lần và có mùi tởm lợm, bố chồng hay tọp má rít thành tiếng giống như tiếng ta giật bồn cầu. Thuốc lào khiến ông hay khạc đờm, ông hít 1 hơi dài, khạc 1 phát, vài nhổ vào cái ống của riêng ông, giống cái hộp bia 500ml loe miệng. tôi luôn sợ cái lọ đó, tôi luôn dùng chân đủn nó ra xa vì sợ làm đổ nó.

Nhưng lắm lúc ông lười, ông khạc ở gian giữa ( phòng khách ) và hít thêm 1 hơi, ông nhổ ra sân, đàn gà bu lại ăn thứ cám cò kì dị đó. Nhưng tôi ghét nhất khi ông ngồi ở gường tôi ngủ , và khạc đờm nhổ qua của sổ ( cánh của sổ tôi luôn đóng kín buổi đêm nhưng ban ngày phải mở ) cục đờm bay qua gường của tôi, phi ra ngoài nếu may mắn, nhưng thông thường, cục đờm đó luôn vướng vào chấn song cửa sổ của tôi, quấn rất nhanh vài vòng mà người khạc biết cũng lờ đi. tôi phát điên khi phải lau nó lúc vắng ông, đôi khi tôi quên mất chính xác chấn song nào bị cục đờm bám, thế là phải lau toàn bộ chấn song với cảm giác cục đờm xanh ở mọi nơi, tởm. và để lâu thì nó khô đi, thành 1 thứ keo dính, tôi phải dùng 1 con dao cùn để cạo nó ra.

Mẹ chồng tôi cũng rất tốt với tôi, nhưng bà luôn bị đau gì đó, bà có tật rên. Cứ đêm là bà đau, đau là rên, lắm lúc bà rên lúc 2 giờ sáng, bà rên kiểu như nửa khóc nửa ai-oán, cộng với tiếng côn trùng nỉ-non khắp nơi, làm tôi nổi gai ốc vì sợ.

Nhà chồng tôi chỉ náo nhiệt từ 28, đó là ngày con lợn bị chọc tiết…
.

Đó là lúc, cơn ác mộng của tôi bắt đầu, suốt mấy ngày, họ chỉ toàn ăn và uống vào nói, bố chồng tôi khạc đờm gấp 3, mẹ chồng tôi rên to gấp đôi. 4h sáng, tiếng người gọi nhau râm ran, chồng tôi đã dậy từ lúc nào, và tiếng con lợn kêu lập tức đánh thức cả xóm : éc …éc..éc . Tôi trùm chăn kín đầu, bịt vào tai, mà cũng ko chịu nổi, tiếng chồng tôi và anh chồng và các họ hàng to dần xen với tiếng con lợn đang yếu dần, họ gọi nhau đun nước bê nong bê nia chia thịt, rồi tôi nghe tiếng con lợn rống lên trước khi ằng ặng khi bị đâm, thế là xong đời nó.

Tôi phải dậy, vì không thể nằm khi mọi người dậy hết, tôi giúp đun nước, con lợn đã được cạo lông trắng hếu, giờ tôi biết thêm 1 điều về chồng tôi, hóa ra anh là 1 đồ tể chuyên nghiệp. anh thậm chí biết chọc ngón tay vào chậu tiết để nếm tiết canh đo mặn nhạt. khoắng tiết 1 vòng để biết độ đông đặc lâu nhanh. Họ gọi nhau xẻ thịt rồi nhồi làm dồi, rồi giã làm giò, rồi xẻ để gói bánh chưng, tôi gần rời 2 cánh tay vì phải giã giò, là việc duy nhất tôi biết làm. Rồi suốt cả đêm hôm đó, tôi thức để trông nồi bánh chưng, thú thật ngồi ngủ gật canh nồi bánh mà tôi nhớ Hanoi quá, tôi cũng không thích ăn bánh chưng, nó giống như món xôi giã nát với cục mỡ lầy nhầy chính giữa.

Ở quê, xưng hô cũng là 1 vấn đề, tôi xưng chị với vài đứa trẻ và lần nào mẹ chồng tôi bảo : “ấy ấy phải gọi bằng cậu!”có vẻ như bất kì thàng trẻ con nhem nhuốc nào cũng có thể là cậu tôi hoặc anh tôi, đến nỗi tôi phải chào tất cả bọn ranh con bằng cậu cho chắc.

Suốt cả tết, quê chồng tôi lao vào những cuộc rượu liên miên, chồng tôi say suốt, còn tôi và các phụ nữ thì luôn nấu ăn, dọn, rửa.. rồi lại nấu ăn. Ở quê, tôi nhận ra ai cũng có thói quen rung đùi, mỗi khi ngồi vào ghế, là chân họ rung lên bần-bật, như chứng động kinh, tôi cố quan sát xem họ rung chân phải hay trái, nhưng hỡi ôi, dù chân phải hay trái thì họ đều rung, có người còn rung cả 2 chân cùng lúc, và nếu họ dựa vào gường của tôi thì rung cả gường, giống như đang có 1 cơn động đất nhẹ.

Đến giờ, tôi cũng ko hiểu sao họ lại run rẩy chân khi ngồi ?? Ở quê, tắm cũng là 1 cực hình, suốt cả ngày nấu nướng dầu mỡ, nếu muốn tắm, tôi phải đun 1 nồi nước ( mất cả tiếng để đun nồi nước này ) rồi bê vào nhà tắm với 1 chậu nước lạnh, rồi bê vào nhà tắm là 1 phòng hết sức hẹp không hề có mái che (quê chồng tôi, họ nghĩ nhà tắm thì ko cần mái thì phải), trộn nước nóng lạnh với nhau cho vừa, và ngồi xổm, giội từng gáo nước lên người. và phải nhanh trước khi nước nguội, tôi luôn vừa tắm, vừa suýt soa vì lạnh.

Liền ông ở quê chồng tôi hết sức thô lỗ khi ăn, họ luôn nói rất to như cãi nhau, vừa nhai, vừa nói, vừa hút thuốc, họ chỉ ngừng nói khi ngậm mồm uống hớp rượu hay rít hơi thuốc, và chỉ 1 giây là họ tranh nhau nói, và tôi sợ nhất là hút thuốc, họ thả khói đầy nhà, đến nỗi tôi cảm tưởng đang ở phòng hơi ngạt của đức quốc xã. Và miếng thịt nào tôi ăn, cũng cảm tưởng như ăn thịt xông khói.


Và hầu như lúc nào cũng ăn, 8h sáng họ đã bắt đầu bưng lên mâm rượu thịt đầy tú ụ, và ăn đến 10h đêm luôn.

Suốt chục ngày tết quê chồng, tôi không có 1 ngày an lành, rửa dọn nấu, loanh quanh từ bếp đến cầu ao, đầu tóc xổ tung, quần áo tõa tượi… Tôi nhớ Hanoi với phòng ngủ của tôi, bồn tắm của tôi, café sáng của tôi, bàn trang điểm của tôi… Năm nay, tết lại sắp đến, tôi biết chồng tôi sẽ lại giục tôi về quê ăn tết.

Tôi điên rồi các chị ơi.…

Tễu Blog sưu tầm
Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa.

50 nhận xét :

  1. Đấy là chuyện ngày xưa, còn nay nông thôn, các gia đình còn rộng rãi, tiện nghi và sạch sẽ hơn cả Hà Nội đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở quê bây giờ có tắm nóng lạnh, mát xa, gội đầu. các tiệm ăn, karaoke mở thâu đêm luôn, ăn uống tắm rửa không phải lo nha mà lo nhất là chồng về quê mê đánh chắn. Ở quê bây giờ cứ có đám là có hội chắn thâu đêm lun.

      Xóa
  2. Co phan cuong dieu mot chut , nhung co thuc.Que ban toi cung vay , an com ruoi bay mu troi, duoi nhau chi choe , va vao ca dua an com...so het hon.

    Trả lờiXóa
  3. que nha chong em giau the con gi, suot ngay ruou thit - nghe maf them.

    Trả lờiXóa
  4. Rất hay và thực tế. Quê tôi cũng vậy! Vậy mà xa quê đã 45 năm, chỉ mong được về quê ăn Tết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xa quê 45 năm. Bây giờ quê bạn chắc khác xa rồi...Về quê 1 chuyến cho biết !

      Xóa
  5. Gia đình bên chồng em thuộc hạng nhà giàu mà đời sống như thế. Thử hỏi những gia đình nhà nghèo ở thôn quê thì còn khổ như thế nào! Mà nhà dân nghèo ở đất nước ta nhiều lắm. Theo kiểu cách của em thì cần lấy chồng quan chức, nhất là hạng quan chức tham nhũng, họ mới có tiền để lo nhu cầu vệ sinh cho em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái thứ đàn bà này chỉ đáng làm vợ chủ tịch huyện thôi.
      (Nhại lời một ông Tiến sĩ Triều Nguyễn nhận xét về Thúy Vân:
      "Cái ngữ này chỉ đáng làm bà huyện thôi").

      Xóa
  6. Ha ha, cười dễ thương quá ta. Thư giãn, đúng là thư giãn.
    Ôi quê ơi, văn hóa làng quê, thói quen, lối sống...nhưng dù thế nào họ vẫn là những người nông dân hiền lành, chất phác.
    Cám ơn cô con dâu thành thị đã ghi chép lại những ngày tết quê chồng thật sự đáng nhớ và ấn tượng. Thật là vui với cánh đàn ông. Thật là đáng sợ với chị em phụ nữ. Cám ơn, cám ơn chị em đã vì đàn ông chúng tôi.
    Hô hô hố. Hay.

    Trả lờiXóa
  7. Tết này tôi định về quê sau 60 nam xa cách nghe chuyện mà buồn quá, cứ như là vào
    niên đại 1886 thời Tây đánh Bac Kì.

    Trả lờiXóa
  8. Mà công nhận nhanh thật ạ. Nhớ. Giờ này năm ngoái, bác Tễu có chùm ảnh đi về quê chụp cành bưởi, cây đào, cây mai. Vậy mà đã qua 1 năm nữa rồi. Xã hội, đất nước qua một năm thấy được tinh thần, tâm tư,..của người dân ngày càng dành cho vận mệnh đất nước nhiều hơn.
    Năm mới này blog Tễu sẽ thêm nhiều sự quan tâm của người dân hơn nữa.
    NHN.

    Trả lờiXóa
  9. "tôi cố quan sát xem họ rung chân phải hay trái, nhưng hỡi ôi, dù chân phải hay trái thì họ đều rung, có người còn rung cả 2 chân cùng lúc, và nếu để ý săm soi, có người thậm chí còn rung cả 3 chân cùng lúc!"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bệnh rung đùi như bị thần kinh , gác chân lên ghế thì ngay các thành phố vẫn còn nhiều ! Nên có biện pháp giáo dục để mọi người tránh thói quen xấu .
      Nên chăng , các show hài truyền hình có các nội dung bổ ích , giáo dục nếp sống văn hóa , bài trừ thói hư tật xấu ( như rung đùi , nhổ bậy , vứt rác , nói tục ...) thay vì gây cười vô duyên .

      Xóa
    2. Nông thôn bây giờ đã thay đổi , nhiều nơi đã " đô thị hóa " nhưng những hiện tượng như bài báo thì vẫn còn nhiều .
      Ngược lại , do nhiều nguyên nhân , dòng người từ nông thôn chuyển ra thành phố không dễ từ bỏ ngay những nếp sống ở nơi thôn dã ; Thành thị đã phần nào bị " nông thôn hóa " .
      Tệ nhất là thói quen khạc đờm , nhổ bậy , vứt rác bừa bãi và tục nói bậy chửi thề câu cửa miệng ... Khi ăn uống thì cười nói hô hố , đua nhau nói lấy được , nước bọt nước dãi bắn tứ tung , họ không chú ý rằng khi nói to , nước bọt có thể bắn xa vài ba mét , dễ reo rắc mầm bệnh của những người có bệnh truyền nhiễm . Ấy là chưa nói đến thói quen khua khoắng đũa trong bát canh , nồi lẩu , chén mắm ... không khác gì thứ nước rửa đũa . Nghĩ mà hãi .
      Nhớ khi xưa , bộ đội còn sử dụng hai đầu đũa ( một đầu để gắp , một đầu để lùa cơm ...vào miệng ) rất vệ sinh . Nay chả biết có còn giữ nếp tốt đẹp ấy không .

      Xóa
  10. cHỊ NÀY QUÊN CÂU " NHẬP GIA TÙY TỤC" SAO?, cả năm mới có một vài ngày chia sẻ và đi thực tế thôi, gắng lên đi, chống chị từ đó mà ra mà.
    "con đi cách trở sơn khê, áo nâu con giữ tình quê cho mặn nồng...".

    Trả lờiXóa
  11. Bài comment của lão phu, Tễu không dám đăng.
    Thôi thì học đòi cụ Yên Đổ cho chữ cô Tư Hồng,
    nay lão phu gửi cho con nặc nô nặc danh hai chữ "biết vậy" :
    -TRI DÃ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CHÀO CỤ CỐ HỒNG ! BẨM CỤ, CON BÉ NÀY KHÉO CHỈ LẤY DOCTER XUÂN THÌ NÓ MỚI HẠNH PHÚC CỤ Ạ !

      Xóa
  12. 40 năm gọi là giải phóng rồi , còn không ít những làng quê mộc mạc như vậy , thỉ cũng có gì là xấu đâu em , anh là người sinh ra và lớn lên từ thành phố nhưng không thể chấp nhận loại con dâu khinh rẻ nhà chồng như vậy , nếu em được sinh ra trong một gia đình khó khăn được cấp giấy chứng nhận gia đình cận nghèo , em không có chỗ ngồi để khiển 20 nhân viên toàn đại học nước ngoài chắc chắn lúc đó em sẽ là người Việt chính cống

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cô con dâu này cũng hiền lành dễ thương mà. Cô ấy xa lạ với cuộc sống nông thôn nhưng cô ấy vẫn hòa nhập được với gia đình chồng vì thế mới được mọi người gia đình chồng quí mến. Những thói quen mất vệ sinh ở quê khiến ai cũng ghê chứ đâu riêng gì cô ấy. Một bài viết rất chân thực và buồn cười..

      Xóa
  13. Thư giản là đây sao ? Càng đọc tôi lại không thấy những người dân quê có nếp sống vô văn hóa ! Mà tác giả b̀ài viết rất kém văn hóa ! Nếu bài viết nầy tác giả là khách du lịch người Tây thì không có chuyện để nói , mà đại đa số khách du lịch người Tây họ đều mến yêu con người bên kia luỹ tre, từ môi trường sống đến bản chất của người dân quê , họ lo lắng nay mai văn minh vật chất rồi cũng xóa mất !
    Tác giả thiết thực hơn quyên góp tiền bạc từ công ty , kẻ ít người nhiều về quê xây nhà vệ sinh , giếng nước v.v...
    Chao ôi , ngay đến văn hóa cũng vô cảm nữa ! Tôi khôngcó nụ cười thư giản trong bài viết nầy !

    Trả lờiXóa
  14. Tôi cũng là người nhà quê chính gốc, thấy em tả cảnh trên rất đúng, riêng về quê cái khổ nhất là tắm mùa đông nước nóng phải đun từng ấm, đi đại tiện vào nhà vệ sinh thì thật là như bị tra tấn. Nhưng những người dân ấy họ thuộc vào diện không nghèo đấy ( theo tiêu chuẩn người nghèo của đảng và nhà nước ban hành). Đấy nó là thành quả là cái văn minh của gần 60 năm xây dựng XHCN ở miền bắc và 40 đất nước thống nhất đấy chứ không phải coi thường nhà quê đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa bị dụ dỗ bằng danh hiệu "Giai cấp vô sản vinh quang!". Ngày nay bị dí xuống tận bùn đen "Tiêu chuẩn nghèo, cận nghèo"!

      Xóa
  15. Tác giả bài viết này có thái độ kênh kiệu, và bần tiện đến kinh tởm. Tác giả đã miệt thị cái nghèo, lối sống thiếu thốn, và sinh hoạt thiếu vệ sinh của đời sống thôn quê. Những điều này, giờ cũng đã thay đổi nhiều rồi, tác giả có nhìn thấy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Theo tôi chỉ là bài viết vui thôi . Không nên quá đặt nặng chuyện thành ra xỏ xiên , miệt thị này kia .

      Xóa
    2. Vẫn còn nhiều nơi thế đấy bạn ạ. Không phải ở đâu cũng đổi khác đâu. Đến nhà còn như túp lều vịt, thì làm gì có hố xí hả bạn? Chí có cái chuồng chồ thôi

      Xóa
  16. Yêu nhau yeu cả đường đi lối về

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có điều kiện vậy thì đầu tư chút cho nhà chồng bạn,xây căn nhà có công trình phụ và bếp thì sẽ giải quyết được hết các khó khăn bạn nêu ra.

      Xóa
  17. Bài này, tác giả thuật cảnh Tết quê cách nay cả nửa thế kỷ, nhưng lại thêm kiến thức của thời hiện đại để đọc làm vui. Nông thôn ngày nay thật sự đã biến đổi nhiều, có nơi các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt... không khác gì thành phố, thậm chí còn cầu kỳ, "chảnh hơn" cả thành phố nữa chứ có thua kém gì đâu.

    Trả lờiXóa
  18. Bài này do 1 tay đàn anh khá nổi tiếng trong làng facebook viết để trêu ghẹo chị em đấy. Bác Tễu đã lỡ mất vài câu ở đoạn kết là cô ta ra chợ mua dao chuẩn bị về chém hết cả làng nếu anh chồng lại đòi cô ta về quê ăn Tết :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Còn một chuyện quan trọng nhất mà "không nói ra được" là cái giường chết tiệt làm cho hai đứa không làm ăn gì được suốt bao nhiêu ngày như thế ! Tết với chả nhất ! Hehe !

      Xóa
  19. Quê tôi chẳng khác biệt thành phố,cái j thành phố có thì quê tôi cũng có,xe máy có,thậm trí,có cả ô tô.Buổi sang cũng có quán ca fe,muốn xem phim hót có phim hót,muốn học dan sing cũng có luôn.Nhậu song hát ka ra okey rồi lên gường tươi mát cũng có.Thế là tôi hát (ôi quê tôi) của LMS

    Trả lờiXóa
  20. "Sau khi đánh răng xong"?
    Lỗi câu thừa từ phổ biến hiện nay. Phải là,
    "Sau khi đánh răng", hoặc
    "Đánh răng xong"

    Trả lờiXóa
  21. Sao tôi vẫn ao ước được hưởng một cái Tết đậm nét Tết như vậy ?

    Trả lờiXóa
  22. Nếu tết không vui vẻ
    Thì hỏi tết làm gì
    Hởi cô gái thành thị
    Được dịp về thăm quê?

    Trả lờiXóa
  23. Phúc đức ba đời vẫn có quê
    Đi xa còn có chỗ quay về
    Dẫu cho nơi ấy bao lề tục
    Chỉ mỗi tình người đủ hết chê

    Trả lờiXóa
  24. Nếu cho tôi được chọn
    Tết phố với tết quê
    Thì lạy trời,lạy, đất
    Chốn xưa xin được về

    Trả lờiXóa
  25. Sáng dậy cau trầu, rượu dọn ra
    Thêm vài đĩa kẹo để phòng xa
    Bỗng vang tiếng trẻ reo đầu ngõ
    Biết láng giềng quanh đẫ đến nhà

    Trả lờiXóa
  26. Quê chồng em thật đáng yêu
    Vì có tất cả những điều em nêu
    Như mà lại thật trớ trêu
    Sinh ra được những chàng trai đa tài
    Cao, To... dớt được ...chân dài
    Thông Minh, bằng cấp, con nhà giầu sang
    Thủ đô... nữ ngọc,gái vàng
    Cớ sao say đắm cu chàng nhà quê
    Để rồi mỗi Tết phải về
    Ra đi, tả lại ...ê chề...xấu xa
    Dâu con... chăm chỉ siêng năng
    Xinh xẻo... tất cả nết ăn, cái nhìn
    Về quê Chồng , nhớ như in
    Viết nên thành... chuyện em nghìn lần... điên!!!



    Trả lờiXóa
  27. Cám ơn Tễu đã sưu tầm và cho đăng những câu chuyện có thật ở thôn quê thuở nào! bài viết đã gợi lại không ít những trải nghiệm của không ít người đấy, ... cười vui ngày Tết, đầu xuân, chúc Tễu và gia đình dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và bình an .... tiếp tục là nơi tin tưởng của không ít bà con trong và ngoài nước. trân trọng cám ơn.

    Trả lờiXóa
  28. Trúng phóc chuyện Tết của mình. Ngày trước mình tuyền xơi Tết như thế. Nay không còn nữa. Tiếc.

    Trả lờiXóa
  29. Đọc, suy ngẫm trước khi comment chứ. Tểu đăng bài nầy theo tôi nghĩ: Nói lên thực trạng dân trí của xã hội Việt hôm nay cũng như cho chúng ta biết những điều mà truyền thông nhà nước nói chỉ là những điều mị dân. Nông thôn Việt vẫn chỉ là bông thôn thôn !! Đừng tưởng "Nông thôn mới!"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái hay của câu chuyện là mở vấn đề cho mọi người bàn luận ... nhưng thực chất ĐÂY chính là TÁC PHẨM HIỆN THỰC PHÊ PHÁN mà một thời ai cũng được học ( môn văn ) trong chương trình SGK .

      Xóa
  30. Tôi nhớ có lần về đắp đê ven sông Đáy. Nhà dân chúng tôi trọ có một cái bể nước xây bằng xi măng, dưới khóm tre. Lá tre rụng đầy, chúng tôi loay hoay không biết làm thế nào để gạt lá tre mà múc nước ra. Bà chủ nhà thấy vậy liền ấn chìm cái rổ vào bể nước. Thế là chúng tôi dễ dàng múc nước sạch trong lòng cái rổ ấy.

    Trả lờiXóa
  31. Con gái thị thành có học nước ngoài một tí là khinh nhà quê, quê mùa, lạc hậu . Mấy chị thành thị kiểu này chắc coi mẹ chồng nhà quê không bằng con ở !

    Trả lờiXóa
  32. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh trong lời mở đầu bài văn nghị luận Xét Tật Mình đã nói một câu chí lý:
    "Người Việt Nam ta quanh năm chỉ những ăn cùng uống...".
    Quả thật là thế! Bài văn nghị luận này đã non một thế kỷ rồi, thế mà người Việt Nam ngày càng ăn nhậu nhiều, tràn lan cả xứ sở! Quan thì rượu tây, rượu tàu, tay gấu...dân nghèo thì cái đầu gà, cái cẳng gà, quả ớt, quả ổi.....Buồn thế!

    Trả lờiXóa
  33. Bài văn hay ,được 9 điểm ,nếu thêm đoạn sau :bực nhất tôi gọi điện cho taxi để đi shoping và makup nhưng o có xe ....biết thế trước kia tôi lấy Cường dolar,nhưng tôi lại o là showbit... bài văn sẽ là 10 điểm...và bài văn thiếu hiện thực xã hội chủ nghĩa ,nên theo tôi bài văn chỉ được 1 điểm !

    Trả lờiXóa
  34. Có óc quan sát, có khướu miêu tả, nếu biết đầu tư cho nghiệp viết thì văn rất hay. Nàng dâu tốt đấy chứ không phải khinh quê chồng đâu. Còn cái đoạn giường nằm gần gian chính trong nhà bất tiện cho việc quan hệ vợ chồng, thì tôi nghĩ thế này: Các cụ, con cháu đứa nào thế nào, làm trò gì ở đâu các cụ cũng biết hết. Các cụ là người cõi âm đi mây về gió, tinh lắm, nhìn thấu mọi sự. Thôi thì cứ quan hệ thỏa mái, không sao đâu. Các cụ biết cả đấy nhưng làm ngơ thôi. Mà khi đã là người cõi âm rồi thì coi con cháu cũng như chúng ta coi mấy con vật nuôi chó, mèo...Ta yêu quí chó mèo, nếu chúng có lẹo nhau thì chúng ta cũng có chấp đâu.

    Trả lờiXóa
  35. Xứ VN,nhập gia thì phải ..."tục", mới sống được!

    Trả lờiXóa
  36. Đây là hiện thực của VN một thời, cách đây chưa xa. Nhất là cái nhà vệ sinh thì thập niên 70, đầu 80 của thế kỉ trước vẫn có tại Hà Nội đấy. Mà không phải là 1 gia đình đi ở cái nhà vệ sinh như vậy đâu thậm chí rất nhiều nhà cùng dùng cái nhà vệ sinh kiểu đó nữa cơ.
    Đặc biệt là thói khạc đờm, rung đùi, vừa ăn vừa nói rất to thì hiện nay cũng còn khá nhiều người vẫn thế, cả nông thôn lẫn thành thị, Còn những thói xấu như khạc đờm, rung đùi, vứt rác bừa bãi, vừa ăn vừa nói chuyện rất to... thì bây giờ vẫn có ở cả nông thôn lẫn thành thị,nhưng có lẽ nông thôn nhiều hơn.
    Vì thế bài viết này, có lẽ tác giả nào đó đã mượn lời của phụ nữ nói về quê chồng để cảnh tỉnh và mong mỏi những ai hoặc nơi nào đó còn những thói xấu trên thì mau thoát ra thôi.

    Trả lờiXóa
  37. Tôi đã ngoài 60. Trừ những năm đi học nước ngoài năm nào tôi cũng về quê ăn tết.,Nông thôn ngày nay đã thay đổi rất nhiều, văn minh hơn, sung túc hơn. Tết ở nông thôn thật là thiêng liêng, ấm cúng... an toàn và tình người... khác với cuộc sống quá gấp gáp và căng thẳng của Thành ohos. Tôi vẫn ước ao năm nào cũng về quê ăn tết. Mẹ tôi đã mất cách đây 3 năm, ba tôi hi sinh 60 năm, quê hương là mẹ là cha. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”

    Trả lờiXóa